Đó là màn múa "Khai giác" với sự thể hiện của hơn 100 diễn viên múa chuyên nghiệp một chương trình truyền hình trực tiếp có tên: "Đại lộ di sản" diễn ra tại chùa Tam Chúc - Hà Nam. Là chuyện bà Phạm Thị Yến, người từng tuyên truyền vong báo oán, oan gia trái chủ trái phép tại chùa Ba Vàng mặc lộng lẫy trong lễ diễu hành chào mừng Vesak 2019 tại Uông Bí.
Có thể nói, màn múa "Khai giác" khiến đông đảo người xem tâm đắc bởi ít nhiều khai mở Phật tính sẵn có của bản thân. Tuy nhiên, không ít "anh hùng bàn phím" lại cho rằng màn múa đó quá hở hang, gợi cảm, không phù hợp không gian của Vesak.
Cách suy nghĩ nhục dục đó làm tôi nhớ tới câu chuyện về sự giác ngộ. Đó là chuyện cô lái đò chở một thiền sư qua sông, nhiều lần cô thu tiền đưa đò của Thiền sư cao gấp nhiều người.
Thiền sư hỏi vì sao vậy? Cô gái trả lời “Vì Thầy đã nhìn em, đã nghĩ về em”.
Một lần qua đò, Thiền sư nhìn thẳng vào cô gái, nhưng cô gái không lấy tiền. Thiền sư hỏi vì sao.
Cô lái cười và đáp: “Thầy đã nhìn em mà không còn dính mắc gì tới hình ảnh em nữa”.
Đó là tinh thần “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Một bông hoa đẹp, con người đẹp, người tu hành nhìn vì sự ngưỡng mộ cái đẹp, nhưng tâm không rung động, xao quyến nữa vì con đường giác ngộ đã tìm thấy.
Nên chuyện những diễn viên múa xinh đẹp, nếu ăn mặc khác thường một chút thì họ cũng đang làm công việc truyền tải thông điệp của vở múa. Nó nằm trong ý tưởng của biên đạo, các nhà sư ngồi dưới và đông đảo người ngồi xem hoan hỉ vì ý nghĩa của vở múa, chứ không phải thể xác của diễn viên.
Liên quan đến việc bà Phạm Thị Yến mặc lộng lẫy xuất hiện trong một hoạt động Phật giáo gần đây, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí bày tỏ: “Theo báo cáo của lực lượng chức năng thì bà Yến không lưu trú tại chùa Ba Vàng. Quan điểm của chính quyền là trục xuất người này, không cho ở lại chùa. Tuy nhiên việc bà Yến dự lễ diễu hành và múa hát trong đêm văn nghệ là quyền tự do đi lại của công dân".
Cách trả lời của ông Hà là chấp nhận được. Trước đó, bà Yến đã bị cơ quan chức năng TP Uông Bí xử phạt người phụ nữ này 5 triệu đồng với hành vi vi phạm nếp sống văn hóa. Việc bà bị xử phạt cũng như bị cộng đồng lên án coi như bà đã phải "trả giá" cho những gì bà đã làm.
Bà Yến công khai xuất hiện trở lại coi như bà đang dũng cảm đối diện với chính mình, với sự dò xét của dư luận. Và dù thế nào, việc bà trở lại với một tinh thần tốt, nhìn nhận theo truyền thống nhân văn của người Việt, đó là tín hiệu đáng mừng.
Những câu chuyện bên lề của Vesak là chuyện nhỏ. Trong không khí và dư âm của Đại lễ, thiết nghĩ hãy mở rộng tâm hồn thể hiện sự thiện lành, bao dung. Nếu cứ nặng tâm với suy nghĩ tiêu cực, e rằng chúng ta sẽ mắc kẹt ở đó.
Đức trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gửi thư tới Đại lễ Vesak lần này với thông điệp yêu thương:
“Đây là cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhau tăng trưởng niềm tin vào chân lý giải thoát, phát huy giá trị những di sản mà Đức Thế tôn đã để lại cho nhân loại chúng ta trong hệ thống tư tưởng giáo lý vô giá về trí tuệ, lòng từ bi, triết lý vô ngã, tinh thần bất bạo động, những giá trị hòa bình và phát triển bền vững”.
Vậy hãy thấu hiểu nhau bằng tinh thần đó.