Cô gái tử vong sau truyền dịch tại phòng khám

(PLVN) - Sở y tế TP HCM vừa nhận được cáo báo từ Bệnh viện Thống nhất về vụ việc cô gái tử vong sau truyền dịch tại phòng khám.
Hình ảnh minh họa

Nạn nhân là cô gái 28 tuổi. Chiều 3/7, cô cảm thấy mệt mỏi nên đến một phòng khám đa khoa tại quận Bình Tân (TP HCM) thăm khám. Theo người thân, bệnh nhân được phòng khám này truyền dịch sau đó chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất.

Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong trước khi đến bệnh viện. Thông tin ban đầu, bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết. Bệnh viện Thống Nhất đã có báo cáo cụ thể trường hợp trên đến Sở Y tế TP HCM.

Sở Y tế đang phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Nguy cơ phản ứng khi tự ý truyền cho người bệnh sốt xuất huyết

Nhiều người thấy triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, rã rời, không thể ăn uống, tâm lý hoang mang, lo lắng nên nghĩ đến việc gọi y sĩ về nhà thực hiện truyền dịch. Trong khi đó, hiện tượng người bệnh tự truyền dịch chỉ vì thấy sốt cao, mệt mỏi là rất nguy hiểm, đặc biệt là với bệnh nhân có dấu hiệu sốt xuất huyết. Bởi nguy cơ sốc có thể xảy ra, rất nguy hiểm. Khi đã có biểu hiện sốc, rất khó để có thể cứu sống bệnh nhân.

Ngay cả những trường hợp sốt xuất huyết cần phải nhập viện theo dõi, không phải trường hợp nào bác sĩ cũng sẽ chỉ định truyền dịch. Nếu có truyền, tốc độ truyền cũng phải điều chỉnh khác nhau tùy theo ca bệnh, đặc biệt là ở bệnh nhi.

Trong khi bị sốt xuất huyết, tuy có giai đoạn bị mất dịch (thường 3 ngày đầu) nhưng cũng có giai đoạn cuối xảy ra hiện tượng tái hấp thu dịch, nếu truyền dịch trong thời gian này sẽ gây ra hiện tượng thừa dịch, dẫn đến phù phổi và các biến chứng nguy hiểm.

Việc truyền dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết phải theo đúng phác đồ. Người bệnh không được tự ý truyền nước, đạm, hay máu. Ngay cả với tiểu cầu, bác sĩ cũng ít khi chỉ định truyền, chỉ khi nào mức tiểu cầu hạ thấp dưới 10, hay thậm chí dưới 5, kèm theo dấu hiệu xuất huyết thì bác sĩ mới chỉ định truyền.

Bộ Y tế cũng đã có thông tin cảnh báo người dân vào mùa sốt xuất huyết không nên tự ý truyền dịch không đúng chỉ định nhằm đề phòng những biến chứng nguy hiểm.

Về dịch bệnh sốt xuất huyết, đến nay, TP HCM đã ghi nhận 21.750 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng hơn 181% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính từ ngày 24/6 - 30/6, TP.HCM có thêm 2.428 ca bệnh sốt xuất huyết. Trong tuần cũng ghi nhận 1 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 11 trường hợp.

Nhiều phường, xã có số ca bệnh tăng cao như phường Tân Hưng, Tân Kiểng (quận 7), phường 6 (quận 11), An Phú Đông (quận 12), phường An Lạc, Bình Trị Đông B (quận Bình Tân), xã Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), xã Phước Hiệp và xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi).

Trong tuần 26, toàn thành phố ghi nhận 175 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 98 phường, xã thuộc 19/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức; tăng 1 ổ dịch mới so với tuần 25 (136 ổ dịch).

Đọc thêm