Còn mãi hành trình của một thiên sứ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiếm có ca sĩ gốc Việt nào qua đời mà hàng loạt các ngôi chùa từ trong đến ngoài nước đã làm lễ cầu siêu để tưởng nhớ, tưởng niệm như ca sĩ Phi Nhung. Một người ra đi, nỗi buồn để lại là sự khích lệ cho cuộc sống, cho sự thiện lương, trắc ẩn được viết tiếp. Cô đã làm được điều đó từ chính trái tim của mình…
Ca sĩ Phi Nhung
Ca sĩ Phi Nhung

“Đôi mắt Pleiku biển Hồ đầy”

Lẽ ra, cô đã sang Mỹ cùng con gái. Nhưng TP Hồ Chí Minh bước vào thời kỳ dịch bệnh bùng phát, khó khăn - cô đã ở lại làm thiện nguyện chung tay chống dịch. Đã có những cá nhân ra đi vì dương tính với COVID-19 trên hành trình chống dịch, điều đó không làm những trái tim có lửa chùn bước. Cô lăn xả với công việc thiện nguyện, nhưng điều không may đã xảy ra, gọi tên Phi Nhung.

Phi Nhung được sinh ra trong một ngôi chùa ở Pleiku bởi cha cô là người Tây Ban Nha. Những năm tháng đó, sinh con lai là sự kỳ thị ghê gớm. Thế rồi, sau một tháng, không đành lòng, bà ngoại đã đưa Phi Nhung về nhà. Khi Phi Nhung lên một tuổi, mẹ cô đi bước nữa với người chồng quê Cam Ranh (Khánh Hòa). Phi Nhung ở lại sống với ông bà ngoại và luân phiên qua nhà các dì, các cậu. Tuy nhỏ tuổi nhưng cô luôn hiểu chuyện và cố gắng làm hết việc nhà để đỡ đần người lớn. Vì là con lai nên Phi Nhung luôn phải chịu điều tiếng, bắt nạt trong suốt thời đi học của mình.

Thiếu thốn tình cảm từ nhỏ, Phi Nhung luôn mơ ước được sống trong vòng tay của mẹ và được gọi hai tiếng “mẹ ơi”. Chia sẻ trong chương trình “Ký ức vui vẻ”, Phi Nhung kể trong nước mắt: “Tôi rất thần tượng mẹ và thèm được gọi hai tiếng “mẹ ơi” nhưng không dám. Năm 8 tuổi, tôi được mẹ đón về ở chung nhưng chỉ dám nhìn mẹ từ xa và gọi thầm trong miệng. Đến khi mẹ qua đời, tôi mới có thể thốt lên hai tiếng thiêng liêng đó và hứa sẽ thay mẹ nuôi các em ăn học thành tài”…

Cũng từ lời hứa đó, Phi Nhung khi đó chỉ là đứa trẻ lên 10 đã đưa các em cùng mẹ khác cha về lại quê ngoại, nghỉ học làm thợ may để nuôi em thay cho mẹ mình. Và cũng chính từ câu chuyện này, nhạc sĩ Trương Quang Tuấn đã cho ra đời ca khúc “Nhớ mẹ lý mồ côi” với ca từ nức nở: “Phương xa cha nào có hay. Mà chiều nay con giỗ mẹ nơi này”.

Năm 1989, Phi Nhung được bảo lãnh sang Mỹ định cư theo diện con lai. Cô làm nhiều việc cùng lúc để có tiền trang trải cuộc sống, từ may vá thuê đến công nhân sản xuất đèn cầy rồi đóng hộp thực phẩm. Thời gian đó, cô đã có thu nhập khá tốt từ nghề may, bởi cô may rất nhanh và giỏi. Một ngày của cô chỉ ngủ ba tiếng…

Năm 2005, Phi Nhung về nước biểu diễn và bắt đầu một hành trình hát để thiện nguyện từ tâm nguyện. Hát để kiếm tiền làm từ thiện. Hát bằng một tấm lòng của một phật tử. Năm 2007, cô thành lập trại trẻ mồ côi tại chùa Pháp Lạc, xã Bù Nho, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước và bắt đầu nhận nuôi 13 đứa con mồ côi và cho đến thời điểm trước khi mất cô đã có 23 người con nuôi.

Cô tâm sự, điều cô muốn là bọn trẻ có thể tự hào nói với người khác: “Tao có má, tao có anh em”. Như một cách tự chữa lành những khắc khoải, côi cút thuở ấu thơ. Cô tự tay nuôi các con bị bỏ rơi từ thuở lọt lòng, với những dạy bảo tỉ mỉ, yêu thương và nghiêm khắc trong vai trò của một người cha, người mẹ.

Phi Nhung kể về cái duyên làm từ thiện tại Việt Nam của mình. Đó là vào năm 1997, lần đầu tiên Phi Nhung từ Mỹ về nước, chứng kiến người dân khó khăn vượt qua cơn bão, cô đã dùng số tiền 3.000 USD mình dành dụm để giúp đỡ người dân vùng lụt. Phi Nhung từng kể lại, khi cô về Việt Nam, chứng kiến quá nhiều mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống: “Lúc đó về một chút là khóc. Trong lòng nó sao á, không diễn tả được. Bắt đầu từ đó, trong lòng có tiền là đi từ thiện”.

Và thế là hành trình từ thiện của Phi Nhung tại Việt Nam kéo dài hơn 20 năm qua. Bất kể lúc nào người dân gặp khó khăn vì thiên tai lũ lụt, hạn hán, Phi Nhung đều có mặt. Ở đâu cần giúp, ở đó có Phi Nhung. Từ vùng cao, vùng sâu, vùng xa đến đồng bằng khắp đất nước Việt Nam, cô đều có mặt…

Nhắc đến Phi Nhung, Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ: “Cô đến chùa bằng cả trái tim mong muốn được lan tỏa tình yêu thương của mình đến với đồng bào đang trong lúc nguy khó. Ngỡ chuyến hành trình thiện nguyện san sẻ yêu thương, tiếp sức cho bà con TP HCM đến đây chỉ tạm gác, ai ngờ đâu, đây là những chuyến từ thiện sau cuối, kết thúc 20 năm chặng đường cô gắn bó với các hoàn cảnh khó khăn bằng trái tim từ bi, nhân ái của người con Phật.

Phi Nhung trước khi mất đã luôn hài lòng, hạnh phúc với cuộc sống bên các con và sự nghiệp ca hát…

Phi Nhung trước khi mất đã luôn hài lòng, hạnh phúc với cuộc sống bên các con và sự nghiệp ca hát…

Và những khoảng trống khôn nguôi

Định mệnh đưa cô đến đỉnh cao của một ca sỹ hạng A bắt đầu từ một buổi biểu diễn từ thiện tại nhà thờ, Phi Nhung tình cờ gặp Trizzie Phương Trinh là ca sĩ nổi tiếng tại hải ngoại thời đó. Được sự giúp đỡ của Trizzie, Phi Nhung bắt đầu học hỏi, rèn luyện và theo đuổi sự nghiệp ca hát.

Lúc đó, cô đã làm mẹ đơn thân ở tuổi 20 nơi xứ người càng gian nan, vất vả. Thế nhưng, để có những ca khúc đầu tiên ra đời khi cô không hề được đào tạo bất cứ nốt nhạc lý nào, cô đã khổ luyện, vào các studio tập học xướng âm, hát theo giọng Bắc để theo đuổi dòng nhạc trữ tình, tập hát thật tròn vành, rõ chữ. Cô vừa hát, tự thu, tự in đĩa và cũng tự đi tiếp thị bán đĩa của mình cho một trung tâm ca nhạc lớn ở hải ngoại suốt 7 năm trời mới có hợp đồng chính thức.

Trong nhiều ca sĩ gốc Việt ở hải ngoại, Phi Nhung là ca sĩ thể hiện thành công nhất, sâu sắc nhất, xúc động nhất nhiều bài hát trữ tình về miền Tây Nam Bộ. Phi Nhung đã hát về quê hương bằng đúng chất giọng Nam Bộ với chiếc áo bà ba, khăn rằn quen thuộc của miền sông nước với mở đầu những câu hò thiết tha, sâu lắng. Chỉ có một tình yêu sâu sắc với quê hương, với nguồn cội mới giúp cô có thể hát như rút ruột các ca khúc trữ tình tha thiết đến vậy.

Và trên 20 năm qua, làng nhạc hải ngoại và trong nước quen thuộc với cặp đôi “người tình sân khấu” Phi Nhung - Mạnh Quỳnh. Họ cùng có tuổi thơ thiếu vắng tình cảm gia đình từ nhỏ. Họ cũng nhiều phen nếm trải vất vả của cuộc mưu sinh khi mới sang Mỹ, trước khi đến với nghiệp hát. Bởi quá lâu bên nhau, trên sân khấu họ làm nên một cặp song ca ăn ý, tha thiết và chân thật…

Họ góp mặt lần đầu qua tiết mục “Dù anh nghèo” (Tô Thanh Tùng) năm 1999. Phi Nhung diện áo dài trắng cùng Mạnh Quỳnh đóng vai đôi tình nhân vượt số phận để đến bên nhau. Nét diễn tình tứ mà gần gũi, bình dân của cả hai giúp video tạo “cơn sốt”, đưa họ vào hàng ngũ giọng ca được yêu thích bậc nhất làng nhạc hải ngoại bấy giờ.

Phi Nhung - Mạnh Quỳnh cũng góp phần tạo nên xu hướng hát nhạc tân cổ giao duyên đầu những năm 2000. Trong nhạc phẩm “Căn nhà màu tím” (Hoài Linh, Loan Thảo), lối hát đong đầy u sầu của Mạnh Quỳnh kết hợp cùng chất giọng trữ tình, cao sáng của Phi Nhung cuốn hút khán giả ở phần tân nhạc lẫn vọng cổ. Mạnh Quỳnh còn viết thêm lời cổ nhạc “đo ni đóng giày” cho cả hai, chẳng hạn, “Đón xuân này nhớ xuân xưa” (Châu Kỳ), “Nếu chúng mình cách trở” (Tú Nhi)...

Giờ đây, khi Phi Nhung ra đi, là những khoảng trống còn mãi trên sân khấu, khi Mạnh Quỳnh chỉ còn lại một mình. Và các con cô, những đứa trẻ còn quá nhỏ và chúng mất đi một người mẹ không thể thay thế. Cô đã cho bọn trẻ tất cả những gì một người mẹ có thể làm cho con mình (trước khi mất, cô thường xuyên nói đó là các con cô, không phải con nuôi, bởi cô không muốn các con tủi thân, thiệt thòi thêm nữa)…

Dẫu trái tim cô đã ngừng đập nhưng nhiệt huyết, những điều tử tế cô gieo lại cho đời vẫn mãi lấp lánh. Bởi thế, ngay sau khi Phi Nhung mất, Ban Văn hóa của Giáo hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh tặng Phi Nhung pháp danh Tịnh Bình bằng tuyên dương công đức vì những đóng góp, tận tụy quên mình giúp đỡ đồng bào bị F0 trong chiến dịch chống COVID-19 vừa qua.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Đảng, Nhà nước nhắc đến các cá nhân đã xả thân vì cộng đồng, hy sinh cả tính mạng trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19, trong đó có Phi Nhung. Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc nói: “Đã có nhiều hy sinh, tổn thất, mất mát, đau thương và cả sức mạnh kiên cường, đoàn kết, lòng nhân ái, tinh thần lạc quan trong mọi nghịch cảnh. Đất nước và dân tộc không bao giờ quên những khoảnh khắc phi thường ấy”…

“Khi nhỏ, tôi không được dạy lời hay lẽ phải để cắt ngắn bớt những đau thương và vấp váp của đời mình. Tôi phải tự rút kinh nghiệm từ những đau thương mà lớn lên. Nhưng, tôi rút ra được một điều là cứ sống cho tốt đi rồi cuộc đời sẽ cho mình quả ngọt. Tiền bạc ở cuộc đời này có đó rồi sẽ hết đó. Chỉ có tình yêu là mãi mãi trường tồn. Vậy nên, tôi nguyện trong lòng nếu có thể giúp được bất cứ ai thì tôi giúp vậy thôi. Tôi làm tất cả những điều đó để các con tôi sau này phải giúp đỡ người khác, những người có hoàn cảnh khó khăn, kiệt quệ. Tôi chỉ nghĩ đến đó thôi chứ không nghĩ mình làm được gì nhiều cả”...

Mới đây, Ban Tổ chức giải thưởng Mai Vàng lần thứ 27 đã công bố danh sách những nghệ sĩ, tác phẩm và chương trình vào vòng bầu chọn của mùa giải 2021. Trong đó có cố ca sĩ Phi Nhung với 2 đề cử: Ca sĩ hát nhạc âm hưởng dân ca được yêu thích nhất và Ca khúc yêu thích nhất với “Bậu ơi đừng khóc”. Trước đó, năm 2019, Phi Nhung cũng từng gây xôn xao khi xin rút khỏi giải Mai Vàng dù đã lọt vào vòng bình chọn cuối cùng, để nhường cơ hội cho các bạn trẻ khác…

Đọc thêm