Chuyện về nàng Hoa hậu đầu tiên từng làm nhà báo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 1955, dịp Lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, có một cuộc thi người đẹp với danh nghĩa tìm kiếm hoa hậu được tổ chức tại Sài Gòn. Trước đó, ở Việt Nam chưa có cuộc thi người đẹp nào mang tên thi hoa hậu, do vậy đây có thể được xem là cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước ta.
Hoa hậu Thu Trang thời trẻ...

Hoa hậu Thu Trang thời trẻ...

Ký giả thành… hoa hậu

Bà Công Thị Nghĩa sinh ra trong một gia đình tiểu tư sản, người gốc làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội. Dưới bà có hai người em một trai, một gái. Năm 10 tuổi, cha bà được điều động vào Sài Gòn làm việc, cả gia đình sau đó cũng chuyển vào miền Nam sinh sống.

Dù tên thật là Công Thị Nghĩa nhưng Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam lại được biết đến với tên gọi Thu Trang nhiều hơn. Đây cũng chính là bút danh khi bà làm báo, sáng tác văn chương và nghiên cứu lịch sử. Và cái duyên đi thi hoa hậu đến với bà một cách tình cờ.

Năm 1954, Thu Trang viết báo với bút hiệu Thanh Tâm, Nguyễn Huyền Thu... với đủ thể loại từ thơ đến truyện ngắn, truyện dài... Trong một lần được tòa soạn cử đi lấy tin về cuộc thi hoa hậu 1955, vài người quen biết trong ban tổ chức đã khuyên bà đi thi hoa hậu. Kết quả, bà đã đoạt danh hiệu cao nhất của cuộc thi.

Ngày ấy, bà sở hữu vẻ đẹp sắc nước hương trời: Làn da trắng mịn, khuôn mặt thanh tú với lông mày cong vút, mắt buồn, môi mọng và sống mũi thẳng tắp. Phần thưởng mà Thu Trang “tự dưng” được nhận sau khi đăng quang, ngoài một chiếc kiềng vàng, nước hoa và mỹ phẩm của các hãng thời trang danh tiếng, là một chiếc mô tô Lambretta.

Thiên hạ thời đó gọi đùa Thu Trang là “hoa hậu Lambretta”! Trước đó, từ năm 1950, Thu Trang tham gia Việt Minh, làm điệp báo tại nội thành Sài Gòn, từng vào chiến khu. Thu Trang bị thực dân Pháp bắt và khoảng tháng 7/1952, bị giam ở bót Catinat (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM) mà bà gọi là “ngục trần gian” với đủ các loại hình tra tấn, sau đó bị chuyển qua khám Lớn Sài Gòn (nay là Thư viện tổng hợp TP HCM).

Hồi đó theo hồi ký của bà, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã tranh cãi và giải thoát cho Thu Trang, Nguyễn Thị Châu Sa (Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình), Nguyễn Duy Liên (từng làm Phó Chủ tịch UBND TP HCM) trong phiên toà tháng 6/1953. Thoát khỏi ngục tù, Thu Trang học nghề báo và làm ký giả tại Sài Gòn.

Sau khi đăng quang, Hoa hậu Thu Trang khi đó có sức hút rất lớn với công chúng. Bà được giới nghệ sĩ, điện ảnh và người hâm mộ săn đón rất nhiều. Từ đầu năm 1956, Hoa hậu Việt Nam đầu tiên buớc vào điện ảnh với vai diễn trong phim “Chúng tôi muốn sống” (đạo diễn Vĩnh Noãn).

Năm 1957, Thu Trang được mời tham gia bộ phim thứ hai mang tên “Lục Vân Tiên” của đạo diễn Tống Ngọc Hạp. Ông vừa là đạo diễn vừa sáng tác nhạc cho phim, vừa tham gia đóng phim. Phim “Lục Vân Tiên” được đề cử mang đi dự Liên hoan phim châu Á 1957, rồi mang đi giới thiệu qua nhiều quốc gia khác như một cách quảng bá, thi thố điện ảnh Việt với thế giới.

Và mối tình sóng gió

Toàn bộ hậu kỳ của phim “Lục Vân Tiên” phải làm ở Nhật trong thời gian dài. Do thiếu kinh phí, đoàn từ bốn người đã rút lại còn 2 người: Thu Trang và đạo diễn Tống Ngọc Hạp. Sau này, bà viết trong hồi ký: “Tới tuổi 25, tôi mới thành đàn bà trong hoàn cảnh bi thảm, bị dụ vào những tình huống mà tôi cảm nhận là mình đã không thể tránh. Khi người đàn ông đam mê, nên dễ bị say trong nỗi cuồng điên man dại? Hay chính tôi là một đối tượng có những nét gì khó gần, quá giữ gìn, càng gây kích thích trong sự phải chiếm đoạt, phải chinh phục do tự ái của đàn ông tính, pha lẫn với ít nhiều tưởng tượng là tình yêu?”…

Đó là mối tình sai lầm và ngang trái, vì đạo diễn Tống Ngọc Hạp khi đó đã có vợ con. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi về chuyện này, bà Thu Trang giãi bày: “Tình bạn giữa chúng tôi có từ khi gặp gỡ nhau trên quan niệm văn nghệ, lúc bấy giờ tôi đang giữ trang Phụ Nữ cho tờ Lẽ Sống. Ông Hạp đã hiểu biết tôi qua những bài vở của tôi. Từ tình bạn đến tình yêu cũng không bao xa. Tôi biết ông ấy có gia đình nhưng theo lời ông thì vợ chồng ông đang ở trong thời kỳ ly thân, hai người đang xúc tiến đến việc ly dị, trước khi ông quen biết tôi… Hình như hai người có làm giấy với nhau, ông Hạp cho bà Nguyệt hết cả nhà cửa tiền bạc. Như thế tất nhiên trên phương diện pháp lý ông ta là người… hoàn toàn tự do”.

Ở Nhật, đạo diễn Hạp ngỏ lời cầu hôn bà và viết thư xin phép đằng gái. Bà kể lại: “Thân phụ tôi có trả lời và bắt buộc là song thân ông Hạp đứng làm chủ hôn mới được. Nhưng vì lý do phải hoàn thành cho xong cuốn phim nên tôi kẹt ở lại Nhật lâu. Và cũng vì tin lời ông Hạp đã li dị xong, tất nhiên không có gì trở ngại nữa thì sự thành hôn ở đâu cũng được. Hơn nữa, tôi có ý ở lại bên Nhật ít lâu để học thêm về điện ảnh”.

Đến mùa thu năm 1957, cả hai trở về Sài Gòn. Lúc này, bà đã gần đến ngày sinh nở. Bà bị sốc nặng, vì đón mình ở sân bay là một đám đông cuồng nộ. “Chúng tôi đã sống trong thảm cảnh kế tiếp khi về tới Sài Gòn cuối năm 1957. Thật là cả một cơn giông bão phũ phàng đổ ập xuống tôi khi vừa bắt đầu làm mẹ. Xã hội Việt Nam thời ấy chưa có chút vị tha nào cho những sự kiện như vậy”, bà viết. Chiếc vali chứa đồ sơ sinh chuẩn bị cho con trai bị xé nát; quần áo, nữ trang bị mất, chỉ còn hình ảnh, giấy tờ cần trong bóp tay là lành lặn. Nhà sản xuất người Ấn Độ tên Robert phải dẫn bà ôm bụng tháo chạy trên xe hơi riêng của ông để thoát khỏi sự giận dữ của đám đông.

Và tất nhiên, không có một đám cưới nào diễn ra, một phần vì gia đình ông Hạp phản đối. Bà kể lại trong một cuộc phỏng vấn: “Gia đình tôi định đưa nội vụ ra pháp luật, nhưng tôi không muốn đưa vấn đề tình cảm ra trước tòa, thà là giải quyết êm đẹp với nhau, như thế tránh đau khổ cho tôi. Vì vậy, tôi chỉ mong ước sao vợ chồng ông Hạp hàn gắn lại với nhau. Tôi rất sẵn sàng hủy bỏ cuộc hôn nhân này (cuộc hôn nhân trong ảo tưởng) bất cứ lúc nào”.

Cuối năm 1957, một nhóm các nhà làm phim người Mỹ đến Việt Nam để dự định thực hiện bộ phim “Người Mỹ trầm lặng” dựa trên tiểu thuyết đang ăn khách lúc đó. Đạo diễn Mankiewicz đã nhắm Thu Trang cho vai diễn cô gái Việt trong phim nhưng bà từ chối gặp. Bà chọn làm mẹ trong bình an. Sinh con xong, bà xin vào làm việc ở một công ty nước ngoài để tránh điều tiếng.

...và khi định cư ở Pháp, mọi người biết đến bà với vai trò một Tiến sĩ Sử học.

...và khi định cư ở Pháp, mọi người biết đến bà với vai trò một Tiến sĩ Sử học.

Nàng thơ và những giai thoại với thi sỹ Bùi Giáng

Và sau cú sốc bão tố đó, bà vẫn vô cùng quyến rũ nhưng bà một mực cự tuyệt những người đàn ông có ý định đến với mình. Một trong những người đàn ông rất nổi tiếng mê đắm bà đến quên ăn, quên ngủ chính là thi sĩ Bùi Giáng. Giới văn nghệ sĩ ở Sài Gòn đoán chắc câu thơ đầy lạ lùng và nổi tiếng của Bùi Giáng là: “Còn hai con mắt, khóc người một con” chính là viết cho riêng bà. “Khóc người một con”, tức là thương cảm cho người phụ nữ có một con, chứ không phải như số đông cảm nhận về sự khóc trong nhân thế. Bài thơ này sau đó được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ thành ca khúc “Con mắt còn lại”.

Ngoài ra, thi sỹ Bùi Giáng còn viết nhiều bài thơ khác cho riêng bà, có bài công bố, có bài không. Thi sĩ Bùi Giáng là một trong những người đàn ông say mê nàng Hoa hậu nhưng không được hồi đáp. Sau này, họa sĩ Bửu Ý cũng công bố bài thơ do họa sĩ chép lại từ thơ Bùi Giáng tặng riêng cho nàng thơ Thu Trang: “Trang của tờ giấy cũ/Của vầng tóc ban đầu/Trang của hồi vàng tụ/Về mệt mỏi mai sau/Anh nhớ em vô cùng/Đất sầu không xiết kể/Anh kêu gọi mông lung/Trang ồ, Trang rất tệ”.

Đó là mối tình đơn phương thấm đẫm tình cảm tuyệt vọng lẫn hờn trách của thi sĩ Bùi Giáng. Vì Thu Trang, dù có gặp gỡ, trao đổi chuyện văn chương nhưng nhất mực cự tuyệt tình yêu của Bùi Giáng cũng như của những người đàn ông khác muốn đến với mình.

Trong hồi ký, bà kể về kỷ niệm lần gặp gỡ với thi sĩ vào một ngày mưa năm 1961, khi bà sắp sang Pháp. Bằng cảm quan của một nghệ sĩ, ông biết bà đi là không trở lại. “Tôi hơi ngạc nhiên để ý anh nhìn xuống nền nhà đá hoa. Cả hai im lặng, tôi muốn nói một câu gì đó để cho có chuyện. Chưa kịp thì anh cúi xuống nhặt đôi dép màu xanh lá mạ của tôi đi trong nhà cạnh đó, anh nhặt lên và lẳng lặng mở tờ báo gói đôi dép. Rồi anh đứng lên: Tôi về!”. Từ đó về sau, họ không gặp nhau nữa.

Tới một nữ trí thức rực rỡ nơi trời Tây

Năm 1961, bà Thu Trang nhận được lời mời sang Pháp tham gia ngành điện ảnh và quyết định chuyển đến đất nước này sinh sống. Tuy nhiên tại Pháp, bà không đóng phim nữa mà quay lại với con đường tri thức. Bà xin vào học Trường Cao học về lịch sử và triết học thuộc Trường Đại học Sorbonne. Tại trường, bà đã tiếp cận và sớm thân thiết với một nhóm sinh viên khuynh tả, quan tâm và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam. Bà đã gặp chân ái cuộc đời mình, ông Marcel Gaspard, người sau này là bạn đời của bà trong những năm tháng đó.

Năm 1978 bà trở thành Tiến sĩ Sử học tại Đại học Paris VII với đề tài “Những hoạt động của Phan Châu Trinh” tại Pháp. Các nghiên cứu sử học về Phan Châu Trinh từ các văn khổ lưu trữ tại Pháp của Thu Trang sau đó được in thành sách và tái bản tại Việt Nam.

Vì nhiều lý do, bà ít khi tiết lộ mình là Hoa hậu Thu Trang - Công Thị Nghĩa. Đồng nghiệp, sinh viên phần lớn chỉ biết bà như một vị tiến sĩ ở Pháp. Bà cũng miệt mài đóng góp cho những hoạt động của người Việt tại Pháp, hỗ trợ giúp đỡ du học sinh cũng như về nước giảng dạy. Bà thường xuyên giao lưu với các trí thức lớn của Việt Nam mỗi khi họ có dịp qua Pháp. Bà từng là thành viên đoàn chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp, nguyên Tổng Thư ký Hội Khoa học xã hội của Hội Người Việt Nam tại Pháp…

Không chỉ nghiên cứu sử học, bà còn tiếp tục viết thơ, truyện, hồi ký, xuất bản nhiều sách và năm 1990, được bình chọn là một trong 100 nhà thơ Việt Nam được yêu mến của thế kỷ 20…

Đọc thêm