“Con” của “đại gia” khoáng sản Việt sắp hầu toà vì nợ

(PLO) - Được biết đến là một trong những công ty khai mỏ tư nhân “đại gia” ở phía Bắc, tuy nhiên Cty Cổ phần khai thác chế biến khoáng sản Việt (VMPCO) lại đang bị kiện ra Toà vì chây ì trả nợ.
Khung cảnh hoang phế tại cơ sở sản xuất của Cty khoáng sản Hà Nội –
Điện Biên
Khung cảnh hoang phế tại cơ sở sản xuất của Cty khoáng sản Hà Nội – Điện Biên

Nợ không trả

Trao đổi với PLVN cuối tuần qua, bà Nguyễn Thị Thương, Chánh án TAND huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên xác nhận, ngày 12/8/2016 TAND huyện này thụ lý vụ án tranh chấp hợp đồng thi công xây lắp, hợp đồng thuê máy móc thiết bị, hợp đồng vận chuyển tài sản giữa nguyên đơn là Cty TNHH MTV đầu tư xây dựng và thương mại Tiên Phong Vina (Cty Tiên Phong Vina) và bị đơn là Cty TNHH tài nguyên và khoáng sản Hà Nội – Điện Biên (Cty Khoáng sản Hà Nội-Điện Biên). Toà án đã 2 lần hòa giải nhưng bị đơn đều vắng mặt nên TAND huyện Tuần Giáo quyết định đưa ra xét xử vào ngày 28/11 tới.

Cty Tiên Phong Vina trong hai năm 2013 – 2014 đã thực hiện các hạng mục thi công xây lắp, vận chuyển quặng thô, cho thuê ô tô, máy thiết bị với chủ đầu tư là Cty Khoáng sản Hà Nội - Điện Biên tại bản Nậm Bay, xã Nà Tòng, huyện Tuần Giáo.

“Mặc dù 2 bên đã ký biên bản đối chiếu công nợ với nhau từ tháng 2/2015 nhưng gần 2 năm nay Cty Khoáng sản Hà Nội-Điện Biên cố tình chây ỳ khiến cty chúng tôi gặp vô vàn khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Cực chẳng đã, công ty chúng tôi phải khởi kiện Cty Khoáng sản Hà Nội-Điện Biên ra tòa án để được giải quyết quyền lợi chính đáng theo đúng pháp luât”- Giám đốc Cty Tiên Phong Vina cho biết.   

Theo đơn khởi kiện, tính đến ngày 30/6/2016 Cty Khoáng sản Hà Nội-Điện Biên còn nợ Cty Tiên Phong Vina tổng cộng 23,3 tỷ đồng, trong đó tiền gốc là 19 tỷ đồng (làm tròn-PV) và tiền lãi chủ đầu tư phải trả tính từ ngày 31/12/2014 đến ngày 30/6/2016 là 4,2 tỷ đồng. 

“Uẩn khúc” chuyển chủ

Từ Tuần Giáo, vượt hàng chục cây số đường miền núi quanh co lên bản Nậm Bay, xã Nà Tòng, nơi đặt trụ sở Cty khoáng sản Hà Nội – Điện Biên, đập vào mắt chúng tôi là một quang cảnh hoang phế, các hạng mục trạm cân, nhà xưởng xuống cấp, sót lại một vài dây chuyền máy móc hoen rỉ, cỏ dại um tùm. 

Tại khu văn phòng, một toán thợ của một công ty cầu đường đã tận dụng không gian để làm nơi tá túc. Người quản lý đội công nhân làm đường cho biết, nhà máy này ngưng hoạt động từ lâu, thiết bị máy móc đã được đưa đi chỗ khác, cán bộ quản lý cũng đã rút hẳn về xuôi. “Trên này giờ họ chỉ để lại có 3 bảo vệ”- người này cho biết.      

Qua tìm hiểu PLVN được biết, Cty khoáng sản Hà Nội-Điện Biên thuộc sở hữu của Cty Cổ phần khai thác chế biến khoáng sản Việt (Cty Khoáng sản Việt -PV). Được biết đến là một trong những “đại gia” khai thác mỏ ở phía Bắc, Cty Khoáng sản Việt đang sở hữu 40 mỏ quặng lớn với mạng lưới 25 Cty thành viên. Cty có cổ đông sáng lập là Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang. Trong đó, Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam (tiền thân của TNG Holdings) đang nắm giữ 55% vốn điều lệ. 

Theo Điều lệ Cty khoáng sản Hà Nội-Điện Biên, chủ sở hữu là Cty Khoáng sản Việt sẽ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của Cty Khoáng sản Hà Nội-Điện Biên trong phạm vi số vốn điều lệ. Chủ sở hữu cty chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác; trường hợp rút một phần hoặc toàn bộ vốn đã góp ra khỏi cty dưới hình thức khác thì chủ sở hữu sẽ liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của cty. 

Một nguồn tin cho hay, hiện Cty Khoáng sản Việt đang xúc tiến việc chuyển nhượng cổ phần và các Cty thành viên cho chủ đầu tư mới. Theo đó, các hồ sơ kỹ thuật, kế toán, con dấu, đăng ký kinh doanh của cty thành viên như Cty Khoáng sản Hà Nội-Điện Biên cũng được cho là đã bàn giao chủ sở hữu để làm thủ tục chuyển nhượng. 

Tình tiết này khiến phía nguyên đơn lo lắng và đã có đơn đề nghị Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.  

Đọc thêm