Chuyên gia quốc tế lạc quan về kinh tế Việt Nam 2013

Trồi sụt theo xu thế suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng càng về cuối năm kế hoạch 2012 nhìn đến trước thềm năm mới 2013, "con tàu", kinh tế Việt Nam càng thể hiện sự vươn lên ấn tượng dưới sự điều hành năng động và quyết liệt của Chính phủ.

Trồi sụt theo xu thế suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng càng về cuối năm kế hoạch 2012 nhìn đến trước thềm năm mới 2013, "con tàu", kinh tế Việt Nam càng thể hiện sự vươn lên ấn tượng dưới sự điều hành năng động và quyết liệt của Chính phủ.

Kinh tế Việt Nam đang cho thấy những triển vọng lạc quan
Kinh tế Việt Nam đang cho thấy những triển vọng lạc quan

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) cuối kỳ diễn ra vào trung tuần tháng 12/2012 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo về những kết quả đạt được trong điều hành kinh tế vĩ mô của năm 2012 và thông tin về những định hướng chính sách của Chính phủ Việt Nam trong năm kế hoạch 2013.

Thủ tướng cảm ơn các nhà tài trợ, các đối tác phát triển đã quan tâm hỗ trợ cũng như đã tư vấn  về những giải pháp cần thiết nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu mô hình tăng trưởng phát triển bền vững của Việt Nam. Thủ tướng cũng ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội nghị về hệ thống giáo dục đào tạo bình đẳng và hiệu quả, nhằm chuẩn bị các kỹ năng cho Việt Nam khi trở thành quốc gia thu nhập trung bình…

Tại phiên bế mạc, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá cao và cảm ơn sự giúp đỡ của các đối tác phát triển đối với Việt Nam. Bộ trưởng mong muốn cộng đồng tài trợ quốc tế tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho Việt Nam vì ODA vẫn sẽ là một nguồn vốn quan trọng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo và đầu tư phát triển.

Nhận định lạc quan của bạn bè quốc tế

Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng về ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2012 từ những chủ trương, chính sách điều hành quyết liệt và hiệu quả…

Đồng quan điểm trên, ông Sanjay Kalra - Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam - nhận định: Với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã bước đầu cho thấy những thành công trong việc kiềm chế lạm phát, giữ được tỷ giá hối đoái ổn định và mức dự trữ quốc tế trong năm đã tăng lên rõ rệt, cán cân vãng lai đã thặng dư với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh. Cũng theo đánh giá của IMF tại Việt Nam,  với những thành tựu đạt được trong việc lèo lái con tàu kinh tế vĩ mô vượt sóng gió trong đường vươn mình hội nhập biển lớn kinh tế toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã cải thiện được lòng tin trong điều hành kinh tế vĩ mô, không chỉ đối với người dân mà còn nhận được sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế.

“Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực cải cách và điều hành năng động của Chính phủ Việt Nam qua tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA của Việt Nam trong những năm qua”, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, ông Motonori Tsuno cũng đồng nhận định.

Kỳ vọng năm kế hoạch 2013

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Mặc dù năm 2013 dự báo vẫn là một năm khó khăn, không chỉ đối với Việt Nam mà với cả các quốc gia viện trợ, nhưng tổng số vốn ODA các nhà tài trợ cam kết dành cho Việt Nam năm 2013 vẫn đạt 6,485 tỉ USD.

Theo nhận định của bạn bè quốc tế trong khuôn khổ hội nghị, để hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế vĩ mô trong năm kế hoạch 2013, Việt Nam cần đảm bảo được chất lượng giáo dục và kỹ năng cao, như một điều kiện tiên quyết khi chuyển đổi sang nền kinh tế công nghiệp, yếu tố đem lại hiệu quả chính là nguồn nhân lực có kỹ năng cao.

Theo khảo sát gần đây của WB, các phân tích cho thấy đội ngũ công nhân của Việt Nam ngày càng được giáo dục kỹ năng khá tốt nhưng cần tập trung định hướng phù hợp với tiến bộ khoa học kỹ thuật thế giới; kỹ năng quản lý, kỹ năng giao tiếp, đào tạo hiện đại hóa theo hướng giảm học thuộc lòng và nâng cao tính tương tác hơn nữa.

Về vấn đề này, bà Fiona Lappin - Giám đốc Tổ chức Phát triển Quốc tế của Anh tại Việt Nam  khẳng định: Hội đồng Anh và DFID sẽ hợp tác toàn diện với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và tạo nguồn nhân lực, giúp Việt Nam phát triển bền vững, xóa đói nghèo và tránh bẫy thu nhập trung bình.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam - ông Tanizaki Yasuaki khẳng định: Để có nền kinh tế vĩ mô phát triển bền vững trong bối cảnh có sự cạnh tranh quyết liệt của các nền kinh tế khu vực, Việt Nam cần lựa chọn các ngành công nghiệp chiến lược có nhiều tiềm năng và phân bổ nguồn lực một cách tập trung để đẩy mạnh dòng vốn FDI và tạo hiệu ứng lan tỏa đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Nhật Bản đang hợp tác với Việt Nam lựa chọn các ngành công nghiệp này và chúng tôi mong đợi sự hợp tác này sẽ đóng vai trò chủ đạo trong hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong những năm tới.

Trước ngưỡng cửa năm mới, đã có thể thấy rõ, kinh tế Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục vượt khó vươn mình mạnh mẽ với nhiều tín hiệu lạc quan.

Quang Dục

Đọc thêm