Chuyện phía sau những thước phim quý về Bác

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mỗi thước phim về Bác luôn là những cảm xúc chạm tới trái tim không chỉ người dân Việt. Bởi những nhà làm phim đã dành trọn sự trân quý, thiêng liêng, đưa hình ảnh Bác chân thực, giản dị mà vô cùng vĩ đại như vốn có về vị Cha già dân tộc…
Hình ảnh Bác Hồ trong bộ phim “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người” (đạo diễn NSND Bùi Đình Hạc và Lê Mạnh Thích).
Hình ảnh Bác Hồ trong bộ phim “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người” (đạo diễn NSND Bùi Đình Hạc và Lê Mạnh Thích).

Bộ phim đầu tiên - sinh nhật Bác 70 tuổi

Bộ phim tài liệu đầu tiên về chân dung Bác Hồ được quay vào năm 1960 với tựa đề “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” do đạo diễn Quang Huy thực hiện. Bộ phim được Hãng phim Thời sự và Tài liệu Trung ương xây dựng dựa vào một số tư liệu của Việt Nam và ngoại quốc. Bộ phim kéo dài gần 50 phút đã thể hiện một cách khá hoàn chỉnh thời ấu thơ và con đường hoạt động cách mạng của Người từ khi tìm đường cứu nước đến năm 1960. Bộ phim được thực hiện nhân hai sự kiện đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba và kỷ niệm 70 năm Ngày sinh của Bác Hồ.

Bộ phim này đã được Bộ Chính trị và Bác Hồ duyệt cẩn thận. Sau đó, Hãng phim công chiếu cho đông đảo nhân dân miền Bắc theo dõi. Những hình ảnh giản dị về Người đã khiến bao người dân miền Bắc khi đó xúc động. Hơn thế, bộ phim đã mở đường cho việc xây dựng rất nhiều các bộ phim tài liệu chân dung khác về Bác cũng như chân dung về các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn sau.

Mãi đến năm 1974, khi đoàn làm phim của đạo diễn Phạm Kỳ Nam sang Pháp làm bộ phim “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”, ghi lại những dấu chân mà Bác Hồ còn để lại trên bước đường cách mạng đầu tiên, từ năm 1917 đến 1923, khi Bác còn hoạt động dưới cái tên Nguyễn Ái Quốc. Đó là chặng đường đưa Bác từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, từ anh Ba đầu bếp làm việc trên tàu biển tới vị Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Trong chuyến đi này, một dịp may hiếm có khi đoàn làm phim được tặng những thước phim lịch sử vô giá. Đó là những thước phim tư liệu duy nhất quay cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” tại Quảng trường Ba Đình ngày Tết Độc lập 2/9/1945.

 Trong hồi ức của đạo diễn Phạm Kỳ Nam có kể lại câu chuyện cảm động về những thước phim tư liệu quý giá ấy: “Tôi vẫn còn bồi hồi khi nghĩ mình có trong tay những thước phim lịch sử độc nhất vô nhị ấy, cũng là do tình cờ. Sang Pháp năm đó, tôi tìm gặp rất nhiều nhân chứng lịch sử và các tư liệu liên quan đến hoạt động của Bác Hồ vào những năm 1920 để làm phim. Thế rồi một buổi sáng nọ, có người liên hệ với tôi qua điện thoại, với giọng nói ấm áp: “Có một người bạn của Việt Nam, luôn quý mến nhân dân Việt Nam, muốn gặp ông để tặng món quà nhỏ. Tôi mong món quà này rất quý cho công việc của các ông”.

Tôi tới ngay nơi hẹn. Ông chủ nhà thân mật tiếp, rồi ông mở tủ lấy ra cuộn phim nhỏ phai màu thời gian. Tôi xin phép ông chủ nhà cầm dao khẽ cậy nắp hộp phim, bóc lớp giấy chống ẩm thấy cuộn phim nhỏ. Tôi nhẹ tay kéo dần từng đoạn phim soi lên qua ánh sáng cửa sổ. Mới xem qua vài khuôn hình, tôi đã bàng hoàng vì hình ảnh phim hiện lên cảnh Quảng trường Ba Đình, quần chúng mít tinh, hình ảnh lễ đài ngày 2/9 trang nghiêm. Tôi ôm hộp phim vào lòng, phần quá xúc động phần muốn về xem lại phim trên máy dựng nên chỉ kịp cảm ơn ông chủ mà quên hỏi về nguồn gốc của phim. Về đến nơi làm việc, lòng vừa mừng rỡ hy vọng, vừa lo âu, phấp phỏng sợ phim bị lão hoá, khô giòn, khi lên máy dựng sẽ bị đứt. Tôi cho lau máy thật sạch sẽ, chỉ sợ một hạt bụi sẽ làm xước phim. Tuy thời gian đã mấy chục năm rồi nhưng do khí hậu ở Pháp khô ráo nên hình ảnh phim còn sáng đẹp. Cả mấy anh em chúng tôi ngồi xem mà ai nấy đều nín lòng xúc động, khi thấy hình ảnh lễ đài, hình ảnh Bác Hồ, quần chúng náo nức với các khẩu hiệu “Ngày Độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm”. Toàn bộ đoạn phim chiếu lên chỉ có vài phút, nhưng thật cảm động”.

Về nước, bằng nhiều thủ pháp kỹ thuật, đạo diễn Phạm Kỳ Nam và đạo diễn dựng phim Lê Mạnh Thích (cả hai NSĐA đều đã mất), đã đưa những hình ảnh đó sống động hơn, chặt chẽ và lôgic hơn. Chỉ cần bổ sung thêm vài cảnh quay đơn giản, thêm nền nhạc bài “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi cùng lời bình phim của NSND Đào Trọng Khánh và lời tuyên thệ của quốc dân đồng bào, là có được bộ phim “Ngày Độc lập 2/9/1945” hoàn chỉnh, với độ dài 6 phút chiếu. Hai đạo diễn đã tái tạo lại không khí náo nức, sôi động của ngày lễ 2/9 với giọng nói hào sảng của Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước hàng triệu đồng bào ta và nhân dân thế giới: “Nước Việt Nam kể từ nay có quyền và xứng đáng được hưởng quyền tự do, độc lập!”.

Và Hồ Chí Minh - Chân dung một con người

Cả hai bộ phim “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh” và “Ngày Độc lập 2/9/1945” đều được đoàn làm phim nỗ lực hoàn thành vào tháng 5/1975, khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng và cũng là dịp kỷ niệm lần thứ 85 Ngày sinh của Bác Hồ trong không khí hân hoan phấn khởi vì đã thực hiện thắng lợi ước mơ của Người lúc sinh thời: Đất nước Việt Nam được thống nhất, dân tộc Việt Nam được sum họp một nhà. Chỉ còn một điều băn khoăn: Ai là tác giả của đoạn phim ấy? Đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã có dịp hỏi lại ông chủ nhà, ông ôn tồn trả lời là không thể nói gì hơn vì ông không phải là người quay: “Chỉ biết đoạn phim đó có ích cho các ông và đã gửi đúng địa chỉ, thế là yên tâm rồi”.

Sau này, việc tìm hiểu ai là tác giả những hình ảnh thiêng liêng đó vẫn còn là ẩn số. Tại sao sau 30 năm những thước phim tư liệu ấy lại ở Pháp và được gửi tới đoàn làm phim Việt Nam? Ông Nguyễn Hữu Đang, nguyên Trưởng ban Tổ chức ngày lễ Độc lập năm 1945 - có nêu giả thiết: “Một là có nhân viên trong phái đoàn Mỹ được phép vào Quảng trường Ba Đình, có thể họ có máy quay tinh xảo để quay phim. Hai là ông chủ hiệu ảnh Hương Ký, hiệu ảnh lớn nhất ở Hà Nội thời ấy, có máy quay phim nên ông được phép tới ghi hình, nhưng sau đó ông bỏ ra định cư ở nước ngoài nên câu chuyện cũng bẵng đi!”…

Vậy là những hình ảnh tư liệu quý hiếm trong bộ phim “Ngày Độc lập 2/9/1945” cho đến nay vẫn khuyết danh, tác giả của những thước phim vô giá này vẫn chưa xác định được.

 Vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác (19/5/1980 - 19/5/1990), Hãng phim Ngọc Khánh đã thực hiện bộ phim tài liệu mang tên “Hồ Chí Minh - chân dung một con người”. Từ hơn 30.000 mét phim lưu trữ, các nhà làm phim lựa chọn để xây dựng nên một bộ phim tài liệu chân dung về vị lãnh tụ của dân tộc. Bộ phim đã khắc họa nhân cách lớn lao của Bác từ những trăn trở, suy nghĩ, tâm tư, sự hết lòng với sự nghiệp cách mạng gian khó của dân tộc ta. Bộ phim kéo dài 58 phút, mỗi giây, mỗi phút đều là những hình ảnh vô cùng xúc động về con người giản dị mà vĩ đại - Hồ Chí Minh. Đặc biệt trong số đó có nhiều hình ảnh chưa được sử dụng trước đó, như Bác cởi trần tắm suối, tự giặt quần áo rồi phơi lên cây sào... Mỗi hình ảnh về cuộc sống được các nhà làm phim sử dụng đều nhằm khắc họa một cách chân thực, mộc mạc nhất con người giản dị, luôn một lòng hướng đến cách mạng, đến giải phóng đất nước. Đây được xem là bộ phim về Bác chân thực, đời thường và xúc động hơn cả! Hình ảnh Bác thân thương, lay động và rất đỗi ấm áp, giản dị ấy đã đằm sâu với mỗi người dân Việt…

Triển lãm “Hình ảnh và hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tác phẩm điện ảnh”

Ngày 7/5, Nhà văn hóa Điện ảnh tại TP Hồ Chí Minh (Viện phim Việt Nam) phối hợp Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm “Hình ảnh và hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tác phẩm điện ảnh”.

Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021), 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (6/5/1911 - 6/5/2021) và kỷ niệm 67 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (7/5/1954 - 7/5/2021).

Triển lãm giới thiệu hơn 140 bức ảnh, áp phích phim về cuộc đời hoạt động của Bác qua các tài liệu, tư liệu, tác phẩm điện ảnh lưu trữ tại Viện phim Việt Nam với ba phần: Tìm đường đi cho dân tộc Việt Nam (1911 - 1945); Hồ Chí Minh - Vị cha già của dân tộc Việt Nam (giai đoạn 1946 - 1969); Chủ tịch Hồ Chí Minh và Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Trong phần 1, Ban tổ chức giới thiệu những hình ảnh chân thực về hoạt động của Bác trong giai đoạn 1911 - 1945, đã được các nhà làm phim ghi lại qua các phim tài liệu: Ngày Độc lập 2/9/1945, Nguyễn Ái Quốc đến với Lenin, Đường về Tổ quốc, Tên Người là Hồ Chí Minh, Những chặng đường cách mạng vẻ vang, Việt Nam - Hồ Chí Minh; Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu…

Phần 2 giới thiệu những hình ảnh của Bác được trích trong các phim thời sự, tài liệu như: Bộ đội Cụ Hồ, Hồ Chủ tịch ở Việt Bắc, Việt Nam - Cuộc chiến 10 nghìn ngày,  Hồ Chí Minh - Chân dung một con người, Tiếng hát át tiếng bom…

Riêng trong phần 3 - Chủ tịch Hồ Chí Minh và Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, những hình ảnh đã giới thiệu về sự quan tâm của Bác đối với nền điện ảnh nước nhà. Đồng thời, giới thiệu hình tượng của Người đã được các nghệ sĩ điện ảnh cảm tác, thể hiện qua các phim truyện: Vượt qua Bến Thượng Hải, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công, Nhìn ra biển cả, Hẹn gặp lại ở Sài Gòn, Thầu Chín ở Xiêm, Nhà tiên tri…

Đặc biệt, triển lãm sẽ lần lượt giới thiệu hai bộ phim tài liệu đã đạt giải thưởng cao tại các liên hoan phim Việt Nam đó là: Đường về Tổ quốc (kịch bản Hồng Hà, đạo diễn Bùi Đình Hạc, Xưởng phim Thời sự tài liệu Trung ương sản xuất 1980, Giải thưởng Bông Sen Vàng đặc biệt  tại Liên hoan phim Việt Nam lần IV - 1980); Hồ Chí Minh - Chân dung một con người (Biên kịch Bành Bảo, đạo diễn Bùi Đình Hạc và Lê Mạnh Thích, Hãng phim Ngọc Khánh sản xuất 1989, Giải thưởng vàng Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IX - 1990).

Sau triển lãm, Viện phim Việt Nam sẽ trao bộ sưu tập tư liệu hình ảnh và hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tác phẩm điện ảnh cho Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 24/5.       

Đọc thêm