Chuyện tình của cựu tù Phú Quốc: Người vợ sắt son chờ chồng dù đã nhận được… “giấy báo tử”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong thời gian bị địch bắt tù đày ở “địa ngục trần gian” Phú Quốc, người lính Hoàng Minh Lý cùng đồng đội vẫn không ngừng đấu tranh bằng nhiều hình thức. Sau gần 5 năm sống trong cảnh ngục tù, ông đã trở về trong vòng tay của đồng đội, đồng chí, đồng bào cùng với niềm tin tưởng mãnh liệt về ngày thắng lợi, non sông thu về một mối.
Cựu tù binh Hoàng Minh Lý kể về những ngày bị giam trong tù đày.
Cựu tù binh Hoàng Minh Lý kể về những ngày bị giam trong tù đày.

Những cách đấu tranh trong tù

Năm nay đã 82 tuổi, sức khỏe yếu nhưng mỗi khi nhắc về những ngày tháng chiến đấu và bị giam cầm ở “địa ngục trần gian” thì cựu tù Phú Quốc Hoàng Minh Lý (trú xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) vẫn như mới ngày hôm qua. Trong những ngày đất nước hướng về kỷ niệm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ký ức về một quãng đời gian khó mà hào hùng, oanh liệt lại ùa về trong ông.

Năm 1964 ông Lý viết thư xin nhập ngũ. Đến năm 1968, ông được điều động về Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 2, Sư đoàn 324, Quân khu 4. Trong một lần hành quân đơn vị ông Lý bị địch phục kích, bao vây ở xã Hải Vĩnh (huyện Hải Lăng, Quảng Trị). Do bị thương nặng, ông Lý được đưa đến Trạm phẫu 34 để điều trị. Trạm phẫu bị càn quét, ông Lý cùng nhiều thương binh bị địch bắt, đưa về “Phòng Nhì” Quân đoàn 1 để khai thác thông tin. Với người lính Hoàng Minh Lý, một tháng ở đây thực sự là một cuộc chiến cân não mà ông gọi đó là “cuộc chiến không tiếng súng”, bởi hiểm nguy và cái chết chỉ cách một tích tắc.

Ông hồi nhớ, khi bị đưa đến đây tù chính trị hay tù binh đều bị tra tấn bằng những cách thức dã man nhất. Ông bị đổ nước xà phòng đặc vào miệng, bị dùng giày đinh nhảy lên bụng dẫm, bị bắt nằm dưới đèn điện 1.000W… “Khai cũng chết, không khai cũng chết, vì vậy phải chết sao cho vẻ vang. Có chết cũng phải nhất quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ quân đội, bảo vệ cuộc kháng chiến của toàn dân”, ông chia sẻ.

Dù bị tra tấn cỡ nào ông Lý cũng chỉ một mực khai vừa vào lính, không biết gì hơn. Một tháng nếm đủ mọi đòn tra tấn dã man nhất, không được ăn uống đầy đủ, ông tiều tụy, gầy gò, bước đi không nổi. Không khai thác được gì, chúng đưa ông xuống tàu, đày ra Phú Quốc. Từ đây, ông bước vào một trận chiến mới mà không biết rằng ở quê nhà người vợ trẻ nhận được giấy báo tử của chồng...

Ở nơi được gọi là “địa ngục trần gian”, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ bí mật, ông Lý cùng các bạn tù của mình tiếp tục các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt, chống đàn áp và các hình thức tra tấn hà khắc của bọn cai ngục. Sôi nổi nhất là phong trào đấu tranh đòi dân sinh. Ông kể, lương thực, thực phẩm của tù nhân bị bớt xén, các điều kiện sinh hoạt, chữa bệnh rất kém. Ngày Tết, tù nhân chỉ được phát mỗi người một con cá nục thối để ăn với cơm. Dù quyết liệt đấu tranh nhưng do chưa có kinh nghiệm nên ông và đồng đội bị quy là hoạt động bạo loạn.

Từ thực tiễn, Chi bộ nhà tù đã có thay đổi hình thức đấu tranh, tránh bạo động, gây tổn thất về lực lượng. Các cuộc đấu tranh chính trị và tuyệt thực... diễn ra thường xuyên. Có những đợt tuyệt thực kéo dài đến 9 ngày. Giữa chốn ngục tù, nguy hiểm, những người lính chưa bao giờ ngừng nghỉ đấu tranh, cũng chưa bao giờ ngừng tin vào ngày thắng lợi của cách mạng.

Khi thông tin về Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được đưa vào trại giam thực sự là một sự kiện chấn động. Ông hồi nhớ, lúc hay tin đó, chúng tôi reo hò, ôm nhau vừa cười, vừa khóc vì mừng. Đêm đó, không ai ngủ được, tất cả háo hức nghĩ đến giây phút trở về.

Sáng 19/3/1973, ông Lý cùng đồng đội ra sân bay rồi được chở thẳng ra Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên Huế). Trên máy bay, những người lính hát các ca khúc cách mạng, kể cho nhau nghe những tháng ngày chiến đấu. Từ Phú Bài, tù binh được chở bằng ô tô ra phía Nam bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Ở khu vực tập trung, ông Lý nhìn thấy lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay ở phía bờ Bắc. Trên bờ, dưới bến, bộ đội, chính quyền địa phương, bà con nhân chuẩn bị thuyền để sẵn sàng đón những người con xa trở về.

Sau 4 năm 8 tháng sống trong cảnh ngục tù, ông đã trở về trong vòng tay của đồng đội, đồng chí, trong vòng tay của đồng bào cùng với niềm tin tưởng mãnh liệt về ngày thắng lợi, non sông thu về một mối đã rất gần.

Bà Lương hồi nhớ về những ngày một mình nuôi con, chờ chồng.

Bà Lương hồi nhớ về những ngày một mình nuôi con, chờ chồng.

Ông Hoàng Minh Lý được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý.

Ông Hoàng Minh Lý được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý.

Người vợ tần tảo nuôi con, chờ chồng

Trong những ngày tháng ông Lý tham gia kháng chiến, bị giam cầm thì nơi hậu phương người vợ là bà Ngô Thị Lương (nay đã 81 tuổi) phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Có thời điểm bà đau đớn khi nhận tin chồng đã mất, khi thì bán tín, bán nghi nghe tin chồng còn sống và rồi vỡ òa cảm xúc khi người chồng tưởng đã mất trở về bằng xương, bằng thịt.

Bà Lương hồi tưởng, năm 1966 sau 2 năm nhập ngũ, ông Lý được về thăm nhà. Ở lần về phép này, bà mang bầu đứa con thứ 2 rồi bặt tin chồng. Đến năm 1969, bà nhận được giấy báo tử của chồng. Nhìn 2 đứa con thơ dại, bà như chết từng khúc ruột.

Mất chồng, mất đi chỗ dựa tinh thần nhưng bà không cho phép mình được yếu mềm mà lao vào sản xuất, tham gia hoạt động đoàn thể để quên đi nỗi đau. Trong tâm trí người vợ, bà đã mãi mãi mất chồng, cho đến một ngày giữa năm 1973, nhận được bức thư từ Quảng Ninh gửi về. Trong phong bì là một lá thư và một bức ảnh về người chồng. Nội dung lá thư kể sơ qua về việc ông Lý bị bắt giữ, tù đày, cho biết hiện đang đi an dưỡng. Còn bức ảnh là người đàn ông gầy gò, hốc hác, cụt một chân khiến bà Lương nghi ngờ không biết đó có phải là chồng mình hay không.

Thực ra, sau một thời gian an dưỡng, ông Lý viết thư hỏi anh trai thì biết mình đã có giấy báo tử nhưng vợ vẫn một lòng thờ chồng, phụng dưỡng bố mẹ chồng, nuôi dạy các con. Nhận được thư chồng, bà Lương bán tín, bán nghi nhưng do tàu xe cách trở, lại khó khăn trăm bề bủa vây nên bà không thể ra Quảng Ninh xem sự tình thế nào. Cho đến một ngày tháng 1/1974, khi bà đang ngồi sàng gạo thì thấy chồng khoác ba lô bước vào sân. Nhìn thấy chồng bằng da, bằng thịt nhưng bà không dám tin. Bà đứng bất động vì mừng rỡ, nước mắt chảy dài.

Trở về, người cựu tù Phú Quốc tiếp tục chiến đấu trên mặt trận chống đói nghèo, cùng vợ nuôi dạy 4 người con khôn lớn, trưởng thành, tham gia hoạt động đoàn thể, nhiều năm liền là Chủ tịch Hội chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Cuối năm 2022, vì lý do sức khỏe, ông xin phép nghỉ để về vui vầy bên con cháu.

Những ngày này khi sắp đến kỷ niệm 48 năm giải phóng đất nước, lòng cựu tù binh này lại xốn xao. Ông Lý chia sẻ: “Năm đó, khi nghe đài phát thanh thông báo giải phóng đất nước tôi mừng lắm. Bởi khi ở trong tù tôi luôn tin tưởng vào sự thành công của cách mạng. Tôi biết rằng, trước sau cách mạng sẽ thắng lợi, thành công, đất nước hoàn toàn giải phóng”.

Đọc thêm