20 năm trước, rời quê Pắc Nặm (Bắc Cạn), vợ chồng chị Lục Thị Bảy (dân tộc Tày) di cư vào thôn Cao Bằng, xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk để làm ăn. Ngày đầu lập nghiệp nơi đây, tiền không, đất không, gia đình chị chỉ biết đi làm thuê kiếm sống.
Năm 2006, chị bắt đầu được tiếp cận vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Từ nguồn vốn vay ban đầu, chị Bảy đầu tư vào nuôi bò. Bò sinh sản, bán bớt bò trả nợ. Đợt vay thứ 2, chị mua thêm đất, trồng cà phê. Tích cóp dần dần, chị xây được nhà, nuôi con ăn học. Hiện tại, nhà chị có 7 sào ruộng, hơn 1 ha cà phê, trồng xen thêm điều và hồ tiêu. Năm ngoái, chị lại vay 30 triệu tại NHCSXH để mua máy tưới cà phê, giảm bớt công lao động và đảm bảo điều kiện chăm sóc.
“Được Nhà nước cho vay vốn mua máy tưới, mua bò, mua đất, thời gian lâu năm, trả dần, lãi suất thấp. Nhờ thế đỡ vất vả hơn nhiều” – chị Lục Thị Bảy chia sẻ. Vụ cà phê năm ngoái chị thu được gần 4 tấn cà phê nhân, nếu bán hết, trừ chi phí, chị Bảy lãi khoản 100 triệu đồng, chưa kể tiền bán hạt điều và hồ tiêu.
Nhờ chăm chỉ làm ăn, cộng thêm nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, chị Bảy và nhiều hộ dân khác ở thôn Cao Bằng đã có cuộc sống ổn định trên quê hương mới. “Trước đây, Tổ Tiết kiệm và vay vốn của thôn có gần 50 tổ viên thì giờ chỉ còn có hơn 30 người vì hơn chục hộ đã thoát nghèo rồi” – chị kể.
Tổ Tiết kiệm và vay vốn của chị H’Đơi M’Bôn ở thôn Năm cùng xã cũng vậy. “Bà con Mơ Nông trong Tổ tôi nhờ vay vốn chính sách làm ăn mà nhiều gia đình xây được nhà, sắm được xe máy để đi rẫy, biết làm nhà vệ sinh, sử dụng nước sạch. Bà con cũng đã có ý thức tiết kiệm dành dụm hàng tháng lấy tiền trả lãi, trả nợ gốc vay NHCSXH” – chị H’Đơi M’Bôn kể.
Với 57 hội viên, Tổ Tiết kiệm và vay vốn của chị H’Đơi hiện đang quản lý 1,6 tỷ dư nợ tại NHCSXH. “Ai mua bò thì mua bò, mua máy cày thì mua để chở nông sản về. Trong buôn đa số vay bên NHCSXH, ai có tiền thì cũng đi tiết kiệm, như tổ em một tháng tiết kiệm 30 nghìn, nhiều thì 100 nghìn, mùa cà phê có khi em động viên được 50 triệu” – chị H’Đơi M’Bôn nói.
Đăk Phơi là xã nghèo của một trong những huyện nghèo theo Nghị quyết 30A của Chính phủ, năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của xã là gần 52%. Đời sống khó khăn, nên nguồn vốn lãi suất thấp của Nhà nước đã hỗ trợ bà con không nhỏ trong việc phát triển kinh tế. “Bà con cũng tiếp cận được vốn ngân hàng, giảm được vay lãi nóng. Trước đây khi NHCSXH chưa vào trong vùng này, bà con không biết đi vay đâu. Giờ vay được vốn thì cũng làm ăn được lên” - ông Nay Y Ngọc, Chủ tịch UBND xã Đắk Phơi, cho biết. Hiện nay, dư nợ các chương trình tín dụng của NHCSXH ở xã là 25 tỷ đồng.
Trong tổng số 11 xã của huyện Lắk thì có tới 10 xã thuộc vùng khó khăn, gần 2/3 dân số là người dân tộc thiểu số. Với nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước giải ngân qua NHCSXH những năm qua là động lực chính để bà con đầu tư sản xuất, chăn nuôi, cải thiện cuộc sống.
“Cán bộ NHCSXH không chỉ mang vốn đến giải ngân tại xã mà còn theo chân Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đến tận thôn, buôn để tuyên truyền, hướng dẫn và tăng cường kiểm tra, giám sát người dân sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả cao nhất” - ông Trà Văn Tâm, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lắk, cho biết – “Ít nhất một năm 2 lần đi tổ, có mô hình làm tốt của xã A thì nói cho xã B nghe, nói có sách mách có chứng mà. Phải nhiệt tình, có tâm yêu ngành yêu nghề thì mới làm được. Hôm nay thấy họ có cơm có muối, ngày mai nhìn thấy họ bữa cơm có cá thì mới vui được”.