Cô gái 9x thổi hồn vào dòng gốm đỏ trăm năm Mang Thít

(PLVN) - Hồ Thanh Thảo, một cô gái trẻ đến từ Vĩnh Long, đã thổi hồn vào dòng gốm đỏ trăm năm của quê hương bằng những bức tranh tuyệt đẹp. Sản phẩm của Thảo không chỉ là sự sáng tạo nghệ thuật mà còn mang giá trị văn hóa, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống làng nghề gốm đỏ Mang Thít (Vĩnh Long).

Hành trình từ đam mê đến thành công khởi nghiệp

Hồ Thanh Thảo (SN 1994, ngụ TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) là sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm Mỹ thuật tại Trường Đại học Đồng Tháp năm 2017. Sau khi ra trường, Thảo từng trải qua nhiều nghề như dạy vẽ và bán bánh để duy trì đam mê nghệ thuật. Và tình yêu đó được chấp cánh từ khi Thảo bắt đầu tìm hiểu và thử sức với một loại vật liệu từ làng nghề gạch, gốm thuộc di sản đương đại Mang Thít (Vĩnh Long).

Hồ Thanh Thảo trình bày sản phẩm tranh gốm đỏ tại Hội thảo phát triển sản phẩm cho thị trường quà lưu niệm đặc trưng Vĩnh Long.

Thảo cho biết bắt đầu dự án khởi nghiệp của mình vào năm 2020 với mong muốn tạo ra sản phẩm lưu niệm mang đậm bản sắc địa phương. Tận dụng nguồn gốm đỏ Mang Thít nổi tiếng của quê hương, cô thanh niên 9x đã sáng tạo nên những bức tranh với chủ đề phong cảnh, di tích văn hóa và sông nước miệt vườn.

Để vẽ được lên gốm đỏ, trước đó Thảo đã trải qua nhiều lần thất bại. Trong đó, thách thức lớn nhất là việc phải vẽ nhiều lớp màu để đạt được độ sắc nét và tinh tế​. Nhưng chính sự tỉ mỉ đó đã tạo nên sức hút riêng cho tranh gốm của Thảo. Mỗi bức tranh đòi hỏi thời gian và công sức lớn, nhưng thành quả là những sản phẩm mang giá trị nghệ thuật và văn hóa sâu sắc.

“Thời gian đầu tôi vẽ lên gốm hoài không được vì nước sơn bị thẩm thấu. Sau quá trình mày mò nghiên cứu, tôi nảy ra ý nghĩ pha thêm các hoạt chất và vẽ chồng lên nhau để tránh tình trạng trên. Cuối cùng là phủ bóng lại để tạo thêm độ tươi và bền màu”, Thanh Thảo chia sẻ.

Những sản phẩm tranh gốm được bán ra có giá từ 200.000 – 400.000 đồng và được nhiều người đón nhận. Trung bình mỗi ngày Thanh Thảo cho “ra lò” 2 – 3 sản phẩm, tạo ra thu nhập từ 500.000 đến hơn 1 triệu đồng/ngày.

Phát triển nghề thủ công

Chia sẻ thêm vì sao lại lựa chọn gốm đỏ Mang Thít làm nền tranh, Thảo kể đã đi nhiều nơi và mỗi nơi đều có sản phẩm du lịch đặc trưng vùng. Bản thân Thảo rất thích mua những món đó về làm quà tặng. Rồi trong một lần Thảo nảy ra ý định táo bạo “thổi hồn” vào gốm đỏ Mang Thít.

Thảo tận tình dạy nghề vẽ tranh trên gốm đỏ miễn phí cho những người trẻ có cùng đam mê. (ảnh NVCC)

“Tôi tìm hiểu và thấy làng gốm Mang Thít ở quê hương mình nổi tiếng và có từ rất lâu đời. Nhưng nhìn vào ngoại quan thì đó chỉ là sản phẩm gốm nền trơ một màu đỏ, nên tôi nảy ra ý định vẽ lên gốm. Mục đích tạo thêm sự sinh động bởi những họa tiết mang đậm nét hình ảnh của quê hương Vĩnh Long, như: chùa Ông, chùa Bà Thiên Hậu, Văn Thánh Miếu…”, Thảo nói.

Tranh gốm của Thảo không chỉ là một sản phẩm nghệ thuật mà còn mang theo những giá trị xã hội đến mọi người. Cô đã tận dụng tiềm năng của gốm đỏ để tạo việc làm cho các sinh viên, người lao động thất nghiệp…

Với đơn hàng có số lượng từ 10 - 20 sản phẩm, đội ngũ vẽ tranh của tại cơ sở tranh gốm của Thảo sẽ hoàn thành trong thời gian 1- 2 ngày, giúp mỗi lao động có thu nhập từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày. Nhờ sự nỗ lực của mình mà Thảo đã giành giải nhất cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long vào năm 2023.

Có thể nói, đa phần những sản phẩm Thảo làm ra mang rất nhiều yếu tố hình ảnh vùng đất Vĩnh Long để gắn kết nghệ thuật với du lịch. Các sản phẩm tranh của Thảo mang đặc trưng của quê hương, từ các di tích lịch sử đến cảnh sắc thiên nhiên sông nước, tạo nên một dấu ấn văn hóa độc đáo mà không nơi nào có được. Tuy nhiên, nếu khách hàng yêu cầu vẽ chân dung trên nền gốm Thảo vẫn đáp ứng.

Ông Trần Công Khánh - Bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Long cho biết: Sản phẩm của Hồ Thanh Thảo không chỉ đơn thuần thể hiện một bức tranh mà thông qua đó làm nổi bật lên hình ảnh đời sống sinh hoạt, nét lịch sử, văn hóa, con người tại địa phương đến với nhiều người qua sản phẩm nghệ thuật.

“Ở khía cạnh xã hội, Thảo tạo việc làm cho người lao động, sinh viên thông qua vẽ tranh, phục vụ tại điểm sản xuất tranh trên nền là gốm đỏ, đặc biệt góp phần tiêu thụ các sản phẩm từ gốm đỏ của quê hương Vĩnh Long”, ông Khánh cho biết thêm.

Định hướng tương lai và giá trị bền vững

Trong thời gian tới, Thảo dự định hoàn thiện thương hiệu và phát triển sản phẩm đa chất liệu để thu hút thêm sự chú ý của du khách. Cô cũng mong muốn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ thông qua các lớp dạy vẽ tranh trên gốm, qua đó giúp giữ gìn và phát triển “Vương quốc gạch gốm Mang Thít”.

Sản phẩm tranh gốm của Hồ Thanh Thảo (trái) luôn được mọi người đón nhận quan tâm. (ảnh NVCC).

Theo nhiều khách hàng chia sẻ, Thảo không chỉ là người họa sĩ tài năng mà còn là một nhà khởi nghiệp với tình yêu sâu sắc dành cho quê hương. Những bức tranh gốm của cô không chỉ thể hiện giá trị nghệ thuật mà còn chứa tâm huyết trong việc bảo tồn di sản văn hóa truyền thống. Sự sáng tạo và đam mê của Thảo không chỉ mang lại thành công đáng tự hào cho bản thân mà còn góp phần nâng cao giá trị văn hóa của quê hương Vĩnh Long.

Bà M.H (ngụ TP Vĩnh Long) cho biết, bà rất tự hào khi bạn bè đến nhà chơi đều hiếu kỳ về những bình gốm được trang trí trên tường. Những bức tranh được vẽ lên gốm đỏ không chỉ tô điểm thêm cho ngôi nhà mà còn góp phần vào giới thiệu những di tích văn hóa, lịch sử, con người, vùng đất Vĩnh Long đến với bạn bè.

Ấp ủ những dự định trong tương lai, Thảo hướng tới việc xuất khẩu tranh gốm đỏ ra thị trường nước ngoài. Đây là bước tiến quan trọng giúp lan tỏa nghệ thuật và văn hóa Vĩnh Long ra thế giới.

Tin rằng, những tác phẩm tranh gốm đỏ của Hồ Thanh Thảo trong tương lai không chỉ là sản phẩm thương mại, mà còn là cầu nối văn hóa, quảng bá hình ảnh quê hương đến khắp nơi trên thế giới.

Một số ảnh sản phẩm gốm đỏ được “khoác” lên mình màu áo mới.

Đọc thêm