Chuyên gia "mổ" Quyết định 07 về hiếu - hỷ của TP.Hà Nội

Một bộ phận không nhỏ người Việt đã và đang nghĩ rằng việc hiếu – hỷ chính là một cách, một “phương tiện” để trả ơn nhau (theo kiểu nợ miệng) và thậm tệ hơn là để… “thu hoạch, hồi vốn” những đồng tiền đã bỏ ra chạy chức, chạy quyền. 

[links()] Việc Hà Nội ban hành Quyết định 07 thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được dư luận đánh giá là đúng đắn để nắn “dòng chảy” văn hóa đang lệch hướng trong thời mở cửa. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn khá nhiều ý kiến e ngại bởi hiếu - hỷ là việc quan trọng của cả đời người, liệu làm như vậy có ảnh hưởng đến truyền thống và tâm linh lâu đời của người Việt hay không?  

Trò chuyện với TS Mỹ học Phạm Thế Hùng, ông cho biết:
Tôi xin khẳng định là hoàn toàn ủng hộ quyết định của TP Hà Nội. Trong giai đoạn hiện nay, khi cuộc sống của người dân khấm khá hơn thì bắt đầu xuất hiện những biểu hiện phô trương không cần thiết, rất lãng phí trong từng gia đình, cả cộng đồng xã hội.  Một bộ phận không nhỏ người Việt đã và đang nghĩ rằng việc hiếu – hỷ chính là một cách, một “phương tiện” để trả ơn nhau (theo kiểu nợ miệng) và thậm tệ hơn là để… “thu hoạch, hồi vốn” những đồng tiền đã bỏ ra chạy chức, chạy quyền. Để làm việc đó, thử hỏi còn dịp nào dễ dàng và tế nhị hơn hiếu – hỷ nữa! 
Tôi đã đọc những điều cụ thể của Quyết định 07 về việc cưới, việc tang và xin có đôi lời bàn thế này. Về việc tang quy định “tang phục giản dị, khăn tang theo quy cách truyền thống”, tôi thấy chỗ này cần nói rõ hơn một chút vì hiện nay, nhiều đám tang ở thành phố, gia đình, người thân của người đã mất chủ yếu mặc đồ đen theo phong cách phương Tây thay cho khăn xô, mũ mấn, gậy chống... Tuy đó không phải quy cách truyền thống nhưng cũng là một nếp tốt, giản dị, trang trọng. Thế nên, thay vì “theo quy cách truyền thống” thì chỉ quy định “tang phục giản dị, trang trọng” sẽ dễ hiểu, áp dụng được với mọi nơi. 
Về phần đám cưới có quy định “khuyến khích không sử dụng rượu bia”, tôi thấy nên thay bằng “khuyến khích sử dụng hạn chế rượu bia” thì hợp lý hơn.  Lấy vợ, lấy chồng là việc trọng đại của cả một đời người, việc vui của cả một gia đình, dòng họ chứ không riêng gì cá nhân cô dâu, chú rể, nên lúc này mà không có rượu, bia chia vui thì rất đáng tiếc. Có điều chúng ta cần phải có một phong cách  uống rượu bia thật văn minh và đúng cách, thậm chí phải được nâng tầm là “văn hóa uống rượu bia” để mình uống rượu chứ không phải rượu uống mình, dẫn đến hành xử mất nhân cách.  
Nhiều người cho rằng mang vòng hoa đến đám tang là một sự trả nghĩa hay thể hiện sự kính trọng, rồi đám tang nào ít vòng hoa bị đánh giá là người nằm xuống khi còn sống không được quý mến… Đây là một sự rất phi thực tế nên quy định hạn chế vòng hoa là đúng. Nên để món tiền  mua vòng hoa đó trước hết là phúng viếng người nằm xuống, sau đó là giúp đỡ thân nhân của họ học hành, sinh sống sau này. Suy nghĩ, việc làm như vậy là tiết kiệm và  có ý nghĩa hơn rất nhiều. 
Việc hiếu – hỷ là việc của từng người dân, thế nên muốn thay đổi phải do sự giác ngộ từ người dân mà ra chứ không thể áp từ trên xuống một cách khiên cưỡng. Muốn vậy thì cán bộ, công chức, Đảng viên phải là những người đi đầu làm gương để cho dân thấy, dân nhận thức rồi dân theo. Có thế quy định mới đi vào cuộc sống và hiệu quả…
Hồng Minh (ghi)

Đọc thêm