“Cánh cổng mở ra bầu trời”
Đó là nội dung chính trong Hội thảo chuyên đề “Cơ hội, thách thức đối với Đồng Nai sau khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động” được tổ chức vào sáng 30/8 do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cùng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết sân bay Long Thành sau khi đi vào hoạt động, kỳ vọng có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 3 - 5%. Giai đoạn I của dự án đang triển khai xây dựng 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách, 1 đài kiểm soát không lưu và các công trình phụ trợ; công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 109.111 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2026.
Ông Võ Tấn Đức khẳng định: “Để phát huy tối đa hiệu quả của Cảng Long Thành, trong Đồ án Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định lấy Cảng Hàng không quốc tế Long Thành làm trung tâm động lực mới cho phát triển đột phát, phấn đấu đưa Đồng Nai trở thành đầu mối lớn về giao thông và logistics; phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế hàng không; thu hút ngành công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo sớm trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại vào năm 2030. Trong đó dự án sân bay Long Thành chính là cánh cổng mở ra bầu trời để Đồng Nai trở thành trung tâm trung chuyển khu vực, kết nối Đồng Nai với các nước trong khu vực và thế giới”.
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, trong 8 tháng đầu năm, thu hút đầu tư của tỉnh đạt hơn 42.100 tỷ đồng, cao hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 1,089 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chất lượng thu hút đầu tư vẫn chưa đạt được kỳ vọng; động lực chính vẫn từ các ngành công nghiệp thâm dụng nhiều lao động. Thu hút nhiều, nhưng chủ yếu các dự án hỗn hợp, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, sử dụng nhiều lao động phổ thông.
Tận dụng cơ hội để phát triển kinh tế
Tại hội thảo, các đơn vị đã trình bày những tham luận đóng góp ý kiến cho tỉnh Đồng Nai. Trong đó, PGS. TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; Giáo sư, Tiến sĩ Frank Fichert - Đại học Khoa học Ứng dụng Worms (WUAS, Cộng hòa Liên bang Đức); Tiến sĩ Đinh Công Khải - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh chia sẻ về phát triển bền vững cảng hàng không - hợp tác giữa cảng hàng không và các bên liên quan trong khu vực EU, sự thay đổi cấu trúc kinh tế sau khi cảng hàng không đi vào hoạt động, các xu hướng như mục tiêu “net zero”, đổi mới công nghệ, đổi mới lực lượng lao động và thực hiện cuộc cách mạng trải nghiệm hành khách, sẽ là những xu hướng tác động đến cảng hàng không.
Kết luận tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhận định, hiện nay hạ tầng Đông Nam Bộ đang được Chính phủ quan tâm rất nhiều. Với những lợi thế sẵn có kết hợp với đầu tư hạ tầng đồng bộ thì trong 3 năm tới có thể sức hút của vùng sẽ quay trở lại, nhà đầu tư sẽ về nhiều. Đồng Nai hy vọng sẽ đón lấy cơ hội vì với lợi thế là cảng Cái Mép - Thị Vải và sân bay Long Thành đang trở thành một trung tâm mới của vùng Đông Nam Bộ. Đương nhiên Đồng Nai sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ trung tâm này.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị thời gian tới phải triển khai mạnh mẽ các vấn đề như nhân lực để phục vụ sân bay và vùng sân bay. Thứ 2 là về đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối và hoàn thiện với sân bay. Không thể chấp nhận được nếu để Sân bay Quốc tế nằm giữa vùng nông thôn mà hạ tầng giao thông yếu kém thì không cân xứng.
Ông Lĩnh cũng lưu ý, Việt Nam đang trong giai đoạn thực hiện Net Zero vì vậy đưa vào vận hành sân bay là một thử thách lớn do đó cần kiểm soát môi trường chặt chẽ. Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai cần phối hợp với các đơn vị chức năng để giảm thiểu tác động môi trường, để tỉnh Đồng Nai cùng với cả nước hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ đề ra.