[links()]Sau hơn 2 ngày huy động nhiều phương tiện tìm kiếm vẫn không tiếp cận được các nạn nhân dưới đống đổ nát, chiều qua - 17/4, tỉnh Thái Nguyên quyết định thay đổi phương án tìm kiếm, hy vọng sớm tìm thấy các nạn nhân. Phía tổ chức lực lượng cứu nạn cứu hộ cũng mời chuyên gia nước ngoài để xác định vị trí dịch chuyển của các ngôi nhà bị vùi.
Tăng cơ hội tìm thấy nạn nhân
Theo đó, lực lượng tìm kiếm đã thống nhất và áp dụng cách chia hiện trường thành 4 rãnh chạy song song. Các rãnh được đào tới sát mặt đất, đến đâu gọn đến đó, mỗi rãnh cách nhau 5m; đào xong 4 rãnh nhưng nếu chưa tìm thấy các nạn nhân mắc kẹt thì lại lật đống đất đá sang rãnh bên cạnh, tạo ra 4 rãnh mới. Với phương pháp này, lực lượng tìm kiếm sẽ gia tăng cơ hội tìm thấy 5 nạn nhân mất tích.
Ông Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn khắc phục hậu quả vụ sạt lở cho biết: Do khối lượng đất đá quá lớn nên Ban Chỉ huy đã đổi phương pháp tìm kiếm, nhằm nhanh chóng tìm ra những vật gần gũi, thân thuộc để từ đó tìm được vị trí xác nạn nhân.
Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn đã mời thêm 4 chuyên gia người Úc tham gia dự báo và xác định vị trí các nạn nhân thông qua phương pháp kỹ thuật mỏ - địa chất. Trước đó, ngay khi sự cố mới xảy ra lực lượng tìm kiếm cũng đã sử dụng tới 6 chó nghiệp vụ và máy dò BTS 09 nhưng mới chỉ khoanh vùng được vị trí các nạn nhân.
Ông Thuần cho biết: “Chúng tôi đã sử dụng tất cả các phương pháp tìm kiếm có thể, tuy nhiên phương pháp khoa học vẫn đề cao nhất. Nếu người dân còn nghi ngờ ở điểm nào thì chúng tôi sẽ đào ở điểm đó, quyết tâm sớm tìm được các nạn nhân”. Theo thông tin được biết, lực lượng tìm kiếm đã tìm được vị trí khu nhà vệ sinh của nạn nhân Nguyễn Thị Hoàn là chủ hộ của ngôi nhà có 4 người thiệt mạng trong vụ sạt lở và xác của một chú chó được xác nhận là của nhà nạn nhân Hoàn.
Cũng trong sáng qua, một số hộ dân sống quanh chân bãi thải số 3, mỏ than Phấn Mễ đã được di chuyển đến nơi an toàn và còn 8 hộ dân chưa di chuyển. Tuy nhiên, ông Thuần cho biết cơ quan chức năng bắt buộc các hộ dân phải di chuyển sớm để đảm bảo an toàn. Các nhà sư cũng được mời đến để làm lễ cầu siêu cho những nạn nhân xấu số trong vụ sạt lở.
Xử lý bãi thải có đúng qui định?
Chiều qua, trao đổi với phóng viên PLVN, ông Đoàn Văn Tuấn - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên nói: “Mỏ than Phấn Mễ được Thủ tướng Chính phủ cấp phép từ năm 1970, không ghi thời hạn khai thác. Thông tin vừa qua về việc mỏ than đang khai thác tận thu là không chính xác. Không ai cấp phép khai thác tận thu bãi thải này mà chỉ có người dân vào mót khoáng sản thôi. Mỏ than này đã từng được Bộ TN&MT kiểm tra”.
Về trách nhiệm kiểm tra của chính quyền sở tại, ông Tuấn cho biết thêm, năm 2010 Sở TN&MT đã kiểm tra. Đến năm 2011, Sở phúc tra và truy thu 216 triệu đồng tiền thuế đất của DN và xử phạt 10 triệu đồng do không thực hiện đầy đủ các qui định liên quan. “Người dân cho rằng bãi thải này hình thành lâu rồi là không đúng. Bãi thải này được Sở cấp phép, đánh giá tác động môi trường và hình thành từ năm 2005, sau khi bãi thải số 2 bị đổ thải đầy” - ông Tuấn nói.
Liên quan đến việc xử lý các bãi thải sau khai thác, ông Hoàng Việt Dũng - Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ Môi trường Quảng Ninh, nơi có nhiều mỏ than lớn nhất cả nước cho phóng viên PLVN biết: So với với công trường khai thác than ở Quảng Ninh thì bãi thải số 3 mỏ than Phấn Mễ ở Thái Nguyên không phải là lớn, nhưng do Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam khai thác, xử lý môi trường khá bài bản nên ở vùng mỏ Quảng Ninh không xảy ra sự cố đáng tiếc như ở Thái Nguyên hôm 15/4.
Theo quy định, trong hoạt động khoáng sản, DN khai khoáng phải ký quỹ để đảm bảo việc cải tạo và phục hồi môi trường. Đối với những bãi thải sau khai thác, DN có trách nhiệm kè chân, cắt tầng để chống sạt lở và sau đó tiền hành trồng cây ngay, như ở bãi thải Nam Đèo Nai, Nam Lộ Phong (có từ thời Pháp) đã được xử lý theo phương pháp nói trên nên rất an toàn.
Một qui trình qui định rõ như vậy, liệu đã được áp dụng và kiểm tra tại mỏ than Phấn Mễ hay chưa là vấn đề mà dư luận quan tâm.
T. Anh – T. Quý