Nhiều kinh nghiệm quản lý được các bác sĩ đầu ngành chia sẻ tại hội nghị Truyền máu - Huyết học phía Nam mở rộng lần thứ tư tổ chức mới đây tại TP Đà Lạt.
Bác sĩ Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM cho biết, hiện chỉ có hơn 1% dân số Việt Nam tham gia hiến máu. Bộ Y tế đang hướng tới mục tiêu 2% dân số hiến máu theo tỷ lệ khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhằm đảm bảo nhu cầu điều trị. Tỷ lệ người hiến máu lặp lại cũng chưa cao và cần được cải thiện.
Năm 2017, cả nước tiếp nhận được 1,5 triệu đơn vị máu. Nhiều chương trình phát động hiến máu như Hành trình đỏ, Lễ hội Xuân hồng, Giọt hồng tri ân… được tổ chức thường xuyên và hưởng ứng rộng rãi, góp phần tăng đáng kể nguồn máu dự phòng.
Nhờ tích cực tuyên truyền, gần 100% lượng máu được hiến tặng hoàn toàn tình nguyện. Song theo bác sĩ Dũng, vào những thời điểm đặc biệt trong năm (lễ, Tết, dịp hè), tình trạng hiến máu cục bộ vẫn diễn ra, cần tìm giải pháp hoạch định lâu dài để cung cấp nguồn máu liên tục cho người bệnh.
|
Bác sĩ Phù Chí Dũng phát biểu trước thềm khai mạc khu triển lãm của hội nghị. |
Ngoài số lượng, đảm bảo chất lượng nguồn máu sạch cũng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Theo thống kê của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, gần 10% lượng máu hiến tặng phát hiện thấy tác nhân bệnh truyền nhiễm, cao nhất là viêm gan B.
Trong các giải pháp sàng lọc máu đang được áp dụng, kỹ thuật khuếch đại acid nucleic (NAT) triển khai từ năm 2015 tại 4 tỉnh thành Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng đã đem đến những hiệu quả tích cực. NAT đang được ứng dụng tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy…
|
Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ về kỹ thuật sàng lọc máu. |
Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đã thu thập được 105.000 đơn vị máu trong năm 2017. Việc sử dụng kỹ thuật NAT giúp trung tâm phát hiện 69 trường hợp viêm gan siêu vi B và một trường hợp HIV trong giai đoạn đầu.
NAT là một trong những công nghệ sàng lọc máu tiên tiến nhất hiện nay, có độ chính xác và độ nhạy cao, rút ngắn thời gian phát hiện virus ở giai đoạn đầu. Kỹ thuật này được hãng Roche nghiên cứu dựa trên công nghệ real-time PCR, giúp phát hiện virus lây HIV, viêm gan B và C trong máu với tốc độ nhanh hơn.
|
Các chuyên gia tìm hiểu giải pháp sàng lọc máu tiên tiến kết hợp huyết thanh học và kỹ thuật NAT. |
Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, hơn 30 bài trình bày về các lĩnh vực đa dạng như ghép tế bào gốc, bệnh lý huyết học, điều trị lâm sàng… cũng được các chuyên gia Mỹ, Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Singapore… chia sẻ.
Hội nghị cũng kỷ niệm 20 năm thực hiện ca ghép tế bào gốc đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2017, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM đã thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi không cùng huyết thống đầu tiên tại Việt Nam, mở ra cơ hội điều trị một số bệnh lý huyết học ác tính.