Truyền thuyết về Đồng đình Đại vương
Theo ông Phù Ngã - Chủ vạn Lăng Tân, ngư dân địa phương thường gọi cá voi là Ngài cá Ông. Hiện Lăng Tân đang lưu giữ bộ hài cốt cá voi khổng lồ, được người dân tôn kính gọi là Đồng đình Đại vương.
Theo truyền thuyết, cách đây chừng 300 năm, Ngài cá Ông này đã cứu mạng rất nhiều ngư dân trên đảo. Xưa kia, người dân Lý Sơn vẫn cưỡi sóng ra tận Hoàng Sa đánh cá. Tàu thuyền khi đó không có động cơ, mà chỉ là thuyền buồm nên gặp bão tố giữa biển, coi như phó mạng cho biển khơi. Mỗi khi gặp nạn, ngư dân lại chắp tay khấn vái, gọi Ngài cá Ông đến cứu giúp. Như một sự thần kỳ, chỉ trong tích tắc, Ngài cá Ông nổi lên từ biển cả dìu những người gặp nạn vào bờ.
Theo các bậc cao niên ở đây, vào một ngày, sau khi dìu một con tàu gặp bão vào đến bờ, Ngài cá Ông bị mắc kẹt rồi lụy (chết). Người dân tin rằng, khi Ngài cá Ông lụy, có nghĩa là đi tu để tiếp tục bảo hộ cho ngư dân.
“Cách đây chừng 300 năm, Ngài cá Ông dạt vào bờ, hàng trăm người dân trên đảo tập trung khiêng rước nhưng ông không chịu đi. Nhiều thợ lặn lặn xuống sâu tận 36 thước mà ông không chịu dịch chuyển. Rồi khi đúng ngọ, Ngài mới chịu men theo sóng nước, để người dân đưa xuống phần huyệt đã đào”, ông Ngã cho biết.
Nói rồi, ông Ngã cho biết thêm: “Các cụ bảo cả một con cá còn sống, dài hơn 30 thước, nặng chừng 60 tấn vậy mà di chuyển hết sức nhẹ nhàng. Sau khi chôn cất, người dân xây dựng Lăng Tân để hằng năm cúng tế Ngài, tôn kính là Đình đồng Đại vương. Nhưng điều kỳ lạ thay, đúng 1 năm sau đó, một Ngài cá Ông khác cũng lụy vào bờ để hầu hạ Đồng đình Đại vương. Lăng Tân có vua có thần, nên dân làng còn gọi lăng này là Sở Đại Vương là vậy”.
“Năm 2012, được sự phê duyệt của UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong chuyến khảo sát và đo đạc, các nhà nghiên cứu đã hết sức ngạc nhiên bởi mỗi xương sườn Đồng đình Đại vương dài 3,7m, xương ngà dài 4,7m, đường kính đốt sống 0,41m, chiều ngang xương đầu dài 2,9m, chiều ngang xương rẻ quạt 1,6m”, ông Ngã cho hay.
Trải qua thời gian, bộ xương Ngài cá Ông ở Lăng Tân không còn nguyên vẹn, nhiều đoạn bị đứt gãy. Lăng Tân đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Nơi đây được ví như “bảo tàng” xương cá voi vì lưu giữ được nhiều bộ xương cá voi lâu đời, kích cỡ phong phú.
Theo ông Ngã, ở Lý Sơn có nhiều lăng thờ cá voi, nhưng Đồng đình Đại vương ở Lăng Tân là thiêng nhất. Ngài bảo hộ cho ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi được sóng yên bể lặng, bảo hộ cho mỗi con tàu cập bến được đầy cá tôm. Mỗi ngư dân khi ra biển, đều thắp hương khấn vái trong lăng, hoặc thành kính cắm nhang trên mũi thuyền hướng về nơi thờ Ngài sẽ được bình yên.
Ông Ngã bên bộ xương cá voi khổng lồ ở Lăng Tân. |
Vùng đất thờ nhiều Ngài cá Ông nhất
Theo các bậc cao niên ở đảo Lý Sơn, Ngài cá Ông còn được ngư dân đi biển gọi là thần Nam Hải, vị thần sinh ra từ mảnh áo cà sa của Quan âm Bồ tát. Dù Ngài cá Ông được thờ cúng nhiều nơi, nhưng chưa có nơi nào như ở Lý Sơn lại có nhiều Ngài cá Ông lớn và được thờ tự long trọng, kính cẩn đến như vậy.
Tại huyện đảo Lý Sơn, dù với diện tích chưa đầy 10km2 nhưng lại có đến hơn 10 lăng thờ Ngài cá Ông như Lăng Ông Nam Hải, Lăng Tân, Lăng Ông, Lăng Chánh, Lăng Thứ, Lăng Cồn…, chưa kể bát nhang thờ vọng tại các hộ gia đình. Trong đó Lăng Tân là lăng chính, có lịch sử lâu đời nhất và là nơi thờ tự ngài Đồng đình Đại vương và Đức ngư Nam Hải, hai vị thần có quyền lực nhất trên biển Đông.
Mỗi khi có Ngài cá Ông lụy vào bờ, tất cả ngư dân trên đảo Lý Sơn, tổng cộng 20.000 người, đều phải tham dự và tổ chức lễ tang như một đại lễ. Người dân Lý Sơn tin rằng, đây là vùng đất lành, nên các Ngài thường tìm vào để lụy và nhờ đó mà người Lý Sơn được hưởng phúc. Niềm tin vào Ngài cá Ông chính là linh hồn cho mỗi chuyến ra khơi, không những để kiếm sống, mà còn để khẳng định chủ quyền biển cả.
Ở Lý Sơn, gặp ai chúng tôi cũng dễ dàng nghe thấy chuyện Ngài cá Ông cứu người. Ở cái độ tuổi thất thập ông Nguyễn Sướng vẫn còn nhớ như in chuyện mình được cá ngài cứu sống.
“Hơn 30 năm trước, tôi chèo thuyền thúng ra khơi câu mực bất ngờ bị dòng hải lưu và gió bấc kéo tung ra biển. Thuyền thúng chao đảo rồi lật úp, tôi đuối sức cũng chẳng bơi được xa. Trong phút giây sinh tử, tôi chỉ biết cầu khấn các Ngài cá Ông giúp đỡ, ý nghĩ vừa dứt thì tôi thấy mình được nâng đỡ. Nằm trên lưng Ngài Ông tôi mới định thần, bám chặt vào vây, rồi Ngài từ từ đưa tôi vào vùng nước cạn”, ông Sướng kể.
Dõi đôi mắt nhìn ra biển cả, ông Sướng tâm sự: “Dẫu biết ra khơi bão táp mịt mù, hiểm nguy là điều không tránh khỏi, nhưng với đức tin mãnh liệt vào các thần Nam Hải, chúng tôi luôn yên tâm dong thuyền đi đánh bắt”.
Các bậc cao niên ở Lý Sơn vẫn thường căn dặn lớp hậu duệ rằng, đã là dân biển đảo thì phải khắc cốt ghi tâm chuyện đức thần Nam Hải rẽ sóng cứu người, nếu không gặp tai ương giữa biển không thể nào thoát nạn.
Và, để báo đáp lại đức ơn của các thần Nam Hải, cư dân trên đảo Lý Sơn vẫn còn lưu truyền câu thơ từ xa xưa: “Lăng ông thánh độ vững như sơn/ Yếu điểm trung tâm nghĩa với nhơn/ Một dạ tu bồi hằng giữ pháp/ Hai tay đắp lũy để đền ơn”.
Bộ xương được nhiều người cho là lớn nhất Việt Nam. |
Phục chế bộ xương cá voi khổng lồ
Ngày 22/2 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định đầu tư dự án khôi phục bộ xương cá voi ở Lăng Tân, với tổng vốn hơn 14 tỷ đồng. Dự án gồm các hạng mục: Phục chế bộ xương cá voi khổng lồ, nhà trưng bày và một số hạng mục phụ trợ khác.
Theo vị chủ tịch tỉnh, việc khôi phục bộ xương cá voi là nhằm bảo tồn di tích lịch sử, lưu trữ các nghi thức tôn giáo, tạo kiến trúc cảnh quan tâm linh cho khu vực, phát huy giá trị lịch sử nhằm phục vụ tín ngưỡng, tham quan, nghiên cứu và phát triển du lịch.
Theo bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, những người làm sách kỷ lục Việt Nam khẳng định, bộ xương cá voi ở dinh Vạn Thủy Tú (tỉnh Bình Thuận) không những lớn nhất Việt Nam, mà còn lớn nhất Đông Nam Á (dài 22m) nhưng so với bộ xương Đồng đình Đại vương ở Lăng Tân thì chưa bằng. Hiện, địa phương đang xúc tiến thực hiện các thủ tục liên quan để việc khôi phục xương cá voi diễn ra trong thời gian sớm nhất.
“Việc phục dựng bộ xương cá voi không chỉ nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa liên quan đến Hải đội Hoàng Sa mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm nhân dân trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên vùng Biển Đông”, bà Hương cho biết.
Theo ông Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, huyện đảo Lý Sơn hiện là nơi lữu giữ xương cá voi vào loại nhiều nhất nước. Hàng chục lăng trên đảo đang thờ tự loài cá này theo nghi thức tín ngưỡng dân gian miền biển. Xâu chuỗi lại có thể xem đây là bảo tàng xương cá voi độc đáo gắn liền với hành trình khai khẩn, xây dựng huyện đảo Lý Sơn từ hàng trăm năm qua.
“Hiện nay, bên cạnh Nhà lưu niệm Hải đội Hoàng Sa, núi Thới Lới, chùa Hang, chùa Đục và nhiều danh lam thắng cảnh khác, từ nhiều năm nay, Lăng Tân trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh khi tới Lý Sơn”, ông Vũ cho biết.