Lộ đường dây vượt biên trái phép từ bộ hồ sơ xin cấp hộ chiếu
Một ngày cuối tháng 9/2013, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (PA72) Công an Đà Nẵng tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu của một người khai tên Nguyễn Thị Xuân (SN 1989, ngụ đường Trần Cao Vân, phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu).
Qua kiểm tra dữ liệu, cán bộ nghiệp vụ phát hiện tờ khai có nhiều mâu thuẫn với thực tế. Số nhà 768 đường Trần Cao Vân ghi trên CMND thuộc địa phận phường Tam Thuận (quận Thanh Khê) chứ không thuộc phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu); số CMND nói trên lại của một người khác đang sống tại Đà Nẵng. Khi cán bộ làm thủ tục yêu cầu cô gái giải thích những mâu thuẫn này, bất ngờ cô gái bỏ đi, để lại tờ khai, ảnh và CMND giả.
Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, PA72 lập tức chuyển toàn bộ những giấy tờ này sang Phòng An ninh Điều tra (PA92) để điều tra. Một tổ trinh sát được cử đi nắm tình hình.
Lần theo manh mối, PA92 đã thu thập nhiều chứng cứ cho thấy có đường dây làm giả giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu thường trú tại Đà Nẵng. Đường dây quy mô khá lớn, hoạt động từ cuối năm 2012, có sự móc nối giữa một số đối tượng tại Đà Nẵng và một số tỉnh phía Bắc để đưa người vượt biên trái phép ra nước ngoài.
“Chân rết” tại Đà Nẵng gồm cặp vợ chồng Nguyễn Thị Anh Chi (SN 1989, ngụ phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) và Nguyễn Thanh Tùng (SN 1990).
Triệu tập hai đối tượng, cặp vợ chồng khai còn có “đầu mối” tên Nguyễn Văn Vinh (SN 1955, ngụ thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) chuyên dụ dỗ người tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đi Hàn Quốc.
“Hội ngộ” tại cơ quan công an, cả ba khai đều nằm đường dây do mẹ của Chi là Trần Thị Minh Cảm (SN 1970, ngụ phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) điều hành. Từ cuối năm 2012, Cảnh đã chỉ đạo cho vợ chồng Chi - Tùng móc nối với Vinh “hợp đồng tác chiến”.
Vinh có nhiệm vụ đi “săn” người có nhu cầu, ra giá từ 6.000- 10.000 USD/ người và đảm bảo “sẽ đặt chân trót lọt lên đất Hàn Quốc”. Vợ chồng Chi – Tùng có nhiệm vụ “hô biến” những người đi nước ngoài chui thành người Đà Nẵng với CMND làm giả. Những người xuát ngoại chui sẽ đến PA72 làm hộ chiếu xuất cảnh ra nước ngoài theo đường du lịch.
Điểm mấu chốt quan trọng bậc nhất, Chi - Tùng còn phải “hoàn thiện” hàng loạt các loại giấy tờ giả khác như giấy phép kinh doanh, giấy chứng minh năng lực tài chính, sổ đỏ, sổ tiết kiệm…
Để có thể lập sổ tiết kiệm “ảo” và chứng minh số dư trong tài khoản ngân hàng, các đối tượng phải thông qua các “cò” để được “vay ảo”. Từ những giấy tờ giả trên, chúng hoàn thiện hồ sơ thông qua Công ty du lịch Vietravel (58, đường Pasteur, Đà Nẵng). Cuối cùng đến khâu Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cấp visa.
“Ê kíp” này đã đưa trót lọt hàng chục người vượt biên trái phép ra nước ngoài. Mỗi một bộ hồ sơ, trừ đi các chi phí, Vinh hưởng 500 - 1.000USD, Cảm 1.000 USD, vợ chồng Chi – Tùng khoảng 2.000 USD.
Quá khứ xuất ngoại “chui” lấy kinh nghiệm vượt biên trái phép
Vợ chồng Chi – Tùng mới cưới, còn khá trẻ. Tùng chỉ học hết lớp 10 rồi ở nhà ăn chơi lêu lổng, cho đến khi lập gia đình vẫn không có công ăn việc làm. Chi từ nhỏ đến lớn đều sống dựa vào chu cấp của mẹ. Bắt đầu từ cuối năm 2012, được mẹ gợi ý rồi “cầm tay chỉ việc”, hai vợ chồng tính chuyện “làm ăn” phi pháp.
Nói về “bà trùm” Cảm, trước đây kinh tế gia đình khó khăn, nghề buôn bán rau củ ở chợ không đủ sống nên Cảm để lại chồng con, nhờ một trung tâm có trụ sở tại Hà Nội làm thủ tục xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Năm 2008, do vi phạm pháp luật nước sở tại nên Cảm bị trục xuất.
Về nước, Cảm quay trở lại trung tâm môi giới lấy lại tiền nhưng không được. Cảm nhờ một người quen thông qua giới thiệu để xuất ngoại trái phép sang Hàn Quốc. Có CMND mang tên người khác, hiểu thông thạo quy trình, sang Hàn Quốc lao động trót lọt, nhận thấy nhu cầu người Việt Nam ra nước ngoài lao động khá nhiều, Cảm về Việt Nam hướng dẫn vợ chồng con gái cùng tham gia. Để tìm nguồn hàng, Cảm nhờ Vinh vì có ưu thế “người địa phương” lại dẻo miệng, khá lọc lõi.
Đại tá Trương Văn Thanh, Trưởng phòng PA92 cho biết các trinh sát đã mất gần hai tháng, vừa đóng giả người có nhu cầu, vừa liên tục di chuyển nhiều địa phương, áp dụng các biện pháp công nghệ cao để xác minh cụ thể thủ đoạn của từng đối tượng.
Về quy trình làm giấy tờ giả, khi có “đơn đặt hàng”, Chi – Tùng mượn sổ hộ khẩu của người địa phương rồi sao chép chứng thực, xin mẫu đơn cấp lại CMND nhưng dán ảnh đối tượng có nhu cầu vào để đóng dấu giáp lai.Vậy là tất cả các công đoạn trong quá trình xét cấp lại CMND đã bị “qua mặt”. Cũng có vài trường hợp chúng kiếm một CMDN hợp lệ rồi bóc tách, dán ảnh người khác vào. Với Sổ hộ khẩu, chúng có thể làm giả.
Công an xác định trong số những người được đường dây này đưa đi nước ngoài “chui”, vẫn còn hơn 10 người đang trốn lại Hàn Quốc. Những người này đã bị cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) hủy hộ chiếu. Với một số đối tượng đã làm giả CMND nhằm xuất cảnh ra nước ngoài thông qua con đường du lịch nhưng chưa đi được, công an đang giữ các bản khai đầy đủ thông tin, tên tuổi. PA92 cũng đề nghị những người này tự giác đến giao nộp lại các loại giấy tờ đã được làm giả, tránh hệ lụy về sau.
Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố bắt tạm giam Tùng, Vinh về hành vi “Tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Đối tượng Chi do đang mang thai nên đang chờ hướng xử lý. Còn đối tượng Cảm dù đã bỏ trốn sang Hàn Quốc, cũng bị khởi tố cùng tội danh nêu trên, làm thủ tục ra quyết định truy nã.
Vụ việc còn có sự tiếp tay của một số người đang giữ các chức vụ quan trong trong cơ quan Nhà nước, PA92 đang tiếp tục mở rộng điều tra. Về những giấy tờ làm giả khác như chứng minh năng lực tài chính, sổ tiết kiệm, công an đang phối hợp làm rõ có hay không việc thông đồng, quản lý lỏng lẻo tại một số doanh nghiệp, ngân hàng.