"Nếu không thoát kịp, cả hai chỉ có con đường chết"
"Đây là vị thần đã đến để cứu con trai tôi, một điều lạ đến khó tin. Tên anh là Ngọc Hoàng. Cảm ơn anh và cả đội rất nhiều, khi con trai ra viện nhất định tôi sẽ gặp anh và toàn đội PCCC, những người đã lao vào khói lửa hôm đó, để nói ngàn lời cảm ơn" - Lời người cha có con được cứu trong hoả hoạn kèm bức ảnh chiến sỹ Cảnh sát PCCC mặt đen nhẻm cõng cậu bé lao ra từ đám cháy được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.
Người xem đều bày tỏ lòng cảm phục, biết ơn hành động dũng cảm, quên mình vì tính mạng người dân của chiến sỹ Cảnh sát PCCC trẻ tuổi.
Chia sẻ về lần chạy đua thời gian, giành giật với “tử thần” sinh mạng của cậu bé đang bị mắc kẹt trong đám khói hôm đó, Trung uý Vũ Ngọc Hoàng, Đội Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ quận Đống Đa nhớ lại: Khoảng hơn 10h sáng 10/9, đơn vị nhận được lệnh chi viện chữa cháy trên phố Núi Trúc (Ba Đình, Hà Nội). Ngay lập tức, các cán bộ, chiến sỹ nhanh chóng mang theo phương tiện cứu hộ, lên xe tới hiện trường. Khi đến địa chỉ số 8, ngõ 12, phần lớn ngôi nhà 5 tầng đều chìm trong khói lửa. Một số người đã kịp trèo sang ban công của hộ bên cạnh để thoát thân.
Sau khi nắm bắt tình hình, Trung uý Hoàng cùng các chiến sỹ trong đội bắt đầu triển khai leo thang lên các tầng, phá cửa và đưa lăng vào chữa cháy.
“Lúc đó, tôi chỉ đội một chiếc mũ bảo hộ còn hai đồng chí khác có đeo bình thở nên cầm lăng đi lên phía trên theo lối cầu thang. Khi nghe thấy có tiếng hô vẫn còn người mắc kẹt, theo quán tính, tôi chạy lên và phát hiện một nam thanh niên đang bị ngất trên sàn nhà tại tầng 4 với tư thế nằm sấp. Trong phòng lúc này rất nóng, khói rất nhiều. Thấy tim nạn nhân vẫn còn đập nhưng nhịp thở chỉ còn thoi thóp, một đồng chí có mặt tại đó ngay lập tức nhường bình oxy và tiến hành sơ cứu tại chỗ”, anh Hoàng kể.
Bằng phương pháp nghiệp vụ, cậu bé nhanh chóng được đưa lên lưng Trung uý Hoàng. Nhưng nếu đội mũ lại cho nạn nhân thở bằng bình oxy như vậy sẽ không thể cõng được vì lối đi cầu thang quá nhỏ cộng thêm đồ chất cháy quá nhiều. Do đó, cách duy nhất để giải cứu là phải bỏ lại tất cả những vật dụng bảo hộ.
Xuống tới tầng 2, đôi chân của anh Hoàng đã có phần chững lại vì quá mệt và gần như tê cứng không thể bước tiếp. Tuy nhiên, như có điều gì đó thôi thúc anh cần phải trấn tĩnh, phải lấy hết sức bình sinh để cố gắng cõng cậu bé thoát ra ngoài vì nếu nằm lại ở đây, cả hai chỉ có con đường chết.
Khi đưa được nạn nhân lên xe cấp cứu, tưởng chừng người lính cứu hoả cũng gục xuống vì ngạt thở và kiệt sức. Nhưng chỉ sau vài phút nghỉ ngơi, được đồng đội đưa nước rửa mặt, chiến sỹ ấy lại tiếp tục lao vào chiến đấu với “giặc lửa”, thực hiện nhiệm vụ vẫn còn dang dở. Đến 11h30 cùng ngày, đám cháy đã hoàn toàn được dập tắt.
Nhớ về khoảnh khắc “ngàn cân treo sợi tóc”, anh Hoàng bày tỏ: “Tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất là làm sao có thể cứu được người bị nạn ra khỏi đám khói càng nhanh càng tốt. Trong hoàn cảnh như vậy, không chỉ riêng tôi mà tất cả các chiến sỹ phòng cháy chữa cháy đều sẵn sàng làm như vậy”.
“Họ là những thiên thần được cử xuống để cứu con tôi”
Ba tuần sau khi được chữa trị, sức khoẻ của Nguyễn Hoàng Giang - nạn nhân được giải cứu trong vụ cháy đã gần như hồi phục hoàn toàn và có thể tự đánh đàn, ca hát. Nói như lời của anh Nguyễn Viết Thành (bố của Giang), đó là một kỳ tích.
Anh Thành kể: Ban đầu, thấy con trai đen như cục than, nằm bất tỉnh trên giường bệnh, anh gần như bị choáng và mất kiểm soát. Do bị ngạt khói quá nặng nên ngay trong ngày hôm đó, cháu đã được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu.
Các bác sỹ tại đây cho biết sẽ cố gắng hết sức và gia đình phải xác định tư tưởng trước trong trường hợp xấu nhất. Nếu có thể qua được, khả năng sẽ phải điều trị tích cực ít nhất là 3 tháng. Nhưng gia đình anh rất mừng vì chỉ 1 - 2 ngày nữa là con anh có thể xuất viện.
"Nhìn bức ảnh chiến sỹ PCCC mặt mũi đen nhẻm vì khói, ai nấy đều thực sự cảm động vì đó là người thật, việc thật, là ranh giới giữa sự sống và cái chết. Đến bây giờ, tôi vẫn luôn tự hỏi, liệu mấy ai có thể làm được những điều phi thường như vậy.
Người được cứu có khi không phải người thân nhưng họ vẫn sẵn sàng bất chấp nguy hiểm, thậm chí có thể hy sinh cả tính mạng.
Nếu như các siêu anh hùng trong phim viễn tưởng của Mỹ chỉ là hư cấu thì các chiến sỹ cảnh sát PCCC mới chính là anh hùng ngoài đời thực, là những thiên thần được cử xuống để cứu người bị nạn. Chúng tôi dành cho họ một sự biết ơn bởi ngàn lời cảm ơn vẫn là không đủ”, người cha chia sẻ.