Chuyển đổi số ở Quảng Ngãi cần lựa chọn bước đi thích hợp

(PLVN) -  Chiều 1/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Hội Khoa học Kinh tế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế số nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”.
Chuyển đổi số cần bước đi thích hợp

Tham dự hội thảo có ông Lê Quang Thích - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, ThS Hồ Trọng Phương – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, GS.TS. Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh doanh - Đại học Kinh tế TP HCM, TS Phạm Hoài Nam - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế tỉnh Quảng Ngãi; cùng các nhà nghiên cứu khoa học ở một số trường Đại học; các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh (UEH) trình bày tham luận tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ThS Hồ Trọng Phương trình bày thực trạng và giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. GS.TS. Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh doanh - Đại học Kinh tế TP HCM báo cáo tham luận “Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh“; TS. Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa kinh tế Trường Đại học Công nghiệp TPHCM – phân hiệu Quảng Ngãi trình bày về “Vai trò của thương mại điện tử trong việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn”

Theo đó, thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và thúc đẩy phát triển kinh tế số nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng với nhiều giải pháp và đạt được một số kết quả nhất định. Giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm khoảng 19.5 ngàn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5.4%/năm, đóng góp khoảng 17% vào giá trị tổng sản phẩm của tỉnh.

Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, theo GS.TS Võ Xuân Vinh, tỉnh cần tiếp tục triển khai một cách đồng bộ các giải pháp sau:

Các đại biểu tham dự hội thảo

Đẩy nhanh quá trình hoàn thiện công tác quản trị số, tạo lập dữ liệu số, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp để phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ AI nhằm hỗ trợ cho quá trình quản trị và ra quyết định hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và kinh doanh nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực cho cán bộ, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, chú trọng đào tạo kỹ năng số cho lực lượng lao động trẻ để họ có thể ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, trong việc ra các quyết định sản xuất kinh doanh, cũng như đưa sản phẩm nông nghiệp của mình ra thị trường.

Hiện nay, mặc dù tỉnh đã có các trang thông tin, trang web giới thiệu đặc sản địa phương ra thị trường, cả OCOP lẫn không phải OCOP, tuy nhiên, cần hướng dẫn và đào tạo để cho từng người dân có thể tận dụng các nền tảng thương mại điện tử khác một cách nhuần nhuyễn, thuần thục. Ngoài ra cần phát triển hạ tầng số theo hướng mở rộng mạng lưới viễn thông: Đầu tư nâng cấp hạ tầng viễn thông, đảm bảo kết nối internet tốc độ cao đến các khu vực nông thôn và miền núi, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ số.

Mặt khác, tỉnh cần hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số bằng cách cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp và người nông dân trong quá trình chuyển đổi số, giúp họ áp dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh. Khuyến khích thương mại điện tử: Hỗ trợ doanh nghiệp, người nông dân đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng cường cạnh tranh. Tăng cường hợp tác và liên kết bằng cách thiết lập quan hệ hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn để học hỏi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ, liên kết vùng để tận dụng lợi thế và nguồn lực từ các tỉnh lân cận trong phát triển kinh tế số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Kết luận hội thảo, ông Lê Quang Thích - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi nhận định: Hội thảo là nguồn tư liệu thông tin quan trọng cho Tỉnh ủy, UBND trong điều hành và phát triển kinh tế số, chuyển đổi số. Các tham luận hôm nay rất có giá trị, đóng góp cho phát triển kinh tế số và chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Thông qua hội thảo có thể thấy, các giải pháp cần lưu ý là: Hạ tầng CNTT và viễn thông phục vụ chuyển đổi số; cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; Nâng cao nhận thức và đào tạo phát triển, đào tạo cả doanh nghiệp, hợp tác xã, cả hộ nông dân. Đặc biệt, vai trò con người mà GS Vinh nêu khái niệm là con người số; vai trò chủ thể này mang tính chất quyết định. Đã làm nhưng yêu cầu trong thực tiễn vẫn còn khoảng cách, vẫn còn phải triển khai để đuổi kịp các tỉnh. Ngoài ra, xây dựng cơ sở dữ liệu, nền tảng dữ liệu đã làm từng bước và cần tiếp tục làm đồng bộ, hiện đang ở khâu quản lý nhà nước, cần để doanh nghiệp, người dân tiếp cận dữ liệu số.

Đối với sàn thương mại điện tử: Hiện tỉnh đã bắt đầu tiếp cận thương mại điện tử, thậm chí nhiều người nông dân đã bắt đầu tiếp cận được các trang thương mại điện tử, tuy nhiên cần nâng cấp lên mức độ cao hơn. Điều đáng lưu ý: khi thực hiện chuyển đổi số cần lựa chọn bước đi phù hợp, công nghệ phù hợp, tránh lãng phí đầu tư quá lớn, đạt yêu cầu sản phẩm có chất lượng, vào siêu thị, đến thành phố lớn; bán ra nước ngoài.. Nhưng quan trọng là ngành nông nghiệp cần làm cho người nông dân, các doanh nghiệp cùng đồng hành trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số..

Đọc thêm