Theo kế hoạch đã được phê duyệt, BSR sẽ thực hiện chào bán lần đầu cổ phiếu ra công chúng (IPO) trong Quý 4/2017. Trong đợt IPO này, BSR dự kiến chào bán từ 5-6%, phần còn lại chào bán cho các nhà đầu tư định danh và các nhà đầu tư chiến lược.
Giải thích về tỷ lệ chào bán 5-6%, ông Nguyên cho biết BSR và các nhà tư vấn đã xem xét, cân nhắc tỷ lệ chào bán. Tỷ lệ này phụ thuộc và độ hấp thụ của thị trường trong năm nay. Và với giá trị của BSR rất lớn thì với tỷ lệ này thì giá trị chào bán cũng đã là rất lớn.
Ông Nguyên cũng cho biết, là công ty có quy mô vốn lớn, nên việc thực hiện chào bán cổ phiếu của BSR sẽ chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, Công ty sẽ tiến hành chuyển đổi thành công ty cổ phần và thực hiện chào bán cho cán bộ nhân viên và IPO, hoàn thành trong năm 2017; Giai đoạn 2, Công ty sẽ hoàn tất việc chào bán cho nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược trong vòng 12 tháng kể từ khi BSR trở thành công ty cổ phần.
Cũng theo Tổng Giám đốc BSR, hiện BSR đã định giá xong (khoảng 3 tỷ USD), kiểm toán cũng đã xong, sẽ báo cáo Tập đoàn và Bộ công thương, dự kiến trong tháng 6 sẽ trình phương án cổ phần hóa, tới tháng 7-8 sẽ được phê duyệt .
Được biết, BSR cũng đã chọn tư vấn để triển khai phương án thoái vốn tại 3 đơn vị mà BSR góp vốn để có cơ sở thực hiện xong trong năm 2017 phù hợp quy định đảm bảo hiệu quả thu hồi vốn đầu tư trong việc thoái vốn của BSR tại PV Building, PMS, PVOS theo phê duyệt của Tập đoàn về tái cấu trúc. Cụ thể, với PV Building, tỷ lệ vốn BSR đang nắm giữ là 83,26%, sau thoái vốn, tỷ lệ BSR nắm giữ là 51%; Với PMS và PVOS, tỷ lệ vốn BSR đang nắm giữ lần lượt là 8,75% và 5,56%, sau thoái vốn, tỷ lệ BSR nắm giữ là 0%; Thời gian phải hoàn thành thoái vốn là 31/12/2017.
Không tiết lộ danh tính các nhà đầu tư quan tâm đến BSR, song Tổng giám đốc BSR khẳng định: “Việc tìm kiếm và lựa chon nhà đầu tư chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng với BSR. Đó sẽ là các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính vững mạnh, có kinh nghiệm trong lĩnh vực lọc - hóa dầu và cam kết đồng hành lâu dài để hỗ trợ BSR nâng cấp, mở rộng nhà máy, mở rộng thị trường...”-
Lãnh đạo BSR cũng rất tự tin về kết quả IPO bởi các chỉ số tài chính của BSR rất tốt từ năm 2013 đến nay.
Đến thời điểm hiện tại, giá trị nộp ngân sách Nhà nước của BSR đã gấp đôi so với tổng mức đầu tư Nhà máy (khoảng 3 tỷ USD. Đặc biệt các chỉ số về tỷ suất sinh lợi ở thời điểm 4 tháng đầu năm (chưa phải là số toàn năm 2017) là rất tích cực: Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn đầu tư của chủ sở hữu (ROE) đạt 8,67 %;Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản (ROA) đạt 4,81 %; Hệ số bảo toàn vốn là 1,091 (>1 thể hiện việc bảo toàn và phát triển vốn); Riêng trong năm tháng đầu năm 2017, doanh thu của đơn vị này đạt 35.000 tỷ đồng, vượt 18% so với kế hoạch; lợi nhuận vượt kế hoạch 1.600 tỷ đồng do Tập đoàn PVN giao….
Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch HĐQT BSR, ông Nguyễn Hoài Giang cho rằng việc cổ phần hóa BSR vào thời điểm này được ví như “nhà lữ hành lỡ chuyến tàu”. Một loạt khó khăn so với thời điểm cách đây 4-5 năm được ông Giang chỉ ra, đó là nợ công tăng nhanh, những bê bối trong ngành dầu khí đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin nhà đầu tư cũng như giá dầu thô xuống cũng tác động tiêu cực đến việc cổ phần hóa BSR, Tuy nhiên” muộn còn hơn không”, BSR đã sẵn sàng, luôn luôn sẵn sàng để không còn là “người lữ hành trễ hẹn”…