Phần nào hạn chế quyền của Chấp hành viên khi xử lý tài sản
Liên quan tới quy định thu giữ tài sản, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 42.
Trong đó có điều kiện: “Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật...”.
Như vậy, theo quy định này thì đối với những tài sản bảo đảm mà cơ quan THADS đang kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định pháp luật thì TCTD không được quyền thu giữ tài sản, trừ trường hợp các bên đương sự có thỏa thuận.
Còn trong việc kê biên tài sản bảo đảm tại các TCTD, Điều 11 Nghị quyết 42 quy định: “Các tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định tại Điều 90 của Luật THADS, trừ trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu”.
Như vậy, theo quy định trên có thể thấy khi cơ quan THADS đang tổ chức thi hành án mà xác định người phải thi hành án có tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại các TCTD thì phải kết hợp áp dụng quy định tại Điều 11 Nghị quyết 42 và quy định tại Điều 90 Luật THADS để đáp ứng được điều kiện cần (thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu) và điều kiện đủ (giá trị tài sản lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án và không có tài sản khác để thi hành án) trong quá trình giải quyết vụ việc.
Quy định của Nghị quyết 42 đã hạn chế phần nào quyền của Chấp hành viên khi xử lý tài sản của người phải thi hành án theo Điều 90 Luật THADS. Trong khi đó, thực tế hiện nay cho thấy, các vụ việc thi hành án mà cơ quan THADS thụ lý giải quyết khi xác minh tài sản thì đa số tài sản đều đang thế chấp bảo đảm tại các TCTD.
Thu hẹp các khoản được ưu tiên thanh toán
Theo khoản 3 Điều 47 Luật THADS, khi xử lý tài sản cầm cố, thế chấp thì số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp được ưu tiên thanh toán cho bên nhận cầm cố, thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ được bảo đảm sau khi trừ án phí của bản án, quyết định đó, chi phí cưỡng chế và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 Luật THADS.
Tuy nhiên, Điều 12 Nghị quyết 42 quy định: “Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm. Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, có thể thấy mối liên hệ giữa hai điều luật này đều nhằm hướng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các TCTD trong việc thu hồi các khoản nợ xấu. Việc xử lý tài sản thi hành án vẫn được thực hiện theo trình tự thủ tục theo quy định của Luật THADS.
Tuy nhiên, việc thanh toán tiền thi hành án theo Nghị quyết 42 thì số tiền còn lại từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi trừ chi phí sẽ được ưu tiên thanh toán cho khoản nợ xấu được bảo đảm cho TCTD chứ không ưu tiên thanh toán án phí.
Do đó đã phần nào thu hẹp các khoản được ưu tiên thanh toán theo quy định của Luật THADS, đồng thời trong trường hợp người phải thi hành án sau khi thanh toán khoản nghĩa vụ bảo đảm không còn tài sản thì không thi hành được khoản án phí, điều này sẽ dẫn đến tình trạng tồn án không thi hành được ngày càng lớn.
Vì vậy, cần nghiên cứu cho phép miễn án phí đối với các vụ việc mà cơ quan THADS đã xử lý tài sản đảm bảo theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 nhưng không đủ để thu khoản án phí dân sự của vụ việc này và người phải thi hành án không còn tài sản nào khác để thi hành án thì cơ quan THADS được phép đưa ra khỏi danh sách án tồn đọng.