CIA – Từ phim ảnh đến... đời thực

(PLO) -Trong phim Jason Bourne đang “công phá” màn ảnh rộng khắp thế giới, một số lãnh đạo, nhân viên CIA phạm tội ác tày trời và cơ quan này có nhiều chiến dịch đen tối. Ngoài đời thực, CIA đã thực hiện nhiều chiến dịch bí mật đẫm máu, trong đó không ít hoạt động liên quan chiến tranh Việt Nam.
Matt Damon là nam chính trong Jason Bourne.
Matt Damon là nam chính trong Jason Bourne.

Jason Bourne (ra rạp Việt với tên gọi Siêu điệp viên Jason Bourne từ ngày 29/7) xây dựng hình ảnh giới lãnh đạo tình báo Mỹ không chỉ mưu hèn kế bẩn với những người họ coi là nguy cơ an ninh mà còn âm mưu, thủ đoạn với chính đồng nghiệp của mình trong cuộc chiến tranh quyền đoạt lợi tinh vi, khốc liệt. 

Sát thủ máu lạnh

Trong Jason Bourne có một nhân vật máu lạnh gây ấn tượng từ giây phút đầu tiên xuất hiện. Đó là đặc vụ CIA biệt danh Asset (diễn viên Pháp Vincent Cassel đóng) - người sẵn sàng giết bất kỳ ai làm vướng chân mình khi thi hành nhiệm vụ hoặc khi trả thù riêng. Ở Hy Lạp, Asset nã đạn vào 3 người biểu tình không quen biết. Tại Anh, Asset bắn chết 4 đồng nghiệp không thù không oán.

Nhưng đó mới chỉ là những ân oán cá nhân, những phi vụ ảnh hưởng một số ít người. Trong phim, CIA đang xúc tiến việc thực hiện chiến dịch Iron Hand để bí mật giám sát hàng tỷ người theo thời gian thực, vực dậy các chương trình ám sát bị lộ.

Để làm được điều này, CIA, cụ thể là Giám đốc CIA Robert Dewey (tài tử Tommy Lee Jones thủ vai) đã nhiều lần ép buộc, đe dọa, khống chế Aaron Kalloor - người phát triển mạng xã hội Deep Dream với 1,5 tỷ người dùng.

Khi Kalloor từ chối tiếp tục tiếp tay CIA để giám sát người dùng, bắt đầu công bố những sự thật đen tối, CIA lập tức dàn dựng một vụ ám sát Kalloor, đổ lỗi cho một tay súng thánh chiến người Iraq. Trước đó, CIA từng áp dụng chiêu này để xử lý người của mình - cha đẻ chương trình ám sát Treadstone.

Hình ảnh trong phim cho thấy, CIA thực hiện vô số chiến dịch bí mật, trong đó có 10 chiến dịch hiện rõ tên, như Iron Hand, Blackbriar, Treadstone… Theo các tài liệu giải mật cũng như phân tích của giới chuyên gia, trên thực tế, CIA cũng thực hiện không ít chiến dịch “đen”.

Chiến dịch Mockingbird

Chiến dịch Mockingbird nhằm vào báo giới theo 2 hướng. Một mặt, CIA thường xuyên dùng các nhà báo để thu thập thông tin tình báo, định hướng tin tức, đưa tin bài về một số sự kiện nhất định theo hướng có lợi cho Mỹ, ỉm đi những thông tin bất lợi, như sự thật đảo chính ở Guatemala.

Mặt khác, gài người vào các báo lớn, đài truyền hình, mua chuộc, hối lộ, thậm chí trực tiếp tuyển dụng nhà báo để phục vụ các kế hoạch tuyên truyền, lừa mị công chúng Mỹ. Mục tiêu chính của Mockingbird là thuyết phục dân chúng tin rằng, cộng sản rất đáng sợ để họ ủng hộ việc quét sạch cộng sản bằng mọi giá. 

Nữ diễn viên, vũ công Thụy Điển Alicia Vikander và tài tử gạo cội Tommy Lee Jones vào vai Trưởng bộ phận công nghệ và Giám đốc CIA trong phim Jason Bourne
Nữ diễn viên, vũ công Thụy Điển Alicia Vikander và tài tử gạo cội Tommy Lee Jones vào vai Trưởng bộ phận công nghệ và Giám đốc CIA trong phim Jason Bourne

Các phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ năm 1976 cho thấy, CIA đã hối lộ nhiều phóng viên, biên tập viên trong nhiều năm. Ngay sau đó, tân Giám đốc CIA George H.W. Bush (sau này trở thành tổng thống) tuyên bố:

“CIA sẽ không thiết lập mối quan hệ hợp đồng hoặc trả tiền với bất kỳ phóng viên làm việc toàn thời gian hay bán thời gian của bất kỳ hãng tin, báo, tạp chí, đài phát thanh hoặc đài truyền hình nào”. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, CIA vẫn tiếp tục hoan nghênh các nhà báo hỗ trợ tự nguyện, không hưởng thù lao.

Chiến dịch CHAOS

Trong khi chiến dịch Mockingbird nhằm vào báo chí chính thống để che giấu hoặc làm mờ các sự kiện bất lợi cho Washington, trong đó có các cuộc biểu tình phản đối sự can dự của Mỹ ở Việt Nam, chiến dịch CHAOS nhằm loại bỏ ảnh hưởng của nước ngoài đối với phong trào phản chiến tại Mỹ.

Vì chương trình giám sát COINTELPRO của FBI không đem lại kết quả mong muốn, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson cho phép CIA thực hiện chương trình riêng để do thám công dân Mỹ. Nhiệm vụ của họ là xâm nhập các tổ chức sinh viên để thu thập thông tin về ảnh hưởng của nước ngoài và phá hoại các nhóm từ bên trong. CIA nhằm vào các nhóm nổi tiếng như Students For a Democratic Society (Sinh viên vì một xã hội dân chủ), Black Panthers (Báo đen)…

Cuối cùng, chương trình được mở rộng sang một số nhóm Do Thái và giải phóng phụ nữ. Có nhiều bằng chứng cho thấy, loại hình hoạt động này chưa bao giờ dừng, dù CHAOS bị đóng cửa sau vụ bê bối Watergate đầu thập niên 70. Năm 2011, CIA bị cáo buộc bắt tay với Sở Cảnh sát New York để do thám các nhóm Hồi giáo.

Chương trình Phoenix

CIA khởi xướng chương trình  Phoenix (Phượng Hoàng), sau chuyển giao cho quân đội Mỹ và quân lực Việt Nam cộng hòa thực hiện trong chiến tranh Việt Nam. Thực hiện Phoenix là các đơn vị quân sự, lính biệt kích nhưng nạn nhân của chương trình này gồm rất nhiều dân thường.

Phoenix nhằm vô hiệu hóa (kiềm chế, chiêu hàng, bắt giam, giết chết) các cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam nằm vùng, những người liên quan các cơ sở cách mạng ở miền Nam. Theo tài liệu của Mỹ, từ năm 1965 tới 1972, Phoenix đã vô hiệu hóa 81.740 đối tượng, trong đó sát hại khoảng 26.000-41.000 người.

Nhiều người đã bị bắt giam, tra tấn cực kỳ dã man, tàn bạo như “hiếp dâm bằng lươn, rắn, vật cứng”, “giật điện bộ phận sinh dục”, “cho cảnh khuyển cắn xé”, “đi tàu bay” (trói giật cánh khuỷu, buộc dây dài ngoắc vào móc trên trần nhà, treo lơ lửng)… Năm 1971, Phoenix trở thành đối tượng điều trần quốc hội về sự lạm dụng. Bị công luận lên án, Phoenix sau đó bị loại bỏ, nhưng rồi được lặng lẽ thay thế bằng chương trình F-6.

Chiến dịch Mongoose

Sau khi cuộc tấn công xâm lược Cuba (sự kiện Vịnh Con lợn) thất bại, hình ảnh của CIA trong mắt công chúng tồi tệ hơn bao giờ hết. Để đối phó Cuba, Bộ Quốc phòng và CIA thực hiện chiến dịch Mongoose dưới sự giám sát của Robert Kennedy (em trai Tổng thống John F.Kennedy).

Trong cuộc họp đầu tiên với đội của mình, Robert Kennedy nói rằng, hạ bệ lãnh tụ Cuba Fidel Castro là “ưu tiên số một của chính phủ Mỹ, tất cả những việc khác là thứ yếu” và sẽ tập trung nhân lực, nỗ lực, tiền bạc, thời gian cho việc này.

Hàng chục phương pháp ám sát Fidel Castro được đưa ra: đưa vi khuẩn gây bệnh lao vào thiết bị lặn của nhà lãnh đạo Cuba; cài thuốc nổ dạng vỏ ốc tại điểm lặn biển yêu thích của ông; sử dụng bút máy chứa chất độc; tẩm độc hoặc gài bom siêu nhỏ vào một điếu cigar của ông… Vệ sĩ của Fidel Castro nói rằng, CIA có hàng trăm kế hoạch nhằm vào ông, nhưng đều thất bại.

Diễn viên Pháp Vincent Cassel trong Jason Bourne
Diễn viên Pháp Vincent Cassel trong Jason Bourne

Sản xuất phim sex

Ông Sukarno làm tổng thống Indonesia từ năm 1959 tới năm 1966, khi ông bị tướng Suharto lật đổ. CIA coi Tổng thống Sukarno là người thân Liên Xô và Trung Quốc nên muốn hạ bệ, hoặc ít nhất là bôi nhọ ông.

Vì thế, CIA sản xuất một bộ phim con heo với nam diễn viên chính trông giống Tổng thống Sukarno. Phim được đặt tên là Happy Days và dự kiến phát hành ở Indonesia. Tuy nhiên, cuối cùng, phim dừng lại ở giai đoạn sản xuất ban đầu - hình ảnh tĩnh. 

Điều lạ lùng là kế hoạch này lại tái xuất giang hồ ngay trước chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai. CIA đưa ra ý tưởng làm một bộ phim sex chủ đề đồng tính nam mà nhân vật chính là Tổng thống Iraq Saddam Hussein hoặc lãnh đạo al-Qaeda Osama bin Laden nhằm hạ uy tín hai nhân vật này trong mắt những người ủng hộ họ.

Nhưng kế hoạch này cuối cùng cũng không được hiện thực hóa. Một quan chức Mỹ nhận định: “Cố gắng thực hiện một chiến dịch như vậy sẽ cho thấy sự hiểu lầm hoàn toàn về mục tiêu. Chúng ta luôn nhầm lẫn những điều cấm kị của riêng chúng ta với của thế giới”.../.

Đọc thêm