Cô gái 8X nhận Trịnh Công Sơn như một người… riêng tư

(PLO) - Giang Trang sinh năm 1981 tại Hải Dương, lớn lên ở Hà Nội và là giọng ca hát nhạc Trịnh mộc mạc, thư thả, đơn sơ bên tiếng ghi-ta, tiếng vĩ cầm trong không gian nhỏ của những khán phòng. Với cô, nhạc Trịnh như một cõi riêng rất riêng
Giang Trang hát trong chương trình Khói trời mênh mông kỉ niệm 77 năm ngày sinh nhạc sỹ
Giang Trang hát trong chương trình Khói trời mênh mông kỉ niệm 77 năm ngày sinh nhạc sỹ

 Âm nhạc của Trịnh Công Sơn như một đứa trẻ, quyến rũ và lạ

Là người của thế hệ 8X và đắm say nhạc Trịnh, Giang Trang có thể chia sẻ nhận xét riêng về nhạc và con người Trịnh Công Sơn?

Em thấy âm nhạc Trịnh Công Sơn như một dòng nước chảy qua cõi đời. Mỗi người đến bên dòng nước đó sẽ đem theo một chiếc bình của riêng mình để tìm thấy và định dạng trạng thái cảm xúc. 

Với cá nhân em, em thấy cho dù người nghe tưởng rằng đang đi trong một câu chuyện kể bàng bạc nhất, hoang vắng nhất, thậm chí khổ đau, sợ hãi hay căng thẳng thì phần kết của câu chuyện luôn là một sự an ủi trong bình yên và vắng lặng. 

Ở thế giới đó em nhìn thấy những giá trị tốt đẹp giữa con người với con người, không có ganh đua, bon chen, tị hiềm, chỉ còn lại sự lắng nghe trong yêu thương, thông cảm và tự thả trôi đi những muộn phiền.

Những giai điệu của nhạc Trịnh không chỉ vang lên trên sân khấu hay từ những dàn âm thanh đắt tiền mà phần lớn hơn, lớn hơn nhiều, những giai điệu đó vang lên trên các hành lang ký túc xá, giữa những quán rượu, hay chính từ miệng người huýt sáo bâng quơ… Em cho rằng đối diện với âm nhạc Trịnh Công Sơn cần sống thật trong từng cảm xúc.

Càng đi sâu vào đời sống âm nhạc của Sơn, em càng thấy những yếu tố lạ và một sự tối giản tinh tế. Sơn tìm ra một đường đi quyến rũ bởi cái lạ, hấp dẫn. Cái Trịnh Công Sơn đưa ra trong giai điệu, trong ca từ, không thấy lặp lại với tác  giả khác. 

Mỗi ca khúc là một câu chuyện thơ và bay, khi hình ảnh nối tiếp hình ảnh, miên man trong không gian. 

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn như một đứa trẻ, quyến rũ và lạ. “ Lùa nắng cho buồn vào mắt em”, buồn trong cơn gió, buồn trong thiếu nữ đẹp, “Tôi nhặt gió trời để em giữ lấy”... Mỗi ca khúc là một bức họa. Ngôn ngữ cảm nhận vừa rất gần lại vô cùng siêu thực ..

Mỗi lần có cơ hội được hát nhạc của ông là mỗi lần em được vào vai một người kể chuyện. Mỗi lần kể chuyện là thêm một lần em được chia sẻ với người nghe về sự đồng vọng của riêng cá nhân mình với âm nhạc Trịnh Công Sơn. 

Nhạc Trịnh, ai cũng có thể thuộc, có thể hát, nhưng không phải ai cũng cảm nhận tới cùng vẻ đẹp của nó. Cái duyên nào đưa Giang Trang tới với nhạc Trịnh?

Ấn tượng mạnh nhất đến với em chính là lần tình cờ nghe nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tự đàn và hát cho sinh viên trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ vào khoảng năm 1993. Khi đó, chị em vốn là sinh viên trong trường. Hai chị em đến muộn, vào đúng lúc nhạc sĩ đứng trên bàn và được vây quanh bởi rất nhiều sinh viên trong một giảng đường không quá rộng, nhạc sĩ đang đàn và hát những ca từ “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng…”. 

Nghe giọng hát và ca từ em đã bị thu hút và ngay lập tức băn khoăn: Quái nhỉ! sao cái ông này gầy còm và nhỏ bé thế, giọng hát thanh thanh đơn giản thế, mà có sức hấp dẫn thật ghê gớm. Hỏi chị em mới biết đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tác giả của cuốn Sơn Ca 7 mà bố vẫn nghe...

Lúc đó em đã xúc động, vì sự giản dị của người biểu diễn và vì ca từ trong bài hát lần đầu tiên em được nghe, đủ để làm em vui lên và buông bỏ cảm giác nằng nặng trong lòng, cảm giác thương bố mẹ, thương chị đã luôn phải vất vả vật lộn với cuộc sống. 

Em đã nhớ cảm giác vui lên trong buổi tối hôm đó, và nhiều lần tự nắm lấy tay mình thầm nhủ “đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng” để giữ mình lạc quan, hồn nhiên, nghịch ngợm như mọi đứa trẻ khác, và cùng gia đình vượt qua khoảng thời gian sóng gió đã đến ngay sau đó…

Giang Trang: Em muốn giữ nhạc Trịnh trong cuộc sống riêng tư của mình

Giang Trang: Em muốn giữ nhạc Trịnh trong cuộc sống riêng tư của mình

“ Hát lên em thấy thanh thản và nhẹ nhõm”

Giang Trang hát nhạc Trịnh như một mối duyên từ tiền kiếp. Nó xa lạ với những rực rỡ, phù hoa của sân khấu. Xa với những thứ màu mè, hình thức. Ở chương trình Khói trời mênh mông vào ngày sinh nhật ông mới đây, v ẫn l à m ột Giang Trang hát nhạc Trịnh đầy bản năng, riêng biệt. Trang có học thanh nhạc không?

Bản thân em trước khi biết rằng mình đã thật sự gặp, quen, thân, rồi yêu âm nhạc Trịnh vào tuổi 20 thì trước đó em không quá quan tâm đến nhạc Trịnh. Em lớn lên với nhạc Rock, với Beatles, với ghi-ta cổ điển.

Đối với em âm nhạc Trịnh Công Sơn là một người bạn, từ tình cờ gặp đến quen biết hơn rồi thành thân yêu, và hành trình em tìm đến với người bạn đó là hành trình tìm đến với cái đẹp, với sự xúc động để nhận ra rằng em còn tin vào những điều tốt đẹp, những điều tử tế luôn tồn tại trong đời. Em rất yêu không gian nhạc Trịnh qua tiếng hát Khánh Ly, như yêu một vẻ đẹp vĩnh viễn sẽ không mất đi giá trị.

Được biết, Giang Trang đã “buông bỏ” sự nghiệp có thu nhập cao, đáng mơ ước với nhiều người trẻ để bước vào “ cuộc chơi” nghiêm túc với nhạc Trịnh? Thế nhưng, dường như Giang Trang lại chỉ được biết đến với những ai  đắm đuối với nhạc Trịnh?

Năm 2012, em có những mệt mỏi trong cuộc sống, là một giai đoạn có nhiều điều thôi thúc phải vượt qua, và em quyết định chơi nhạc trở lại. Em tìm thấy sự bình an trong nhạc Trịnh. Bản thân em cũng thích nghe Khánh Ly và nghe Sơn hát chính nhạc của Sơn. Em rất yêu không gian nhạc Trịnh qua tiếng hát Khánh Ly, như yêu một vẻ đẹp vĩnh viễn sẽ không mất đi giá trị.

Với em, Trịnh Công Sơn như người bạn của riêng mình. Em chưa từng bao giờ nghĩ tới sẽ chơi cuộc chơi mà nhiều người biết đến. Em muốn giữ nó trong đời sống riêng tư của mình, không phải đem ra như một cái gì đó đao to búa lớn. Chẳng hạn em tìm “ Lênh đênh nhớ phố” là tìm hoài niệm không gian mình thích. Và trong cuộc chơi ấy, em may mắn được Trung tâm Pháp ngữ chấp nhận. Sân khấu Trung tâm Pháp ngữ ấm cúng cũng phù hợp với nhạc Trịnh.

Cảm ơn Giang Trang về cuộc trò chuyện thú vị!

Giang Trang là ca sĩ Việt hát nhạc cover đầu tiên được Trung tâm Văn hóa Pháp mời biểu diễn, nhưng cô chưa từng nhận mình là “ca sỹ” hay có ý định bước chân vào showbis ồn ào...

Nhưng đêm diễn nào của cô cũng cháy vé, không chỉ giới trí thức trẻ, giới văn nghệ sĩ mê giọng hát của cô, người ta thấy cả các vị đại sứ Pháp, Đức, Mỹ… cũng thường xuyên có mặt trong các buổi biểu diễn. Dù không cùng chung ngôn ngữ nhưng âm nhạc là một cầu nối vô hình kéo con người xích lại gần nhau hơn. Nhạc Trịnh đã làm được điêu đó và  cô gái Hà Nội Giang Trang đã khá thành công khi  khai thác những triết lý, tư tưởng, lòng bác ái vô lượng trong nhạc Trịnh.

Ngồi với cô trong một sáng tháng ba nắng dịu dàng, và nghe cô miên man về cái đẹp, cái thiền và những bản ngã an nhiên khi cô tình cờ đến với thế giới riêng của nhạc Trịnh như một cái duyên hạnh ngộ...