Có bão lũ, quân đội là lực lượng nòng cốt

Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ của Quân khu 4, của Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế đã dầm mình trong mưa lũ để ứng cứu, giúp dân di chuyển khỏi vùng ngập lụt. Di chuyển người dân nơi này đến nơi an toàn, bộ đội dầm mưa đến khu vực khác...

Khi xảy ra bão lũ, thiên tai, từ Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn - tổng hành dinh” chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn (TKCN), cứu hộ... đến các đơn vị quân đội có nhiệm vụ phòng chống lụt bãi, tìm kiếm cứu nạn, các cán bộ, chiến sĩ đều căng người lên, làm việc hết khả năng có thể.

Hai đợt lũ vừa qua, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ của Quân khu 4, của Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế đã dầm mình trong mưa lũ để ứng cứu, giúp dân di chuyển khỏi vùng ngập lụt.

Người dân nơi này đã di chuyển đến nơi an toàn, bộ đội vẫn dầm mưa đến khu vực khác, cứu giúp những người khác. Những chiếc ca nô người xé nước lao đi suốt ngày đêm để chở những người dân bị mắc kẹt trong lũ về nơi an toàn. Chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động về bộ đội Cụ Hồ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Phùng Quang Thanh thăm và động viên đồng bào vùng lũ lụt
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Phùng Quang Thanh thăm và động viên đồng bào vùng lũ lụt

Trong đợt lũ thứ nhất, Thiếu úy Đoàn Trọng Giáp (Đại đội 17 Công binh, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh, quê Thạch Vĩnh, Thạch Hà) đã hy sinh khi dũng cảm giúp dân chạy lũ và bảo vệ công trình nhà nước tại đường hầm CH-01 tại xã Hòa Hải, huyện Hương Khê.

Mưa lũ làm hư hỏng, ẩm mốc gạo, củi, nước sạch không có... Nhiều nơi còn gạo nhưng dân cũng không biết làm thế nào để có cơm ăn. Thay vì dùng mì ăn liền cứu đói, lực lượng dân quân tự vệ tỉnh Nghệ An đã tổ chức các bếp ăn cơ động, nấu cơm chuyển tới giải quyết cái ăn từng bữa cho dân ở những khu vực bị lũ bao vây, cô lập. 

Từ năm 2000 đến nay ,Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tổ chức mua sắm được: 07 chiếc tàu SAR; 04 chiếc máy bay trực thăng TKCN; Trang bị đồng bộ cho: 3 Trung tâm PSCTD, 02 Trung tâm quốc gia huấn luyện TKCN đường không và đường biển, 4 tiểu đoàn công binh làm nhiệm Cứu sập và một số trang bị cho lực lượng PCCC/Bộ Công an. 

Máy bay kịp thời chở hàng cứu trợ cho bà con
Máy bay kịp thời chở hàng cứu trợ cho bà con

Ngoài ra, trang bị cho các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm và lực lượng phổ thông của các bộ, ngành, địa phương 43 bộ vượt sông nhẹ VSN1500, 1.111 chiếc xuồng các loại; 200 máy phát điện loại nhỏ, 15 máy phát điện có hệ thống đèn pha ; 200 chiếc Máy bơm nước công xuất lớn; 21.044 bộ Nhà bạt; 458.339 phao cứu sinh các loại...

Để công tác cứu hộ, cứu nạn đạt hiệu quả cao hơn, năm 2010, Chính phủ đã đầu tư mua 1 máy bay EC155 B1. Đã có chủ trương và triển khai mua 02 máy bay bay cứu nạn trên biển. Đóng 1 tàu chuyên dụng TKCN tốc độ cao, chịu gió đến cấp 10, thời gian hoạt động liên tục đến 20 ngày, 1 tàu tuần tra kết hợp TKCN. Đồng thời xây dựng trạm TKCN tại các đảo Phú Quý, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn và nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc phục vụ TKCN.

10 năm qua, nhằm ứng phó hiệu quả với thiên tai, sự cố, tai nạn và triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, toàn quân đã huy động 1.835.044 cán bộ chiến sỹ và 196.568 phương tiện các loại, trực tiếp sơ tán 2.799.032 người dân từ khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, kịp thời thông báo cho 308.050 phương tiện /2.363.650 ngư dân và các loại phương tiện thuỷ hoạt động trên biển biết và để tránh và vào các khu vực tránh trú bão an toàn. Kịp thời cứu người, cứu tài sản của nhân dân và chở hàng cứu trợ cho các vùng bị chia cắt.

Quân chủng Phòng không - Không quân đã sử dụng 62 máy bay, thực hiện hàng trăm lượt chuyến báo bão, thả hàng cứu trợ và cứu người bị cô lập trong bão, lũ. Trực tiếp cứu  nạn trên biển được 5.871 vụ/ 15.995 người/ 2.417 phương tiện(trong đó có 192 vụ liên quan đến người và phương tiện nước ngoài bị nạn trên biển Việt Nam ).

Lam Hạnh

Đọc thêm