Vẹn nguyên lời hẹn ước
Giữa trưa một ngày tàn đông sang xuân! Tôi ngồi ngắm dòng nước sông Sê San trong vắt, như tình cảm của hai nước Việt - Cam, được nghe những chiến sĩ biên phòng kể những câu chuyện tình đẹp của người dân ở hai bên bờ sông.
Đó là chuyện tình giữa ông Võ Văn Sung (SN 1960, thôn Cửa Khẩu, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, Gia Lai) và bà Xon Phola (tỉnh Stung Treng, Vương quốc Campuchia). Cả hai ông bà đều là những người tham gia chống lại nạn diệt chủng Pol Pot. Trong cuộc chiến đó, họ đã gặp gỡ, phải lòng nhau. Tình yêu của hai người khiến một sỹ quan cao cấp Campuchia đứng ra viết giấy bảo lãnh cho họ nên duyên, trở thành hình mẫu cho tình đoàn kết giữa người dân 2 nước.
Không dừng ở đó, những năm tháng sát cánh cùng nước bạn chống Pol Pot, ông Sung đã hẹn ước với một gia đình người Campuchia: “Sau này nếu hai bên còn sống sau cuộc chiến, ông sẽ gả con trai mình cho con gái bên kia”.
Sau khi lấy nhau vợ chồng ông Sung sinh được 6 người con. Nghỉ hưu, gia đình ông chuyển về xã biên giới huyện Đức Cơ sinh sống. Cuộc sống chật vật hơn khi vợ ông qua đời sớm. Mưu sinh vất vả khiến ông cũng quên đi lời hẹn ước năm xưa.
Ông Sung kể: “Chuyện hẹn ước năm xưa tôi sẽ quên mất nếu không có cuộc điện thoại bất ngờ của chị Bun My - Ủy viên Hội đồng Thường trực tỉnh Stung Treng vào năm 2004. Trong cuộc điện thoại ấy, chị bảo: “Sung ơi, năm xưa, em có hẹn ước Hen Sun sau này làm sui gia, giờ Hen Sun mất rồi, con gái có người muốn hỏi cưới. Vợ Hen Sun nhờ chị hỏi em xem ý thế nào?”.
Cuộc điện thoại bất ngờ khiến ông Sung mất ngủ. Ông tự vấn: Gia đình mình thì nghèo, đám cưới bên Campuchia tổ chức tiệc 3 ngày 3 đêm làm sao lo liệu? Rồi hai đứa trẻ chưa từng gặp mặt… Nhiều lý do để ông muốn từ bỏ lời hẹn ước năm xưa. Nhưng lời hứa với đồng đội những ngày vào sinh ra tử đã thôi thúc ông lên đường. Đến nơi, gặp Heng Ry Na, con gái của bạn ngày nào giờ đã là một thiếu nữ khiến ông càng khó xử.
Thế rồi, ông điện thoại cho con trai để hai bên nói chuyện. Và có lẽ, một thứ tình cảm vô hình nào đó đã gắn kết tình cảm của hai đứa trẻ. Về phía gia đình nhà gái, biết hoàn cảnh của gia đình bạn mình nên cũng chỉ tổ chức lễ cưới đơn giản, ấm cúng. Ông Sung cười khà khà trong một chiều cuối năm: “Giờ đây chúng nó đã tổ chức đám cưới xong rồi. Cũng có cuộc sống ổn định, yêu thương nhau. Con cái đủ đầy. Tôi cũng đã hoàn thành lời ước hẹn với bạn mình mà không phải cưỡng ép hôn nhân hai đứa. Chắc hẳn, bạn tôi ở một nơi xa kia cũng mãn nguyện lắm rồi”.
Trong cửa hiệu tạp hoá nhỏ, chị Heng Ry Na đang vừa bán hàng vừa hát một bài hát giai điệu nước mình. Những ngày cuối năm ở nơi xa xứ chị cũng có chút chạnh lòng nhớ quê. Chị kể: “Bố chồng và bố đẻ tôi đều là những người lính năm xưa đã cùng vào sinh, ra tử. Lời hẹn ước của hai bố đã se duyên cho chúng tôi. Khi tôi lớn lên, nhiều thanh niên trong làng để ý nhưng mẹ tôi bảo bố tôi còn sống có hứa hôn cho tôi với con của một người đồng đội. Không hiểu sao, nghe mẹ nói vậy tôi rất hồi hộp muốn gặp người con trai đó. Ai ngờ, sau này khi bố chồng tôi sang, chúng tôi đã có điện thoại liên lạc rồi gặp mặt nhau. Đó chính là lý do để tôi đang có mặt ở đây”.
Chiều biên giới em ơi!
Đến thăm vợ chồng Rơ Mah Kleng và Siu H’Pruh (làng Mook Đen 2, xã Ia Dom) khi cả hai vừa đi rẫy về. Cuộc hôn nhân của họ đã kéo dài 30 năm nhưng với những người trong cuộc như mới ngày hôm qua.
Siu H’Pruh kể, “mình là cô gái Gia Rai quanh năm chỉ biết có nương rẫy. Thế rồi, trong một lần chồng mình – vốn là người Campuchia được mời sang lễ bỏ mả bên này rồi quen nhau”.
Còn anh Rơ Mah Kleng không giấu nổi xúc động, nói: “Ngày ấy, H’Pruh có mái tóc dài lại múa đẹp nhất trong đám con gái. Mình đã yêu ngay từ lần đầu gặp mặt. Sau này, mình phải nhờ người mai mối. Thế mà cũng nên duyên vợ chồng được hơn 30 năm rồi đấy”. Nói rồi, anh Rơ Mah Keng đem chứng minh thư ra khoe: “Mình đã được làm chứng minh nhân dân, giờ mình đã là công dân Việt Nam rồi. Con mình giờ lớn, cũng đang đi làm công nhân cho công ty của binh đoàn”.
Vợ chồng Rơ Mah Kleng tự hào khoe CMND được là công dân Việt Nam. |
Không chỉ có gia đình Kleng mà ở làng Mook Đen 2 có tới 4 cặp gia đình như thế. Họ đã cùng nhau vượt qua những rào cản địa lý, bất đồng văn hoá ngôn ngữ để mà đến với nhau. Như gia đình chị Rơ Lan H’Binh đã gặp chồng của chị là một người Campuchia trong một lần qua nước bạn thăm người thân. Giờ đây, họ đã ở bên nhau với đầy đủ con cái.
Cuộc sống ổn định, ấm no. Anh Ksor Đinh cho biết: “Mình tuy lấy vợ bên này nhưng vẫn giữ liên lạc với dòng họ bên đó. Lễ, tết mình vẫn đưa vợ con về thăm dòng họ. Ban đầu, mới lấy nhau cũng nhiều khi hai vợ chồng không hoà thuận do tập tục khác nhau. Nhiều lúc cãi nhau cùng với nhớ người thân khiến mình định về lại. Thế nhưng, tình yêu của chúng mình là tự nguyện, nhớ lại những ngày mới bắt đầu yêu nhau mình đã bỏ hẳn ý định đó. Giờ đây, vợ chồng cố gắng làm, chăm sóc con cái trên mảnh đất này. Vợ chồng vẫn bảo với nhau là nhất định không được để cái đói, cái nghèo đeo bám”.
Hạnh phúc trong buổi chiều cuối năm ở ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong mảnh vườn ở xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ), gia đình chị Rơ mah Thúy đang quây quần bên nhau bàn tính cho lễ cúng Yàng. Chị Thúy là người Việt lấy chồng người Campuchia nhưng định cư luôn tại Việt Nam.
Nụ cười hiền khô, ánh mắt tràn ngập tình yêu của người đàn ông có phần nhút nhát vừa nhìn vợ vừa trò chuyện tôi có cảm nhận chị Thúy đã chọn đúng người đàn ông cuộc đời mình. Chồng chị Thúy bảo: “Ngày còn trẻ vợ mình đẹp lắm, mình yêu ngay từ lần đầu tiên gặp mặt. Ngay cả khi vợ mình bảo đồng ý lấy mình làm chồng mình vẫn cứ ngỡ đang mơ”. Bên cạnh anh là khuôn mặt với nụ cười rạng rỡ của người vợ. Hạnh phúc với họ thật bình yên.
Khi đang ngồi viết bài này trong quán cà phê nhỏ nơi miền biên viễn. Tự nhiên trong tâm hồn tôi bỗng ngân lên những giai điệu nhẹ nhàng lời bài hát: “Chiều biên giới em ơi, nhớ bao điều thân thương, đôi ta cùng chiến hào, tình yêu đẹp tiếng hát, giữa đất trời quê ta…”.
Gia đình Rơ Mah Thúy (làng Triêl, xã La Pnôn, huyện Đức Cơ) hạnh phúc bên nhau. |
Tôi nhớ tới lời của ông Sung ban nãy: “Cuộc hôn nhân nào cũng có những bất đồng, chưa nói tới những cuộc hôn nhân ở hai đất nước. Thế nhưng, sự bao dung, nhường nhịn chính là sợi dây gắn kết để hôn nhân bền vững. Sau này, những đứa con mang hai dòng máu Việt - Cam lại tiếp tục thay chúng tôi viết nên những câu chuyện tình đẹp mãi mãi của hai đất nước”.