Trao đổi với báo chí, Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết vẫn có đủ thuốc đáp ứng số bệnh nhân điều trị cúm phải dùng thuốc Tamiflu. Giá của thuốc Tamiflu vẫn được tính theo quy định, không có chuyện tăng giá hay giảm giá loại thuốc này. Theo BS Cấp, những người chia sẻ thông tin trên mạng xã hội như trên có thể đã tự đi mua thuốc ở ngoài mà không đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế.
TS. Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội, Trung tâm Bệnh nhiệt đới Nhi khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện mỗi ngày Khoa tiếp nhận 15-20 bệnh nhi mắc cúm phải nhập viện. Tuy nhiên, không phải bệnh nhi nào cũng phải sử dụng đến thuốc Tamiflu. Thuốc này thường được chỉ định cho những trường hợp đặc biệt, có mắc cúm trên nền bệnh viêm phổi hoặc kèm các biến chứng khác. Hiện bệnh viện cũng không thiếu thuốc điều trị bệnh cúm.
Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, không phải cứ cúm là sử dụng Tamiflu. Thuốc này thường được chỉ định cho những bệnh nhân mắc cúm có kèm theo các bệnh khác như viêm đường hô hấp, mắc bệnh tim, phổi mạn tính, tiểu đường, suy thận mạn tính… Vì vậy, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Chỉ những bệnh nhân mắc cúm nặng bắt buộc có chỉ định phải điều trị nội trú trong bệnh viện.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân không cần thiết phải mua thuốc Tamiflu dự trữ trong nhà. Nếu mắc cúm thông thường, không cần phải sử dụng tới thuốc Tamiflu.
Hiện thuốc Tamiflu vẫn được bày bán tại các hiệu thuốc tư nhân. Tuy nhiên, rất ít hiệu thuốc có sẵn thuốc này. Theo các chuyên gia, trong trường hợp các hiệu thuốc tư nhân nhập thuốc nhưng không bán được (không có dịch), thuốc sẽ hết hạn, phải hủy, nên họ nhập rất ít. Vì thế, khi có ít hàng bán ra, họ sẽ phải tăng giá gấp nhiều lần để bù số thuốc có nguy cơ hết hạn.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai giải thích, biểu hiện của bệnh cúm với trẻ em cũng như người lớn, khoảng hai ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm (thời gian ủ bệnh), các biểu hiện ban đầu có thể là sốt, cảm giác ớn lạnh, đau đầu, nhức cơ bắp, chóng mặt, ăn không ngon, mệt mỏi… Sau đó là biểu hiện ngạt mũi, ho và chảy nước mũi.
Riêng ở trẻ nhỏ có thể có thêm triệu chứng đau tai, đau họng và sưng hạch, hoặc tiêu chảy, đau và nôn mửa. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm thường giới hạn ở đường hô hấp trên.
Sau 5 ngày, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng 1- 2 tuần. Thông thường trẻ mắc cúm sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày, không cần phải nhập viện điều trị. Chủ yếu là dùng thuốc hạ sốt tại nhà (chỉ dùng thuốc paracetamol). Nếu dùng các loại thuốc khác phải có chỉ định của nhân viên y tế.
Các chuyên gia y tế đặc biệt khuyến cáo, khi được chẩn đoán mắc cúm thông thường, người bệnh không nhất thiết phải nhập viện mà có thể tự chăm sóc tại nhà như lưu ý vệ sinh đường hô hấp bằng dung dịch nước muối sinh lý, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh, uống hạ sốt khi sốt cao trên 38,5 độ, ăn uống nhẹ dễ tiêu...
Nếu trẻ hoặc người lớn mắc bệnh phải nằm viện nên hạn chế các tiếp xúc không cần thiết như quá nhiều người thăm nom, mang mầm bệnh khác đến cho trẻ hoặc mang virus cúm lây lan cộng đồng.
Người dân cũng nên tiêm phòng cúm hàng năm, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ cao như: Trẻ nhỏ, người mắc bệnh tim, bệnh phổi mạn tính, người suy thận, tiểu đường, xơ gan, béo phì, suy giảm miễn dịch. Phụ nữ trước khi dự định mang thai cũng nên tiêm phòng cúm, vì nếu mắc cúm trong 3 tháng đầu mang thai, nguy cơ cao gây dị tật thai nhi…