Cơ chế bảo vệ 'nhiều tầng' để tránh đuối nước ở trẻ

(PLO) - Để tránh tai nạn đuối nước tại buồng tắm cho trẻ cha mẹ nên sử dụng cơ chế “bảo vệ nhiều tầng”. Đó là tránh tắm cho bé vào lúc vội, tắt bếp, tivi, điện thoại hay bất kỳ thứ gì có thể kéo cha mẹ ra xa khu vực bé đang tắm, thậm chí là chỉ trong vài giây.
Phụ huynh cần ghi nhớ cơ chế bảo vệ nhiều tầng giúp trẻ tránh đuối nước.

Bé gái 8 tuổi tử vong vì đuối nước khi tắm bồn

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp đuối nước trong khi đang tắm trong bồn tắm tại nhà. Nạn nhân là một bé gái 8 tuổi (Hà Nội). Theo đó, khi người bố đang tắm cho con gái thì có việc phải ra ngoài, 30 phút sau quay lại người bố đã thấy con gái nằm bất động trong bồn tắm.

Gia đình vội vàng gọi cấp cứu đưa vào Bệnh viện E, sau đó chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng bệnh nhi bị suy hô hấp nặng, da môi tái, hôn mê sâu, đồng tử giãn, không có phản xạ ánh sáng, tiên lượng tử vong cao.

Ngay lập tức, bệnh nhi được các bác sĩ điều trị tích cực, hồi sức hô hấp/tuần hoàn, chống phù não. Tuy nhiên, sau 2 ngày điều trị, bệnh nhi vẫn hôn mê sâu, phản xạ ánh sáng yếu, rối loạn nước điện giải. Đến ngày 14/4, do tình trạng bệnh nặng, bệnh nhi đã tử vong.

Được biết, tại Việt Nam, đuối nước hiện là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong ở trẻ trên 1 tuổi. Trung bình mỗi ngày có khoảng 9 trẻ chết vì đuối nước, trong đó trẻ nhỏ thường gặp tai nạn ngay ở nhà hay gần nhà. Còn tại Mỹ, theo báo cáo tổng kết của Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ, trong giai đoạn 2006 – 2010 đã ghi nhận 434 trường hợp trẻ tử vong tại nhà (trung bình 87 trẻ mỗi năm). 82% nạn nhân đuối nước thuộc nhóm dưới 2 tuổi và 81% trẻ bị đuối nước ngay tại bồn tắm trong nhà. Xét về nguyên nhân thì 28% trường hợp tử vong tại buồng tắm liên quan tới việc thiếu vắng sự giám sát của người lớn (cha mẹ rời phòng tắm trong chốc lát để trả lời điện thoại, mở cửa đón khách…), trong 23% trường hợp việc giám sát trẻ được giao cho trẻ lớn hơn. Một điều đáng chú ý là tất cả những trường hợp tử vong này đều có thể phòng ngừa được.

BS. Trần Thị Thu Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Nhiều ông bố bà mẹ hết sức ngạc nhiên khi thấy sự cố xảy ra nhanh, chỉ chớp nhoáng sau khi họ để con nhỏ một mình trong bồn tắm để đi lấy chiếc khăn tắm bị quên, hay trả lời điện thoại.

“Tôi chỉ rời bồn tắm trong chốc lát” là những gì họ thường thốt lên sau khi bất hạnh xảy ra. Họ không biết rằng, chỉ ngần ấy thời gian là đủ để tai họa ập đến. Thời gian ước tính mà một đứa trẻ bị đuối nước được phát hiện thường là dưới 5 phút. Đuối nước xảy ra rất nhanh, trẻ mất ý thức trong vòng 2 phút hoặc ít hơn”. 

Một nhầm lẫn thường gặp nữa là quan điểm cho rằng nạn nhân phải kêu cứu và vẫy vùng mạnh trước khi đuối nước. Thực tế không phải như vậy, đuối nước là kẻ giết người thầm lặng. Khi không thể thở, trẻ sẽ không thể khóc hay kêu cứu. Trong các trường hợp đuối nước tại bể bơi, không phụ huynh nào thông báo có nghe tiếng vẫy vùng đập nước của trẻ, kể cả khi cha mẹ ở ngay trên bờ. Theo phản xạ, trẻ đuối nước thường dùng cánh tay ép xuống nước và tìm cách ngẩng mặt lên cao để thở, do đó trẻ không thể giơ tay lên khỏi mặt nước để làm dấu hiệu cầu cứu. 

Cơ chế “bảo vệ nhiều tầng” giúp trẻ tránh đuối nước

Cũng theo BS. Trần Thị Thu Thủy thì hiện nay các chuyên gia vẫn còn bất đồng rất nhiều về độ tuổi an toàn có thể để trẻ một mình trong bồn tắm. Một số chọn ngưỡng 4 tuổi, một số khác lại cho rằng trẻ chỉ sẵn sàng tắm một mình khi lên 6 tuổi. Hiện chưa có khuyến cáo chính thức và thực tế cũng rất khó đưa ra giới hạn tuổi chính xác vì mỗi trẻ phát triển với tốc độ khác nhau. Tính tự lập và khả năng xử lý tình huống của các trẻ cũng rất khác biệt, vì vậy khó có thể đưa ra câu trả lời chung phù hợp cho tất cả các trẻ.

Do vậy, để tránh tai nạn đuối nước tại buồng tắm cho trẻ cha mẹ nên sử dụng cơ chế “bảo vệ nhiều tầng”. Đó là tránh tắm cho bé vào lúc vội, tắt bếp, tivi, điện thoại hay bất kỳ thứ gì có thể kéo cha mẹ ra xa khu vực bé đang tắm, thậm chí là chỉ trong vài giây. Chuẩn bị sẵn sàng mọi dụng cụ trước khi tắm cho bé, thu gom các đồ vật này và để trong tầm với của chúng ta trước khi xả nước vào bồn hay chậu tắm. Nếu phải chăm sóc hai con thì tốt nhất nên bố trí giờ tắm sao cho một người lớn khác có thể để mắt tới bé thứ hai. Nếu không thể nhờ ai thì nên để bé thứ hai ngồi chơi hay đọc sách gần đó, trong tầm mắt của cha mẹ.  

Luôn ở trong tầm với của trẻ đang tắm vào mọi lúc. Nếu cần rời chỗ bé tắm, hãy đưa bé ra khỏi bồn nước, quấn khăn cho bé và mang bé theo mình. Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi nặng ở phần trên và có thể ngã lộn đầu vào xô chậu có nước, gây đuối nước. Vì vậy ngay khi trẻ tắm xong, cần tháo nước khỏi bồn, đổ hết nước trong xô chậu tắm và cất vào chậu nơi trẻ không thể với tới. Không để xô chậu ngoài trời, nơi có thể hứng nước mưa. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không được chủ quan khi dùng loại ghế tắm được thiết kế đặc biệt vì chiếc ghế này có thể lật, khiến trẻ ngã úp mặt xuống nước. Trẻ cũng có thể nghịch ngợm mà tự mình trèo ra khỏi ghế này. Kể cả khi cho bé ngồi trong ghế tắm, cha mẹ cũng không được rời trẻ một giây.

Học cách hồi sức tim phổi, kỹ thuật này có thể cứu sống trẻ khi mạng sống được tính trong từng giây. Không để trẻ nhỏ trong bồn tắm dưới sự giám sát của một đứa trẻ khác. Anh chị của bé chưa được huấn luyện hay chưa đủ lớn để đảm nhận trách nhiệm này. Rất nhiều vụ tai nạn đuối nước xảy ra khi cha mẹ giao cho trẻ lớn trông nom trẻ bé. Dùng then an toàn đóng cửa buồng tắm để trẻ nhỏ không thể tự ra vào nơi đó. Luôn đóng nắp bồn vệ sinh, đề phòng trẻ nhỏ ngã lộn đầu vào đó. 

Đọc thêm