Tình người giữa đại dương
Vụ cướp biển tháng 11/2012 đã đi vào lịch sử Cảnh sát Biển Việt Nam và được coi là một trong những chiến công to lớn khẳng định sức mạnh, sự tinh nhuệ của cán bộ, chiến sĩ được thuật lại một cách chi tiết.
Ông Võ Huy Cường ngụ tại xã Phước Tỉnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, là chủ của hai ghe cào cá BKS 95192TS và BKS 92350TS đã cứu vớt 9 thủy thủ người nước ngoài của tàu Zafirah bị cướp biển tấn công ngày 16/11/2012 nhớ lại: “Khi chúng tôi đang cào cá ở gần đó thì phát hiện có tín hiệu cấp cứu. Nhanh chóng tiến đến gần thì đó là người gặp nạn.
Lúc đầu cứ nghĩ là ngư dân bị lật ghe, nhưng không phải. Nói thật với anh, lúc đó cũng sợ vì họ là người ngoại quốc. Biết đâu, họ là cướp biển?. Nhưng nhìn họ chới với tuyệt vọng và chìm dần, mình không thể không cứu. Sau cái vụ đó tui được xã khen ngợi, nhưng điều làm tui rất hài lòng là mình đã quyết định cứu sống họ. Đó là cái tình của người làm nghề đi biển. Họ cũng như mình, cũng máu đỏ da vàng như ta cả”.
Theo đó, chiều 16/11/2012, tàu Zafirah do thuyền trưởng Sann Winnung 56 tuổi, quốc tịch Myanmar cầm lái bắt đầu rời cảng Pasir Gudong để đến cảng Miri trong phạm vi nội quốc Malaysia.
Tàu Zafirah quốc tịch Malaysia có trọng tải 496 tấn, lúc đó chở 300 tấn dầu manine gas oil. Trên tàu có 9 thuyền viên, gồm 5 người Myanmar và 4 công dân Indonesia.
|
Kiểm tra tàu chở hàng trái phép trên biển (ảnh do đơn vị cung cấp). |
Sau hai ngày hải trình liên tục, đến 3h sáng ngày 18/11, tàu Zafirah đến vùng biển Indonesia thì bất ngờ thấy một tàu lạ từ xa lao tới với tốc độ cao. Do trời tối, tầm nhìn hạn chế cộng với sóng to gió lớn, radar của tàu quét không rõ mục tiêu. Mặc dù các thủy thủ tăng cường quan sát bằng kính quang học cũng không thể phát hiện chính xác “đống đen” lạ đang bám đuôi tàu là cướp biển.
Các thủy thủ tàu Zafirah đang hoang mang chưa biết chuyện gì xảy ra thì bọn cướp biển nhanh chóng áp sát mạn tàu Zafirah. Ngay lập tức, 11 đối tượng bịt mặt nhảy lên tàu, dùng dao, mã tấu, súng uy hiếp.
Ngay sau đó, bọn cướp biển còng tay và bịt mặt toàn bộ 9 thuyền viên rồi nhốt chung vào trong một khoang tàu. Chúng ra lệnh các thuyền viên không được cử động, di chuyển, nói chuyện hay có bất kỳ liên lạc nào với bên ngoài. Mỗi ngày, chúng chỉ cho một ít lương thực và nước uống đủ để cầm cự. Sau khi khống chế xong, chúng tự lái tàu.
Đến khoảng 21h30 ngày 20/11 tức là sau 4 ngày, bọn cướp biển gí súng, tháo còng và ép toàn bộ thuyền viên phải nhảy xuống biển. Biết nhảy xuống biển chỉ còn nước chết, các thuyền viên chống cự lại thì bị chúng đẩy toàn bộ xuống biển. Chúng ném theo xuống biển 2 phao cao su. Giữa đêm tối mịt mùng, các thủy thủ lần bám, bơi và cố sống.
Ngày 19/11/2012, nhận được nguồn tin quốc tế tàu Zafirah vừa bị cướp và hiện đang tiến vào vùng biển Đông thuộc lãnh hải Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo của Cục Cảnh sát Biển, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Biển Vùng 3 đã thành lập biên đội tàu triển khai thành 2 đội hình gồm 5 chiếc 6007, 4031, 9001, 4034, 2011 bí mật truy đuổi. Các nhà giàn DK1, các tàu trực trên vùng biển thềm lục địa phía Nam tăng cường quan sát, báo cáo về sở chỉ huy.
|
Chiến sĩ Cảnh sát Biển tuyên truyền cho ngư dân. |
Mặc dù bọn cướp biển đã đổi tên tàu Zafirah thành Seahorse, nhưng cũng không thoát khỏi “mắt thần” của các chiến sĩ radar ở các nhà giàn DK1 Cụm Tư Chính, Phúc Nguyên. Thượng tá Đỗ Văn Toàn, Chính ủy Trung đoàn Radar 251 cho biết: “Khi tàu Zafirah xuất hiện trên vùng biển Tây Nam, trạm radar ở các nhà giàn đã kịp thời phát hiện. Tàu Zafirah đi đến đâu, đổi hướng thế nào đều được radar theo dõi, kiểm soát chặt chẽ”.
Dưới sự chỉ huy của Đại tá Lê Xuân Thanh, Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát Biển 3, hai biên đội tàu đã áp sát hai bên mạn tàu Zafirah. Bằng bản lĩnh và nghiệp vụ, các chiến sĩ Cảnh sát Biển Vùng 3 đã yêu cầu tàu Zafirah thả neo để kiểm tra nhưng chúng không dừng lại còn tăng tốc tháo chạy.
Trước tình thế ấy, các chiến sĩ đã quyết định nổ súng chỉ thiên, sử dụng loa cùng tín hiệu gọi kêu hàng. Mặc cho yêu cầu của Cảnh sát Biển Vùng 3, bọn cướp vẫn tăng tốc. Biết không thể nhẹ tay, Đại tá Lê Xuân Thanh đã chỉ huy cho nổ súng trên ca-bin tàu của bọn cướp.
Cuối cùng chúng đã cho tàu dừng lại và đầu hàng. 11 tên cướp biển đã bị cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Biển Vùng 3 tóm gọn và kéo tàu về đất liền giao cho lực lượng chức năng xử lý.
“Cá kình” ở biển
Đông Vùng Cảnh sát Biển 3 được thành lập ngày 7/3/2001, ngày 3/10/2014 Vùng được nâng cấp lên thành Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3. Đây là lực lượng có nhiệm vụ quản lý vùng biển từ Cù Lao Xanh, tỉnh Bình Định đến bờ Bắc cửa Định An, tỉnh Trà Vinh bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1- vùng biển được coi là nhạy cảm với lưu lượng tàu thuyền nước ngoài hoạt động liên tục và thường xuyên có cướp biển.
15 năm qua, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 đã thực hiện nhiều lượt chuyến tàu làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật và trực tại các vị trí theo qui định.
|
Một buổi huấn luyện bắt cướp trong thành phố. |
Chỉ tính riêng trong năm 2014 và năm 2015, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 đã tiến hành kiểm tra 268 tàu thuyền các loại; xử lý 199 tàu vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính thu nộp ngân sách nhà nước gần 2 tỷ đồng.
Phối hợp với các cơ quan chức năng trong lực lượng bắt giữ và xử lý hơn 10 tàu thuyền có hành vi vận chuyển hàng hóa trái phép, tịch thu hơn 1,4 triệu lít dầu DO, 917 nghìn lít xăng, hơn 32 nghìn kg đạm URE, xua đuổi nhiều lượt tàu nước ngoài hoạt động trái phép, đấu tranh triệt phá 12 vụ án về ma túy, cứu nạn thành công hơn 9 lượt tàu cá cùng hơn 50 ngư dân, 7 nhà khoa học…
Khó có thể nói ra đây bao khó khăn, gian khổ của những ngày đầu thành lập trong điều kiện doanh trại thiếu thốn, đời sống cán bộ, chiến sĩ gặp nhiều khó khăn. Không thể kể hết bao lần cán bộ, chiến sĩ vượt sóng ra khơi giữa đêm tối mịt mùng cứu ngư dân gặp nạn trên biển và làm thực thi pháp luật trên các vùng biển, đảo Trường Sa, DK1, song có một điều khẳng định chắc chắn là họ hoàn toàn xứng đáng với tên gọi “Cá kình biển Đông”, là khắc tinh của tội phạm ngoại quốc.
Đại úy Lê Hải Trường, Thuyền trưởng tàu 4031 chia sẻ: “Yêu cầu đối với cán bộ, chiến sĩ trong mỗi vụ án là khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Đối với tội phạm phải kiên quyết, khôn khéo và bản lĩnh. Trong nhiệm vụ giúp dân phải làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, nhất là bà con ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ. Hướng dẫn họ xử lý đúng đối sách, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn trên các vùng biển, phối hợp với chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng làm tốt công tác dân vận và tuyên truyền pháp luật, giúp ngư dân hiểu về luật biển và chấp hành tốt hơn mỗi khi giong thuyền ra khơi”.
Tấm Huân chương Chiến công hạng Ba Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng cho hai tàu CSB 4031 Hải đội 301, CSB 4034 Hải đội 302 là bằng chứng khẳng định bản lĩnh trí tuệ và ý chí kiên cường đấu tranh phòng chống tội phạm của những người hùng bắt cướp trên biển.