“Có tiếng người trong gió” và những ám ảnh

(PLO) - Tác phẩm mới nhất của nhà văn trẻ Nguyễn Xuân Thủy (ảnh) “Có tiếng người trong gió” đã chạm đến tận cùng của nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau của người đọc. Ba cuốn tiểu thuyết, mỗi cuốn một phong cách, một đề tài và dường như đều trút hết toàn bộ “vốn liếng” vào mỗi cuốn, hiện tại Nguyễn Xuân Thủy đang nổi lên là một nhà văn trẻ có bút lực dồi dào, mạnh mẽ.
“Có tiếng người trong gió” và những ám ảnh

1. Đã là tiểu thuyết thứ tư của Nguyễn Xuân Thủy (sau “Biển xanh màu lá”, “Sát thủ online”, “Nhắm mắt nhìn trời”). “Có tiếng người trong gió” như một băn khoăn về nhân tính, một rùng mình về cái ác, một tiếng kêu về thiên lương. Cuốn sách viết về một tổ chuyên án đã phải rất nhọc công để điều tra, khám phá ra một mảng tối của thế giới tội phạm - lại là tội phạm xuyên quốc gia, đó là mua bán, kinh doanh nội tạng người.

Nhưng tiểu thuyết không triển khai theo hướng một câu chuyện vụ án thông thường mà người đọc ngay lập tức bị hút vào chuyện một người mẹ đi tìm con. Tại sao lại có chuyện mẹ đi tìm con? Tại sao đứa con đó lại mất tích? Nếu nó còn sống thì đã là một chàng trai 16 tuổi, và hiện giờ nó ở đâu? Người mẹ ấy vì sao phải bước chân qua biên giới để tìm lại máu mủ ruột rà của mình nơi xứ người? Tại sao công cuộc tìm kiếm dài dằng dặc ấy vẫn không có kết quả? 

Đó là chuyện của linh hồn các chàng trai trẻ vốn được nuôi dưỡng trong một địa danh có tên là Tuyết Sơn Thạch. Tại sao lại là và chỉ là linh hồn của các chàng trai trẻ? Bởi họ được nuôi dưỡng đến độ tuổi đẹp nhất của đời người thì các bộ phận trong cơ thể đã lần lượt được lấy đi để phục vụ cho những ý đồ phi nhân tính, nên những thể xác ở độ tuổi đôi mươi sẽ mãi mãi dừng lại, chấm dứt sự sống ở đây, chính thức kết thúc kiếp làm người. Từ câu chuyện của các linh hồn này, người đọc lần lượt đối diện những trang văn ám ảnh nhất của tiểu thuyết. Các linh hồn kể về việc họ từ những đứa trẻ bị bắt cóc ở các bệnh viện, nhà ga, bến tàu… được đưa về đây, nuôi dưỡng như những “con vật đặc biệt”, để rồi bị lấy đi nội tạng và chết một cách oan khuất dưới dao mổ của đồng loại, mà không biết vì sao mình lại… chết!

Đến đây, tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Thủy bắt đầu kích thích khả năng nhận thức của bạn đọc để gợi lên những mơ hồ suy đoán. Đứa trẻ bị bắt cóc năm xưa của người mẹ đang đi tìm con ở tuyến truyện thứ nhất kia là ai trong số những thanh niên bị bắt vào Tuyết Sơn Thạch này? Đứa bé đó đang là một linh hồn kể chuyện cho chúng ta nghe hay còn là một thân xác đang bị cắt cứa hàng ngày để lấy đi từng phần nội tạng? 

2.Những ai đang tự hỏi: “Con người có thể ác đến đâu? Những ai có thể ác? Liệu con người, sau những bước tiến dài của sự phát triển, có hướng đến sự tiến bộ nhân văn hay vẫn chỉ là những cạnh tranh hủy diệt và sát phạt lẫn nhau được chuyển đổi về mặt hình thức?” có thể tìm thấy câu trả lời khá xác đáng trong cuốn tiểu thuyết tâm lý hình sự đầy hồi hộp này.

Cuốn sách phơi mở mênh mông sâu thẳm những thân phận khổ đau - nạn nhân của thứ mà các nhà nhân quyền gọi là tội ác chống lại nhân loại… Càng rút ngắn cự li tiếp cận, dấn nhập với bề bộn ngổn ngang đời thì biên độ trí tưởng tượng của tác giả càng được nới giãn, logic nghệ thuật càng tương thích với logic cuộc sống, và hoạt lực, sự tự nhiên của ngòi bút trở nên vô bờ bến.

Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa tâm đắc với những đối thoại tư tưởng mà cuốn sách của Nguyễn Xuân Thủy đã khơi vẫy được. Theo đó, cái ác không chỉ là hệ quả hồn nhiên của những vô minh bản năng mà còn là chủ đích lựa chọn rồi được lập trình, trình diễn hoàn hảo đến bài bản bởi những trí thức giang hồ, và thường được trợ sức đặc lực bởi siêu công nghệ. Phải chăng loài người càng đi gần về phía văn minh thì càng đánh mất nhân tính?