“Em cần bao nhiêu?. Loại máu gì?. Chị giới thiệu người cung cấp cho, chị chỉ xin ít tiền uống nước thôi...” - bà chủ quán nước trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy liến thoắng nói khi nghe chúng tôi hỏi về việc cần mua máu truyền cho người nhà.
Chuyện người bán nước trước cổng một bệnh viện kiêm thêm nghề “cò máu” không còn là cá biệt ở TP.HCM và đã “lan” sang đội ngũ chạy xe thồ, bán vé số, thậm chí bán hàng rong. Tình trạng này đã tạo nên một thế giới mua bán máu và một đội ngũ “cò” hùng hậu sẵng sàng cung cấp mọi nguồn máu.
|
“Cò máu” lẫn lộn trong đội ngũ người bán máu. |
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng phần lớn những người sống bằng nghề bán máu rất chuộng việc bán máu qua “cò”, vì vừa được nhiều tiền hơn (do “cò” ép giá người nhà bệnh nhân đang nguy kịch) vừa được “cò” lo giải quyết nhanh các thủ tục. Phương thức hoạt động của đội ngũ “cò máu” cũng muôn hình vạn trạng, không chỉ môi giới mua bán máu mà còn là các dịch vụ cho vay nặng lãi, bán “thần dược tạo hồng cầu”...
Bán máu cũng phải... mua chỗ
Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Truyền máu Huyết học (quận 5, TP.HCM) có khoảng 100 người đến bán máu. Để bán được máu, bắt buộc người bán phải đến thật sớm để xếp hàng. Song, không ít người từ các tỉnh xa đổ về nên họ không thể đến sớm được và thế là dịch vụ “xí chỗ” ra đời. Thế nên, khoảng 3-4h, mấy đứa trẻ bán vé số dạo đã lỉnh kỉnh nào gạch, nào báo... đem tới trước cửa bệnh viện xí chỗ. Thông thường mỗi “người bán chỗ” có thể xí tới 4-5 chỗ, mỗi người mua chỗ phải trả 5.000 đồng.
Đến khoảng 6h, “chợ bán chỗ” tan phiên, nhường “sân” cho những người bán “thần dược tạo hồng cầu” và nước trà đường. Bỏ trong túi áo, túi quần vài chục viên thuốc nhỏ nhỏ màu trắng, mỗi buổi sáng tại Bệnh viện, bà L. có thể kiếm được vài trăm ngàn tiền lời mà không còn phải đổ một giọt mồ hôi. Thuốc có xuất xứ ở đâu, chỉ bà L. biết, nhưng theo quảng cáo của bà, chúng có tác dụng tăng hồng cầu, giúp người bán máu vô tư vượt ải xét nghiệm của bác sĩ.
Còn theo lời giải thích của bà M. bán trà đường, việc uống loại thuốc bí ẩn trên với trà đường nóng không những tăng lượng hồng cầu trong máu mà còn giúp tăng cả lượng máu.
Tin lời những “cò máu” này, hầu hết những người bán máu chuyên nghiệp đều là dân lao động nghèo có trình độ thấp đã dễ dàng bị dụ ngọt.
Vay tiền, trả nợ bằng... máu
Tuy nhiên, những người như bà L., bà M. chỉ làm ăn kiểu “cò con”. Làm ăn “lớn” phải kể đến bà T., bà H. - những người chuyên cho vay nặng lãi.
Trong vai một nữ sinh viên cần tiền nên phải đến bệnh viện để bán máu, chỉ trong giây lát ngơ ngác, tôi đã được bà H. “chăm sóc” tận tình: “Cần tiền hả cháu? Có mang chứng minh thư không?. Cô giúp cho”.
Sau một hồi đon đả đưa tôi đi làm thủ tục, bà H. gợi ý ngay: “Ở đây không lấy được tiền ngay đâu, phải xét nghiệm xong mới được. Còn nếu muốn lấy tiền ngay thì cô đưa cho, rồi bồi dưỡng cho cô chút ít”. Đây là “chiêu bài” quen thuộc của “cò máu” đối với những người bán máu lần đầu, những người không có thẻ hiến máu cũng như “quan hệ”.
Ngồi trong phòng chờ, một người bán máu tên Nga (ở Tây Ninh) góp chuyện: “Tôi từng vay của bà H. 100.000 đồng cho con đóng học phí. Đến ngày bán máu được 470.000 đồng, tui trả vốn lẫn lãi hết gần 300.000 đồng, còn chi tiền xe đi về nữa là gần hết”.
Chị Nga nói thêm: “Nếu ai tránh né, không chịu trả tiền, họ sẽ kêu giang hồ “xử” đẹp”.
Đa phần các tay “cò” cho vay nặng lãi sẽ chọn cách ngồi lẫn trong đám đông người bán máu để canh chừng con nợ cũ và móc nối, xây dựng mạng lưới mới. Một thanh niên không biết chữ, được một “cò” nam áp sát và điền thay mọi thông tin trong phiếu đăng kí. Giữa buổi trưa, người thanh niên này đi theo tay “cò” gặp một số chủ nợ đang ôm giỏ tiền ngồi ở vỉa hè đối diện cổng bệnh viện.
Khi phóng viên ngỏ ý muốn vay tiền của những người kia, anh Định (ở quận 2) cũng đang chờ bán máu, xuống giọng khuyên: “Cô không nên mượn họ. Họ lấy lãi kinh khủng lắm. Tôi cũng đang là con nợ của họ đây”.
Rồi anh tâm sự: “Vừa ra cổng bệnh viện là tiền bán máu phải chia năm xẻ bảy cho chủ nợ, chẳng còn bao nhiêu. Rồi túng thiếu, mượn nợ, bán máu, trả nợ, vòng luẩn quẩn cứ dài dài...”.
Cần phải mạnh tay hơn
Sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy “cò máu” hoạt động khá công khai, tự do. Theo quảng cáo của các “cò”, họ có thể giao tiếp, đi lại với các y tá, bảo vệ của bệnh viện một cách dễ dàng, suôn sẻ.
Trả lời chúng tôi về vấn đề này, Phó Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học - Bác sĩ Trương Thị Kim Dung cho biết: “Việc cò máu hoạt động bên ngoài cổng bệnh viện, chúng tôi rất khó quản lí. Tuy nhiên, nếu phát hiện có sự cấu kết nào giữa nhân viên bệnh viện và “cò máu”, chúng tôi nhất định sẽ xử lí nghiêm theo đúng luật”.
Bác sĩ Dung nhấn mạnh: “Để hạn chế “cò máu”, biện pháp tốt nhất là tăng nguồn hiến máu, vận động toàn dân hiến máu. Khi nguồn máu được cung cấp dồi dào thì người nhà bệnh nhân không phải mua máu ngoài nữa”.
Hiến máu để nhận tiền là hành vi không xấu, không có hại cho sức khỏe nếu người hiến máu thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế và quy định tại các bệnh viện. Tuy vậy, cái xấu sẽ nảy sinh khi có sự nhập cuộc của những người môi giới - đội ngũ “cò máu”. Như trong bài viết này đã nêu, “cò máu” không chỉ ăn những đồng tiền “xương máu” của người bệnh và người bán máu mà còn nghĩ ra đủ mánh để quay nhanh hơn “guồng quay bán máu” như cho vay nặng lãi, bán “thần dược tạo hồng cầu”...
Ai cũng biết khi nguồn hiến máu dồi dào, “cò máu” sẽ hết đất hoạt động. Tuy vậy, trong khi giải pháp hiến máu chưa thu đạt được hiệu quả như mong đợi, đề nghị các ban, ngành y tế của TP.HCM vào cuộc ngay để mạnh tay dẹp bỏ nạn “cò máu” đang gây bức xúc trong dư luận.
T.Thúy