Có nên để tòa huyện xử quyết định của chủ tịch huyện?

(PLO) - Chiều hôm nay (28/5), TAND TC đã trình QH dự án Luật Tố tụng Hành chính (sửa đổi). Theo Dự thảo, thẩm quyền xử lý sẽ được điều chỉnh theo hướng tòa cấp huyên không xử lý quyết định của chủ tịch huyện. Tuy nhiên, UBTP QH lại có ý kiến không đồng tình.
Có nên để tòa huyện xử quyết định của chủ tịch huyện?

Dự thảo Luật Tố tụng Hành chính (TTHC) gồm 22 chương, 340 điều. So với Luật TTHC hiện hành, dự thảo Luật tăng thêm 75 điều, trong đó giữ nguyên 122 điều, sửa đổi, bổ sung 142 điều của Luật tố tụng hành chính hiện hành và bổ sung 76 điều mới.

Một trong những quy định sẽ được sửa đổi trong Dự luật lần này là  Thẩm quyền của Tòa án. Thẩm quyền của Tòa án từng cấp sẽ được sửa đổi để phù hợp với quy định của Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014; 
Đề xuất với QH, Ban soạn thảo đề nghị sẽ điều chỉnh lại thẩm quyền của Toà án từng cấp theo hướng Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương không giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện mà loại khiếu kiện này giao cho Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết. 
Việc quy định như vậy bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong việc giải quyết vụ án vì thực tiễn xét xử thời gian qua cho thấy theo quy định của Luật TTHC hiện hành thì Toà án nhân dân cấp huyện được giao giải quyết các loại khiếu kiện hành chính, trong đó có khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện và đa số là khiếu kiện trong lĩnh vực quản lý đất đai. 
Đây là loại việc khó, phức tạp nên chất lượng giải quyết các khiếu kiện này của Toà án nhân dân cấp huyện còn hạn chế, số vụ án bị huỷ, sửa vẫn còn cao (khoảng từ 4% đến 5%/năm; trong khi đó các loại án khác chỉ khoảng trên dưới 1%/năm); đồng thời từ thực tiễn cho thấy việc giao cho Toà án nhân dân cấp tỉnh giải quyết các loại khiếu kiện này cũng không làm quá tải hoạt động xét xử của Toà án nhân dân cấp tỉnh do hiện nay phần lớn các vụ việc khác (hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại) đã được giao cho Toà án nhân dân cấp huyện giải quyết. 
Nếu giao cho Toà án nhân dân cấp tỉnh giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện thì trung bình mỗi năm Toà án nhân dân cấp tỉnh sẽ giải quyết thêm khoảng 60 vụ/năm.
Tuy nhiên, theo UBTP QH, đa số ý kiến UBTP không tán thành quy định mở rộng thẩm quyền cho TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện như dự thảo Luật. 
Vì quy định này không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp đã nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về mở rộng thẩm quyền cho TAND cấp huyện. Đồng thời, quy định như vậy không đề cao được vai trò, bản lĩnh của đội ngũ Thẩm phán TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trong giải quyết sơ thẩm án hành chính. 
Để giải quyết những vướng mắc cho Tòa án cấp sơ thẩm, dự thảo Luật đã có quy định “Trong trường hợp cần thiết, Tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết khiếu kiện thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện” (điểm g khoản 1 Điều 34).  
Về người tham gia tố tụng, trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật TTHC hiện hành, Dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự để bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.
Theo Dự luật, đương sự có quyền tiếp cận chứng cứ; quyền đề nghị Tòa án tổ chức phiên họp và tham gia phiên họp xem xét việc thụ lý, xác minh, thu thập chứng cứ và giải quyết các yêu cầu khác về tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án; đề nghị những vấn đề cần tranh tụng; tham gia tranh tụng tại phiên toà; đề nghị Toà án tổ chức đối chất và tham gia đối chất với nhau hoặc với người làm chứng.
Dự luật sửa đổi, bổ sung quy định về việc uỷ quyền trong trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức để bảo đảm thực hiện tranh tụng cũng như thời gian giải quyết vụ án hành chính; sửa đổi, bổ sung quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho việc thực hiện tranh tụng cũng như thuận lợi cho các chủ thể tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong các vụ án hành chính...
Ngoài việc sửa đổi một số quy định, Dự thảo đã bổ sung một chương hoàn toàn mới, với 8 điều quy định về xử lý các hành vi cản trở hoạt động TTHC. 
Theo Ban soạn thảo, các quy định này để tạo cơ sở pháp lý cho việc quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền, mức tiền phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính nhằm xử lý nghiêm minh các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng hành chính, giáo dục mọi người chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra, nâng cao uy tín của Toà án, bảo đảm sự tôn nghiêm của Toà án, sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với Toà án, tạo điều kiện để Toà án giải quyết các vụ án hành chính nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật.

Theo chương trình xây dựng Luật của QH, Dự thảo Luật TTHC (sửa đổi) sẽ được đưa ra lấy ý kiến của QH trong kỳ họp này, để tiếp túc hoàn thiện, và thông qua ở kỳ họp sau./.

Đọc thêm