Thủ đoạn táo bạo
Liên quan đến sự việc kẻ đi nhờ xe giết tài xế, cướp tài sản ở Bắc Ninh, Thượng tá Nguyễn Công Khôi, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC45, Công an tỉnh Bắc Ninh) có những chia sẻ để các tài xế lái xe đường dài nói riêng và người dân nói chung có những kiến thức cơ bản tránh khỏi trường hợp đáng tiếc như anh P. vừa qua.
|
Thượng tá Nguyễn Công Khôi, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC45, Công an tỉnh Bắc Ninh) Người cầm bảng phần thưởng. |
Thượng tá Khôi khuyên mọi người nên cảnh giác trước những người lạ, trước những đối tượng có hành động bất minh, không rõ ràng. Mỗi trường hợp là một cách xử trí khác nhau nên mọi người cần luôn cảnh giác, không nên quá tin lời người lạ và dễ dàng bị lợi dụng. Người cho đi nhờ xe khi phát hiện đối tượng người kế bên có hành vi bất thường, cảm thấy không an tâm thì nên chủ động phòng ngừa. Chỉ có chủ động phòng ngừa mới đem lại sự an toàn cho chính bản thân mỗi người.
Thời gian qua, tình hình cướp giật tài sản trên địa bàn các khu đô thị đông dân cư đang diễn biến theo chiều hướng hết sức phức tạp. Tính chất nguy hiểm của loại tội phạm trên gây mất an toàn về trật tự trị an, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người dân, người tham gia giao thông.
Đối tượng gây án thường ở các độ tuổi khác nhau từ thanh niên đến trung niên, không có việc làm ổn định, thường xuyên tụ tập chơi bời, sử dụng chất kích thích như rượu, bia, ma túy, cờ bạc, nợ nần. Tỷ lệ phạm tội trở lại với các đối tượng đã có tiền án, tiền sự là khá cao.
Bọn cướp thường cấu kết thành nhóm từ hai người, phân chia nhiệm vụ nhằm làm phân tán sự chú ý của nạn nhân để dễ bề hành động, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình gây án.
Cách phòng tránh
Trao đổi về cách phòng tránh cho người dân cũng như lái xe, TS. Tạ Thị Hồng Lan (Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm), lưu ý thêm, mọi người đi đường chỉ nên mang theo các tài sản gọn nhẹ, khi đi làm không nên mang theo tài sản cá nhân có giá trị. Tâm lý của tội phạm cướp giật rất manh động, quyết liệt, bất chấp mọi nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của người khác, miễn là cướp được tài sản. Khi bị truy đuổi, sẵn sàng sử dụng hung khí mang theo để chống trả. Gần như đối tượng cướp giật nào cũng “găm đồ” (dao, kiếm…) trong người, nên người dân cần chú ý.
Làm gì để không trở thành “mồi ngon” của bọn cướp giật? Cách phòng ngừa tốt nhất vẫn là sự cảnh giác của mỗi người. Cần chủ động không để bản thân rơi vào những tình huống nguy hiểm, không nên tạo sơ hở để bọn cướp giật ra tay. Đồng thời, phải “phòng ngừa sớm” bằng việc dự liệu từ trước những cách thức đối phó nếu chẳng may bị cướp giật.
Khi ra đường không phô trương tài sản quý, hạn chế đeo đồ trang sức khi ra đường. Không nên mang theo nhiều đồ đắt tiền bên mình, trừ khi thật sự cần thiết. Khi đó, phải cất tiền, tài sản vào trong cốp xe (nếu có) hoặc chằng buộc cẩn thận vào xe. Lưu ý, trước khi cất đồ vào cốp hoặc lấy ra thì phải nhìn xung quanh, vì bọn cướp giật thường chọn thời điểm này để gây án.
Khi gặp đối tượng lạ xin ngồi nhờ cần chủ động phòng tránh, chú ý những hành động bất thường nhỏ nhất của người ngồi bên.
Người lái xe cũng cần nhớ đến các đồ vật mang theo, phán đoán vật gì có thể bị cướp giật để chú ý bảo quản. Khi chẳng may xảy ra va quệt xe, cần nghĩ ngay đến khối tài sản đang mang theo trên người hoặc treo ở xe và có biện pháp bảo vệ, vì rất có thể sự cố là do bọn cướp giật cố tình dàn cảnh tạo ra để làm phân tán sự chú ý của nạn nhân.
Với người vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô hay xe taxi, phải nâng cao cảnh giác, chú ý quan sát xung quanh trước khi đưa tiền, hàng hóa lên, xuống xe. Đặc biệt, trước khi bước ra khỏi xe ô tô, cần nhìn trước ngó sau. Khi người đã ra ngoài xe thì mới lấy đồ ra.
TS. Tạ Hồng Lan cho biết thêm, khi bị cướp giật, hầu như ai cũng mất bình tĩnh, thậm chí hoảng loạn, mất kiểm soát hành vi tức thời. Lúc này, hãy cố gắng trấn tĩnh lại bằng cách hít thở sâu vài lần. Tên cướp giật nào cũng có hung khí giấu trong người. Chúng sẵn sàng ra tay manh động chống trả nếu bị truy đuổi gắt gao.
Phản ứng khôn ngoan là hô hoán thật to với người cùng đi trên đường để nhờ giúp đỡ. Người lái xe ô tô nên trang bị đồ bảo vệ mình phòng khi gặp nạn và điện thoại để khi cần gọi ứng cứu từ lực lượng chức năng hoặc người thân. Khi tri hô cần người ứng cứu phải nói to, rõ ràng việc mình bị cướp giật, đối tượng đi xe gì, người như thế nào, đang chạy về hướng nào. Cũng không nên khóc lóc, gào thét, chửi bới… vì sẽ làm mọi người thiếu thiện cảm với bạn.
“Theo kinh nghiệm của chúng tôi, nhất thiết sau khi bị cướp giật phải trình báo công an, vì dù không có nhiều hy vọng tìm được đối tượng và lấy lại tài sản ngay, nhưng nên nhớ, các đối tượng luôn “ngựa quen đường cũ”, sớm muộn cũng sẽ bị bắt ở các vụ án khác. Những lá đơn trình báo của bạn hôm nay, sẽ giúp cơ quan điều tra khai thác mở rộng vụ án và truy thu tài sản về cho bạn”, TS Hồng Lan nói.
TS Tạ Hồng Lan cho rằng có nhiều người không biết nên ứng xử thế nào nếu truy đuổi mà bắt được đối tượng cướp giật. Trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ người đi đường đánh đập các đối tượng cho bõ tức rồi bỏ nạn nhân lại bên đường. Việc làm này rất nguy hiểm, nếu đối tượng chết hoặc bị thương tích nặng, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” hoặc “Cố ý gây thương tích”. Ngoài ra, việc thả đối tượng, sẽ giúp chúng có điều kiện tiếp tục gây án với người khác. Ứng xử đúng đắn nhất là bình tĩnh, can ngăn mọi người không đánh đập đối tượng, khám nhanh thu giữ hung khí, phương tiện, lấy lại tài sản rồi cùng người đi đường khóa, trói đối tượng giải đến cơ quan công an./.