Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, như bất kỳ thỏa thuận đa phương nào, khi phạm vi bao phủ của TPP càng lớn, tác động sẽ càng nhiều. Tác động đó tùy thuộc vào lộ trình, phương thức hội nhập cũng như cách thức đón nhận cơ hội và hạn chế thách thức mà TPP mang lại đối với từng nước.
TPP - Hiệp định chất lượng cao và toàn diện
TPP là một hiệp định thương mại tự do đa phương theo cơ chế mở, bao gồm các vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và những lĩnh vực phi thương mại. Theo ước tính, sau khi có hiệu lực, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 800 triệu dân, chiếm tới 40% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu và chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu. Điều đó cho thấy tác động của TPP đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế các nước thành viên nói riêng là rất lớn.
Đàm phán TPP đã trở thành quá trình đàm phán kéo dài và cam go nhất trong lịch sử thương mại khu vực và thế giới. Đạt được thỏa thuận về TPP là một kỳ tích vì Hiệp định này đề ra những tiêu chuẩn rất cao, nhiều tham vọng, cả về thương mại, kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động. Đặc biệt, TPP sẽ dỡ bỏ sâu các rào cản thuế quan, trong đó nhiều loại thuế sẽ giảm xuống gần như bằng 0%, đồng thời khơi thông các dòng vốn đầu tư giữa 12 nước thành viên.
Hiệp định cũng sẽ giúp hình thành một không gian kết nối hai đầu Thái Bình Dương giữa Bắc Mỹ và Đông Á. Đây hiện là khu vực kinh tế năng động nhất với sự có mặt của các nền kinh tế hàng đầu thế giới và các nền kinh tế năng động nhất khu vực. Theo tính toán, trong vòng 10 năm nữa, TPP sẽ tạo ra mỗi năm thêm 1% GDP toàn cầu.
Trong bối cảnh Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bắt đầu cho thấy phần nào hạn chế bắt nguồn từ việc số lượng thành viên quá đông nên khó đạt được các quyết định đồng thuận, TPP đang nổi lên như một cơ chế đa phương thiết thực và hứa hẹn hơn. Một khi có hiệu lực, TPP không chỉ tạo ra một sân chơi mới cho các nền kinh tế khu vực mà còn góp phần định hình cấu trúc kinh tế - thương mại và đầu tư của châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai.
|
Đối với Mỹ, TPP được thông qua sẽ mang lại cho các DN Mỹ, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường châu Á – Thái Bình Dương đầy tiềm năng. Các DN nhỏ là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng việc làm cho người dân Mỹ, hiện có tới 98% các DN xuất khẩu của Mỹ là các DN vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, các DN này thường phải đối mặt với các rào cản thương mại khiến họ không thể tiếp cận được thị trường nước ngoài. Điều này có nghĩa là tiềm năng xuất khẩu của các DN nhỏ của Mỹ là rất lớn và khi nút thắt này được tháo gỡ, các DN Mỹ sẽ có cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra thị trường rộng lớn với khoảng 95% người tiêu dùng toàn cầu.
TPP sẽ giúp tháo gỡ các rào cản thương mại vốn gây nhiều khó khăn cho các DN nhỏ của Mỹ như việc đánh thuế cao, thủ tục giấy tờ phức tạp… TPP cũng sẽ giúp hàng hóa của các DN nhỏ của Mỹ được dễ dàng lưu thông, vận chuyển với chi phí thấp hơn, tạo cơ chế thủ tục minh bạch, hiệu quả cho hàng hóa được xuất khẩu nhanh chóng.
Bên cạnh đó, TPP sẽ giúp xóa bỏ hơn 18.000 loại thuế khác nhau mà các nước thành viên đang áp dụng lên các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ như các mặt hàng thiết bị máy móc, các mặt hàng nông sản, ô tô, các sản phẩm khoa học công nghệ truyền thông thông tin… TPP cũng sẽ giúp giảm thiểu các quy định để thúc đẩy thương mại dựa trên internet, một trong những trụ cột tạo nên vị thế của Mỹ, đồng thời là một trong những cơ hội lớn nhất cho sự phát triển của thế giới.
Tuy nhiên, TPP cũng vấp phải không ít sự chỉ trích. Các nghiệp đoàn thương mại và những người chỉ trích cho rằng thỏa thuận này sẽ buộc người lao động Mỹ phải đương đầu với sự cạnh tranh từ nước ngoài và bị mất việc làm, làm giảm các tiêu chuẩn về môi trường, đồng thời làm tăng giá thuốc.
Với Nhật Bản, tham gia một cấu trúc khu vực quan trọng như TPP sẽ giúp ngành chế tạo ô tô và phụ tùng ô tô Nhật Bản được lợi nhiều nhất bởi họ được hưởng thuế quan thấp hơn khi xuất khẩu sang Mỹ, vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ô tô Nhật Bản.
Tuy nhiên, Nhật Bản bị buộc phải giảm bớt một số hình thức bảo hộ cho nông dân trồng lúa, như lượng gạo nhập khẩu được miễn thuế phải tương đương 1% tổng số gạo mà nước này tiêu thụ. Nông dân nuôi gia súc có thể sẽ bị tác động nặng nề hơn cả khi mà thuế nhập khẩu thịt bò vào Nhật Bản trong 16 năm tới sẽ được từng bước giảm xuống còn 9% so với mức hiện nay là 38,5%, trong khi thuế nhập khẩu thịt lợn cũng sẽ giảm đáng kể.
Trong trường hợp của Canada, nước có mức độ bảo hộ khá cao đối với hai ngành công nghiệp xương sống là nông nghiệp và ô tô, những tác động ban đầu của việc tham gia TPP có thể sẽ nhiều hơn các nước khác. Canada sẽ phải mở cửa thị trường theo lộ trình cho các sản phẩm có tính cạnh tranh rất cao từ các nước trong nhóm, nhất là ô tô của Nhật Bản, bơ và phomát từ New Zealand, những mặt hàng cạnh tranh mạnh từ thị trường láng giềng Mỹ.
Trước hết, Canada sẽ phải cắt giảm hoặc dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan đối với một loạt mặt hàng từ rau quả, thịt, rượu, đồ uống có gas, dầu calona, lúa mạch, máy móc, lâm sản và khoáng sản. Việc cắt giảm này sẽ giúp các nhà sản xuất của Canada tăng mạnh sản lượng xuất khẩu sang các nước thành viên. Ngoài ra, nhiều linh kiện ô tô của nước ngoài sẽ vào thị trường Canada, làm lợi cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng nhưng lại ảnh hưởng đến việc làm của người lao động trong ngành này.
Với Australia, thỏa thuận này sẽ buộc nước này phải dỡ bỏ những khoản thuế nhập khẩu tổng trị giá khoảng 9 tỷ USD. Tuy nhiên, Australia sẽ được tiếp cận thị trường đường của Mỹ, trong khi Nhật Bản cũng sẽ giảm thuế đối với sản phẩm đến từ xứ sở chuột túi. Các sản phẩm hải sản và rau quả sẽ được hưởng mức thuế xuất khẩu thấp hơn, trong khi gạo và ngũ cốc sẽ được hưởng hạn ngạch xuất khẩu ưu đãi. Thuế quan thấp hơn đối với mọi mặt hàng từ sắt thép tới dược phẩm, máy móc, giấy và phụ tùng ô tô sẽ làm lợi cho các nhà sản xuất Australia.
Với New Zealand, có tới 93% khối lượng hàng hóa giao dịch của New Zealand với các nước đối tác TPP sẽ được giảm thuế, giúp nước này hàng năm tiết kiệm được khoảng 259 triệu đô la New Zealand. Ngành sữa chiếm khoảng 1/4 lượng hàng xuất khẩu, sẽ tiết kiệm được khoảng 102 triệu đô la New Zealand mỗi năm. Thuế quan đối với tất cả các mặt hàng xuất khẩu khác của New Zealand như hoa quả, hải sản, rượu, thịt bò và thịt cừu cũng sẽ được hạ xuống mức bằng 0.
Với Mexico, Phòng Thương mại Mexico - Mỹ (CACM) dự báo với TPP, kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ 2 Mỹ Latinh sẽ tăng thêm 150 tỷ USD trong 5 năm tới, chủ yếu ở các lĩnh vực chế tạo xe hơi, điện tử, hóa chất, sản xuất thép...
TPP sẽ giúp các DN Mexico có điều kiện mở rộng hoạt động tới các nước như Australia, Brunei, Malaysia, New Zealand, Singapore và Việt Nam, hiện là những thị trường tiềm năng và phát triển năng động nhất trong vòng ít nhất 25 năm tới.
Ngoài ra, TPP sẽ mang lại thời cơ mới nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghệ hàng đầu nhờ luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào ngay sau khi TPP có hiệu lực, và đưa các DN vừa và nhỏ tham gia vào dây chuyền sản xuất mới, phục vụ cho thị trường mới. TPP cũng sẽ củng cố dây chuyền sản xuất Mexico - Mỹ - Canada và góp phần tích cực biến Bắc Mỹ thành khu vực có tính cạnh tranh cao nhất trên thế giới.
Peru có quyền lợi quốc gia sẽ được bảo đảm và các sản phẩm xuất khẩu truyền thống của nước này như hải sản, nông phẩm, bông… sẽ càng có cơ hội để tiếp cận một thị trường tiêu dùng lớn. Ngoài ra, TPP sẽ góp phần thúc đẩy Peru mở cửa thị trường nhiều hơn nữa với bên ngoài, tạo thêm công ăn việc làm và giảm đói nghèo.
Bà Silvia Hooker, Giám đốc phụ trách ngoại thương của Hiệp hội Công nghiệp quốc gia Peru bày tỏ, với TPP, các sản phẩm của nước này có cơ hội thâm nhập các thị trường mà Lima chưa có thỏa thuận thương mại như Australia và New Zealand.
Đối với Malaysia, các công ty quốc doanh của Malaysia có thể bị thiệt hại, bởi TPP đòi hỏi công ty tư nhân cũng phải được hưởng quyền tiếp cận các hoạt động thu mua của Chính phủ ngang với các công ty quốc doanh. Các nhà xuất khẩu hàng điện tử, hóa chất, dầu cọ và cao su sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất. Malaysia hiện là nhà xuất khẩu dầu cọ lớn thứ hai thế giới và là nước trồng cao su nhiều nhất thế giới.
Với Singapore, TPP sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn và cho phép các công ty Singapore mở rộng hợp tác trong khu vực một cách dễ dàng và tự tin hơn, đặc biệt là vào một số nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ và Nhật Bản. TPP cũng sẽ giúp mở các thị trường mới như Canada và Mexico bởi hiện tại Singapore chưa có hiệp định thương mại tự do song phương với hai quốc gia này.
Giám đốc điều hành Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) Ho Meng Kit cho rằng, hiện tăng trưởng kinh tế của Singapore chưa phục hồi và vẫn dưới mức trước thời điểm khủng hoảng tài chính, một phần là do còn rất nhiều rào cản trong thương mại và đầu tư quốc tế. Do vậy, cải cách cơ cấu cần được thực hiện bởi nhiều nền kinh tế và TPP là hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao sẽ đóng vai trò chất xúc tác quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Singapore trong thời gian tới.
Một khi được Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn, TPP sẽ mở ra con đường mới – con đường dẫn tới tương lai của hợp tác và hội nhập châu Á - Thái Bình Dương. Đường mới đã mở, thời cơ và thách thức luôn song hành, mỗi nước thành viên TPP cần hoàn thiện mình nếu không muốn tụt lại phía sau.