Chuyển hướng biểu diễn trong mùa dịch: Nghệ sĩ Việt vẫn loay hoay với số hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Trong bối cảnh dịch bệnh, mô hình làm nghệ thuật trực tuyến được coi là hy vọng, bắt kịp với xu hướng thế giới. Tuy nhiên, đa phần nghệ sĩ nước nhà vẫn đang “loay hoay” tìm hướng đi bền vững.  
Dàn giao hưởng tại nhà của các nghệ sĩ quốc tế.
Dàn giao hưởng tại nhà của các nghệ sĩ quốc tế.

Chuyển hướng online

Mới đây, một nhóm diễn viên người Hungary đã thực hiện sáng kiến “Nhà hát cách ly”, phát trực tiếp các vở kịch với người xem qua mạng xã hội Facebook, thu hút đông đảo khán giả mạng. Bên cạnh đó, mô hình “Dàn giao hưởng tại nhà” gồm 17 nhạc công thuộc Dàn nhạc giao hưởng Phiharmonic Rotterdam ở Hà Lan biểu diễn trực tuyến tại nhà riêng, đã phát trực tiếp cho hơn nửa triệu người theo dõi. Có thể nói, những mô hình biểu diễn chuyên nghiệp trực tuyến như thế này vẫn còn tương đối ít nhưng đây được xem là hy vọng cho nghệ thuật biểu diễn trước tình trạng hàng loạt nhà hát đóng cửa, sân khấu không khán giả vì dịch bệnh kéo dài.

Trên thực tế, hình thức biểu diễn trực tuyến đã xuất hiện từ lâu nhưng thường mang tính không chuyên, ngẫu hứng. Với tính năng livestream của Facebook, Tik Tok, Youtube và các mạng xã hội khác, người dùng – không kể là nghệ sĩ không chuyên hay chuyên nghiệp, đều có thể tự quay các clip biểu diễn ca hát, nhảy múa, diễn kịch… Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng không phải chương trình biểu diễn online nào cũng có chất lượng đảm bảo cả về nghe và nhìn để làm hài lòng khán giả. Đơn cử, trải nghiệm một liveshow âm nhạc trực tuyến hoàn toàn phụ thuộc vào nền tảng công nghệ, ví như tín hiệu, đường truyền, âm thanh và độ phân giải màn hình của thiết bị,… 

Chưa kể, cơ sở hạ tầng công nghệ đang phát triển như ở nước ta có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đường truyền và chất lượng âm thanh chuẩn của một chương trình trực tiếp, khiến nghệ sĩ dù hát rất hay, chơi nhạc cụ rất tốt nhưng đến tai khán giả thì không được như thực tế. Dù có những “viral clip” được đầu tư bài bản, truyền thông rộng rãi để thu hút người xem nhưng vẫn không thể so sánh với trải nghiệm người tham gia một buổi biểu diễn thực sự. 

Đặc biệt, đối với những thể loại nghệ thuật biểu diễn phức tạp và kén người xem hơn như hát kịch, nhạc giao hưởng, tuồng chèo… thì khả năng phát trực tiếp online và thu hút đông đảo khán giả để kiếm thu nhập lại càng khó khăn hơn. Nhà hát Chèo Việt Nam theo kế hoạch đầu năm sẽ dựng 8 chương trình để bảo tồn nghệ thuật chèo, ghi hình 7 chương trình cho truyền hình, ngoài ra còn tổ chức ghi âm các làn điệu chèo cổ do các nghệ nhân trình bày. Bởi dịch bùng phát, các kế hoạch này đều phải tạm ngưng. Điều đó cũng đồng nghĩa nhà hát không có nguồn thu, khó thể chi trả tất cả các khoản chi phí, trong đó lương thưởng của nghệ sĩ là một vấn đề nhức nhối. 

Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho hay: “Năm 2020 chúng tôi còn công diễn được một số vở, biểu diễn phục vụ khách du lịch và lễ hội nhưng năm nay thì thực sự khó khăn. Nếu tình hình tiếp diễn như thế này, kinh phí của nhà hát chỉ còn đủ để nuôi nghệ sỹ trong vòng 9 tháng tới”. Nỗi lo các nghệ sĩ trẻ còn chưa được gắn bó với nghề đã phải bỏ nghề ngày càng gia tăng, bởi họ không có nguồn thu nhập từ các chương trình biểu diễn. Đáng nói, trong các loại hình như chèo và tuồng, ngay cả những nghệ sĩ được hưởng biên chế cũng có thu nhập rất thấp, chưa nói đến những nghệ sĩ trẻ mới vào nghề. 

Mong mỏi giải pháp lâu dài

Năm 2020, các đơn vị biểu diễn nghệ thuật và các nghệ sĩ đã đề xuất một số giải pháp như gói hỗ trợ tạm thời, miễn giảm thuế phí cho các doanh nghiệp biểu diễn, thay đổi cơ chế tự thu, đề án phát triển nhà hát online… Tuy nhiên, đến nay nghệ sĩ vẫn đang mòn mỏi chờ đợi sự hỗ trợ cũng như giải pháp bền vững từ các nhà quản lý cũng như các cơ quan chức năng. 

Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho rằng, ngay cả sau dịch, người dân cũng khó thể dành ra một khoản tiền để đi xem kịch, tuồng, chèo… bởi kinh tế khó khăn. Quan trọng hơn, các nhà hát phải tìm cách “tự cứu mình trước khi được cứu”. Như Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, Nhà hát Kịch Việt Nam đang xây dựng hai kênh truyền thông mới là TikTok và YouTube. Thông qua đó, khán giả sẽ được theo dõi các chương trình có nội dung giải trí, các hoạt động của nhà hát và những buổi luyện tập của nghệ sỹ, những câu chuyện hậu trường. 

Trước những trăn trở và đề xuất của các nghệ sĩ, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã đề xuất các nhà hát có thể hợp tác với các đài truyền hình, tổ chức ghi hình một số vở diễn chất lượng để phát sóng phục vụ khán giả tại nhà, như vậy các nghệ sỹ vẫn sẽ được diễn và có thu nhập.

Tuy nhiên, những biện pháp nêu trên vẫn còn manh mún và mang tính đối phó. Nghệ thuật biểu diễn chuyển hướng trực tuyến là xu hướng tất yếu nhưng hướng đi cụ thể như thế nào vẫn chưa hề rõ ràng. Việc chuyển dịch công nghệ cần có thời gian và đầu tư dài hạn, khó thể giải quyết những vấn đề trước mắt như sinh kế của nghệ sĩ. 

Nhiều khán giả cho rằng liveshow biểu diễn online không thể hoàn toàn thay thế các liveshow trên sân khấu thực tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang dần dần thích nghi tốt hơn với dịch bệnh, người dân dần thích nghi với việc tự cách ly và làm việc tại nhà, việc nghệ sĩ và khán giả sẽ dần thích nghi với phương thức giao tiếp qua nền tảng trực tuyến cũng hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian dịch bệnh tiếp diễn.