Cô gái Việt tự học ngoại ngữ tìm đường “đào tẩu” về quê

(PLO) - Như PLVN đã đưa tin, giấc mơ đổi đời đã đã đưa chị Lê Thị Nền sang đất Quảng Đông. Trải qua 6 năm sống cuộc đời y hệt cái nền nhà để người khác dẫm đạp lên mình, trải qua những ngày sống nửa mê nửa tỉnh trong trại điên,. chị đã có ngày được trở lại quê hương như một giấc mơ...
Cô gái Việt tự học ngoại ngữ tìm đường “đào tẩu” về quê
Tự kiếm tiền để mua lại chính mình
Biết mình đã bị bán, đường về thì mù tịt nhưng chị Nền vẫn luôn nung nấu ý định bỏ trốn. Chị làm dâu hơn năm rưỡi thì bỗng nhiên một đêm đang ngủ dưới nhà bếp, chị mơ thấy mồn một tiếng đứa con gái nhỏ lúc chị xa quê vừa tròn 5 tuổi kêu bên tai: “Mẹ ơi con đói!”. 
Như có luồng điện chích vào cơ thể, chị vùng dậy chạy, cứ đâm vào màn đêm mà chạy. Cuối cùng chị kiệt sức và rồi cũng phải lủi thủi quay về nhà chồng bởi không ai cho ăn. Từ hôm đó, chị kiệt sức dần, chỉ nằm lì trong nhà suốt ngày. Thân hình gầy nhom, thần kinh hoảng loạn y hệt người điên, chị  sống trong cảnh “nửa tỉnh nửa điên” như thế suốt 7 tháng ròng. 
Hàng xóm khuyên người chồng gần 70 tuổi nên đem chị ra suối vứt đi. May mắn, người chồng còn lương tâm đã không làm thế, chị được đưa đến nhà thương điên điều trị 20 ngày. Bác sĩ cho thêm thuốc uống trong vòng nửa tháng.
Chị Nền và những con chữ tự học để lần tìm đường về quê
Chị Nền và những con chữ tự học để lần tìm đường về quê 
Không còn sợ sệt nữa, chị Nền mạnh dạn lên tiếng đòi quyền lợi cá nhân. Hễ bị la mắng, chị lại bập bẹ mấy câu tiếng Trung, tuyên bố thẳng thừng với chồng: “Ở bên kia (ý nói ở Việt Nam - NV), tao mất 5 triệu để đi làm người giúp việc chứ tao không đi lấy chồng. Mày không được mua tao”. 
Rồi chị xin chồng cho đi xin việc làm với mục tiêu: Có tiền mới chạy trốn được. Lúc đầu, gia đình chồng đã ra sức can ngăn, hù dọa đi làm việc rất vất vả lắm. Nhưng trước sự quyết tâm của chị, ông chồng phải đồng ý. 
Chị Nền được xin vào làm công việc rửa chén bát ở một nhà hàng ở trung tâm huyện. Một tuần chị mới về nhà chồng 1 lần. Tại sao không lợi dụng lúc này để chạy trốn? Chị Nền thở dài cho biết, chủ nhà hàng dù tốt bụng đến mấy cũng chỉ cho miếng ăn chứ không dám chỉ đường cho chị chạy trốn. Theo giao kèo, chủ nhà hàng có nhiệm vụ canh chừng chị Nền, nếu chị muốn đi đâu phải gọi điện về cho chồng xin phép. Nếu nhà hàng làm trái giao kèo sẽ bị gia đình chồng đến đòi người, đòi tiền. 
Có cơ hội ra giao tiếp xã hội, chị Nền mày mò học tiếng bản địa và tích luỹ tiền. Chị đã suy nghĩ kĩ, chỉ có tiền và phải hiểu biết mới chạy trốn được. Làm việc ở nhà hàng ăn uống, chị tranh thủ hỏi han và biết được đường về Việt Nam phải đi theo hướng nọ hướng kia. Nhưng để đi tới đó bằng cách nào thì vẫn chưa biết. 
Chị Nền nhớ mỗi số điện thoại của nhà mình ở Việt Nam nhưng gọi điện thì “ò í e”. Sau này mới biết điện thoại ở nhà đã bị cắt. Chị cũng đã ra bưu điện gửi thư về quê nhà kêu cứu nhưng không hiểu vì sao những lá thư đó không được chuyển đi. “Sau này người ta kể chồng tôi đã ra tận bưu điện đòi hủy thư. Nó khôn lắm”, chị nói.
Quần quật làm việc từ 7h sáng đến 1- 2h sáng hàng ngày suốt gần 2 năm, gom góp số tiền lương quy đổi ra khoảng 800 ngàn VNĐ mỗi tháng gửi vào ngân hàng nhưng chị Nền không hề hay biết chồng mình đã âm thầm khoá tài khoản đó không cho rút. Trước đó chị không có giấy chứng minh nhân dân nên không thể mở tài khoản được, phải dùng thẻ của chồng. Mãi đến khi bà chủ khuyên: “Mày ra ngân hàng mà lấy tiền chứ khá nhiều rồi đó, thằng chồng mày xấu lắm”. Nghe lời, chị ra cây thẻ rút tiền nhưng tiền không thấy đâu vì chủ thẻ đã yêu cầu khóa lại.
Quyết làm rõ trắng đen, chị Nền gọi điện cho chồng đến nơi mình làm việc nói chuyện rõ ràng. Thấy chị làm dữ, người chồng ra ngân hàng rút tiền đem về, tổng cộng được 10 ngàn tệ (khoảng hơn 30 triệu VNĐ). Chị thẳng thắn đề nghị: “Mày mua tao 4 ngàn tệ, nay 10 ngàn tệ này tao không lấy đồng nào cả. Tao dùng số tiền này để mua lại chính tao”. Người chồng không đồng ý. Chị Nền khôn khéo lấy lại tiền, giấu trong chỗ làm.
Kế hoạch đào thoát đúng ngày mồng 2 Tết 
Tiếp tục làm việc tại nhà hàng thêm khoảng 2 năm nữa, chị Nền đã tích luỹ được ít tiền giắt lưng. Nhà bà chủ nơi chị Nền giúp việc có hai đứa nhỏ, đứa học lớp 1 và đứa học lớp 2. Lúc hai đứa trẻ học thuộc bảng cửu chương, nhờ giỏi bảng cửu chương nên chị Nền bày cho hai đứa nhỏ cách học. Đổi lại, chị nhờ bọn trẻ dạy viết tên những địa danh như bến xe trên đường từ Quảng Đông về lại Quảng Tây để ra biên giới về Việt Nam. 
Đó là chặng đường khách tới quán ăn mách lén cho chị. Lịch trình chị Nền thuộc nằm lòng: Từ Gằng Xắn ra Giằng Cóong rồi tới Đông Hưng (Quảng Tây) sẽ có xe “chui” về giáp biên giới Việt Nam.
Tấm vé xe đáng nhớ
Tấm vé xe đáng nhớ
Cầm trên tay tấm giấy xé từ hộp thuốc lá bên Trung Quốc có viết mấy chữ Trung Quốc, chị Nền cho biết đó là chữ 2 đứa cháu của chủ nhà hàng viết giúp mình. Chị trốn được về Việt Nam chính nhờ mảnh giấy đó. Chị kể, sau khi vạch sẵn đường chạy trốn, tối 30 Tết năm 2014, chị kiếm chuyện gây gổ với đứa cháu của ông chồng già người Trung Quốc để rời khỏi nhà mà không bị nghi ngờ.
Hôm đó, chị bỏ đi, ra tới trung tâm huyện nhưng người ta cho biết đã hết xe về Quảng Tây, đành quay về. May mắn nữa, dịp Tết năm đó, con gái chồng ở xa về thăm bố nên mọi người không để ý nhiều đến chị. Sáng mồng 2 Tết, chị Nền thức dậy sớm ra xin chồng cho đi chợ chơi tết. Lúc đi chị không hề mang theo bất cứ vật dụng gì để khỏi bị nghi ngờ.
Ra khỏi nhà, chị đón xe buýt một mạch ra tới Giằng Cóong đúng 9h sáng, nói tiếng bản địa không sành, chị Nền ú ớ cầm tờ giấy ghi địa chỉ do 2 đứa nhỏ cháu bà chủ ghi giúp hỏi đường. Chị ngồi chờ tới 5h chiều mới có chuyến “xe chui” sang Đông Hưng (Quảng Tây). Đi gần tới nơi chiếc xe bị công an kiểm tra, trên xe ai cũng có giấy chứng minh, riêng chị Nền chẳng có giấy tờ gì ngoài tấm hộ chiếu. May mắn đúng dịp lễ Tết, lại gặp anh công an “dễ tính” nên chị Nền được tha. Chị nghe người trên xe cho biết, nếu bị bắt sẽ bị giam 2 tháng mới cho về Việt Nam.
Người phụ nữ chạy trốn cho biết, trên suốt chặng đường không dám hé răng nói câu nào dù toàn người Việt Nam. Trước đó chị được cảnh báo, nếu biết thân phận mình đang bỏ trốn, nhỡ gặp kẻ xấu chị sẽ bị bán nữa, lúc đó không biết bao giờ mới về được.
Nhịn ăn, nhịn tiểu, chị Nền phải… đóng bỉm để “đái dầm”. Sang tới Đông Hưng, đoàn người lại ngồi chờ trời tối rồi cuốc bộ theo đường mòn để xuống bờ sông. Đoàn người trong đó có chị Nền được chuyển lên ghe về Móng Cái. Con sông theo trí nhớ của chị Nền rất ngắn, có thể bơi qua được. Ngồi trên ghe, chân tay chị Nền run cầm cập, chỉ hy vọng nhanh về tới Việt Nam. 
Đúng 1h sáng, đoàn người về tới Móng Cái. Mỗi người tản một đường, chỉ còn chị Nền và 2 người con gái nữa lên xe về Hải Phòng. Xe chạy gần tới Nam Định, chị Nền mới bật khóc kể lại toàn bộ mọi chuyện cho những người trên xe nghe.
Kể đến đâu, nước mắt chị Nền rơi tới đó, chị tâm sự bấy giờ mới tin được mình còn sống. Nghe chuyện ai cũng khâm phục và cảm thương, người góp chút ít tiền giúp chị Nền làm lộ phí. Chủ xe nghe vậy cũng miễn luôn tiền xe. Chủ xe tốt bụng đưa chị về tới Hải Phòng, mua giúp chị vé tàu chạy suốt vào Sài Gòn. 
Hôm đó đã mồng 3 Tết. Lên tàu, đến 5h sáng ngày 5 Tết, chị Nền xuống ga Sài Gòn. Chân tay vẫn chưa hết run. Mò mẫm nhớ từng con đường quê, chị tìm về tới nhà con gái ở xã Vĩnh Lộc B và những giọt nước mắt hạnh phúc cứ thế tuôn trào. Cả khu phố tìm đến chia vui cùng người phụ nữ tự nhận “được sinh ra lần thứ hai”.
Nỗi đau ngày trở về
Hạnh phúc tưởng như đã trở lại với chị Nền, nhưng lúc về nhà, chị mới biết “chồng hờ” đã đưa con gái út của chị về nhà nuôi. Quằn quại nhớ con, ngay sáng 6 Tết năm 2014, chị tìm đến nhà chồng thăm con. Đứa trẻ giờ đã 11 tuổi, không hề biết người phụ nữ đang ngồi chờ đấy là mẹ. Để con không bị sốc, chị xưng hô “chị - em” với con đẻ mà lòng thắt lại. 
Năn nỉ hoài, “chồng hờ” mới đồng ý cho chị Nền đưa con lên nhà chơi. Ngồi trên xe buýt, chị thỏ thẹ hỏi con: “Em có mẹ không”, đứa trẻ đáp “Có”. Chị hỏi tiếp: “Thế mẹ em đâu rồi”, đứa bé lại hồn nhiên trả lời: “Mẹ em đi Mĩ rồi”. Người mẹ tiếp lời: “Thế bây giờ gặp mẹ, em có mừng không”, đứa bé đáp nhanh: “Dạ có”. Thế là chị Nền ôm con vào lòng thú thật mọi chuyện. 
Mẹ con biết nhau nhưng cháu bé vẫn phải sống với bố và mẹ ghẻ. Hàng tuần, chị Nền lại đón xe buýt đi thăm con. Thi thoảng hai mẹ con mới có dịp ôm nhau ngủ trọn đêm. “Giờ tôi chỉ lo tìm việc làm để dành tiền nuôi con bé học hành tử tế”, chị Nền rớm lệ thổ lộ.
Quay trở lại với việc chị Nền bị lừa sang Trung Quốc đem bán, sau khi về Việt Nam, chị đã lên công an trình báo mọi việc. Chị có tìm đến nhà ông Hùng, người đã nhận của mình 5 triệu đồng tiền môi giới nhưng người này đã chuyển đi chỗ khác ở. Chị cho biết, có một số người tự nhận là quen biết với ông Hùng, ông Tư Mạnh (người đã giới thiệu chị Nền với ông Hùng) có tìm đến nhà chị nói chuyện nhưng thực chất là tra khảo thông tin, ghi âm lời chị nói. Những người này nhắc đi nhắc lại không có chuyện lừa gạt chị đem bán.
Thông tin chị Nền thu thập được lúc ở bên Trung Quốc cho thấy, không riêng chị mà ông Hùng từng nhận tiền của rất nhiều người để môi giới sang Trung Quốc làm “người giúp việc”.
Điện thoại sang cảm ơn những người ở Trung Quốc từng giúp đỡ mình, chị Nền được biết thêm có nhóm phụ nữ trẻ cũng vừa sang nhà Vinh ở Xèng Tùng. Chị lo lắng: “Tôi e rằng những người này cũng bị lừa như mình. Tôi muốn chia sẻ câu chuyện của bản thân để mọi người lấy đó làm bài học, nếu bị lừa bán giống như tôi thì suốt đời chịu khổ nơi xứ người”. 
Được biết công an TP.HCM cũng đã lấy lời khai của chị Nền và đang điều tra làm rõ sự việc.
Chính quyền địa phương thờ ơ 
Pháp luật & Thời đại đã tìm đến UBND xã Vĩnh Lộc B, nơi chị Lê Thị Nền cư trú. Lạ rằng, một người vừa chạy trốn từ Trung Quốc về, đằng sau nhiều khả năng tồn tại cả đường dây buôn bán người nhưng chính quyền địa phương vô cùng thờ ơ. Chủ tịch xã trả lời chưa biết vụ việc, chủ tịch Hội phụ nữ xã thì tỏ thái độ bàng quan trước thông tin PV cung cấp. Cán bộ này trả lời không hề hay biết sự việc, sau đó PV muốn phỏng vấn thêm thì tìm cách lánh mặt, đùn đẩy trách nhiệm. 

Đọc thêm