Gia đình cho biết, bệnh nhân đi mưa về sốt nhẹ nên đã tự mua thuốc uống tại nhà. Tuy nhiên hai ngày sau, anh sốt liên tục, uống thuốc hạ sốt không dứt cơn, kèm theo ho và đau tức ngực. Bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh khám.
Kết quả xét nghiệm sàng lọc Covid-19 âm tính, song diễn biến tình trạng bệnh ngày càng xấu đi. Người bệnh sốt cao 40 độ C, suy giảm nặng chức năng trao đổi khí ở phổi.
Bác sĩ chụp cắt lớp vi tính phổi kiểm tra, chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi nặng, biến chứng ARDS (suy hô hấp cấp tiến triển), nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, hình ảnh chụp ngực tổn thương mờ lan tỏa toàn bộ phổi hai bên, trắng hoàn toàn.
Các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp bệnh lý cấp tính diễn biến phức tạp, tiên lượng nặng, đe dọa sự sống, chức năng hô hấp suy giảm nghiêm trọng không thể đáp ứng được nhu cầu cung cấp oxy và thải CO2 cho cơ thể. Kíp bác sĩ khoa Hồi sức tích cực quyết định can thiệp bằng ECMO (oxy hóa máu ngoài cơ thể), kết hợp thở máy, lọc máu liên tục, thuốc vận mạch, trợ tim, kháng sinh phối hợp.
Sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân có nhiều chuyển biến khả quan, chức năng phổi hồi phục tốt, đảm bảo thông khí và oxy hóa máu. Anh được dừng chạy ECMO, ngừng lọc máu, ngừng thở máy và rút ống nội khí quản.
Ngày 13/5, bệnh nhân tự thở tốt, không còn đau tức ngực, không khó thở, hết sốt, ăn uống sinh hoạt, đi lại bình thường.
Bác sĩ Hà Mạnh Hùng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, nhận định trường hợp bệnh nhân diễn biến bệnh rất nhanh và phức tạp. ECMO là phương án cuối cùng để có thể cứu sống được người bệnh có nguy cơ tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo nhiều trường hợp có triệu chứng lâm sàng ban đầu đơn giản, chỉ là triệu chứng cảm sốt thông thường như mệt mỏi, đau nhức người, sốt nhẹ... hơn nữa lại ở người không có bệnh nền, sức khỏe tốt nên càng dễ chủ quan, coi nhẹ. Tình trạng viêm phổi nặng biến chứng ARDS diễn biến rất nhanh và nguy hiểm, chỉ trong thời gian ngắn đã suy hô hấp, nhiễm trùng nặng, suy đa tạng.
Người bệnh khi có dấu hiệu bệnh bất thường như khó thở, tức ngực, sốt cao li bì không dứt, phải đến các cơ sở y tế để thăm khám và phát hiện kịp thời.