Tránh tình trạng đùn đẩy
Để đảm bảo an toàn tại công trình thủy lợi, đại biểu (ĐB) Cao Thị Giang (Quảng Bình) đề nghị bổ sung quy định tổ chức hội thảo khoa học để lấy ý kiến các nhà khoa học và ý kiến người dân theo hướng công khai dân chủ trong quá trình phê duyệt và thẩm định quy hoạch nhằm tạo thêm niềm tin và sự đồng thuận khi triển khai thực hiện các dự án.
Bên cạnh đó, cũng cần quy định rõ thêm về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra sự cố gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, quy định rõ trách nhiệm đền bù khi có sự cố xảy ra để tránh tình trạng né tránh, đùn đẩy và gây khó khăn cho người dân khi chịu ảnh hưởng của công trình thủy lợi.
Tương tự, ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) phân tích: Điều 67, khoản 3, khoản 4 quy định tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng dịch vụ thủy lợi phải đóng tiền, góp công, góp sức để phục vụ cho công trình thủy lợi. Tuy nhiên, ở Điều 65 không quy định trách nhiệm của người trực tiếp khai thác thủy lợi là phải đền bù như thế nào cho các tổ chức và cá nhân khi không thực hiện đúng dịch vụ trong hợp đồng, như vậy không công bằng giữa người cung cấp dịch vụ và người hưởng dịch vụ. “Tôi nghĩ rằng cần phải quy định ở Điều 65 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi trực tiếp khai thác phải có trách nhiệm đền bù cho các tổ chức và cá nhân hưởng dịch vụ đó, nếu như không thực hiện đúng hợp đồng, mùa hạn không cung cấp được nước tưới thì phải đền bù, mùa lũ mà lũ làm thiệt hại vùng hạ du thì cũng phải tham gia đền bù, như vậy mới công bằng” – ĐB nói.
ĐB Phạm Văn Tuân (Thái Bình) đề nghị nghiên cứu và bổ sung quy định về yêu cầu đầu tư xây dựng công trình thủy lợi cho hợp lý, đặc biệt là những công trình thủy lợi có phạm vi ảnh hưởng lớn như hồ chứa, cống ngăn mặn, giữ nước ngọt, công trình phục vụ cho việc thoát lũ, đê điều, điều tiết nước mặn, nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Xác định cụ thể chế tài
Bên cạnh đó, một số ĐB cũng đề nghị làm rõ thêm việc quản lý vận hành các công trình thủy lợi đa mục tiêu. ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng trên thực tế nhiều công trình thủy lợi, thủy điện đang thực hiện chức năng kết hợp, tức là chức năng kép. Do vậy cần bổ sung những nhóm này vào phạm vi điều chỉnh thủy lợi và dự thảo Luật cũng cần bổ sung thêm các điều khoản quy định về hoạt động của các công trình thủy lợi kết hợp để bao quát hết các trường hợp liên quan đến hoạt động thủy lợi.
Lấy dẫn chứng thủy điện Hòa Bình phải xác định đầu tiên là thủy lợi, trong đó có cấp nước cho vùng Đồng bằng sông Hồng, có cắt lũ cho vùng Thủ đô và Đồng bằng sông Hồng, có giao thông thủy cho đường sông và mục tiêu thứ yếu mới là phát triển thương mại, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cũng đề nghị cần quy định rất chặt chẽ việc quản lý vận hành ở loại hình thủy lợi đa mục tiêu này.
ĐB Sinh cũng đề nghị xác định rõ thẩm quyền của trung ương và địa phương trong việc quản lý và vận hành các công trình thủy lợi trong các tình huống khác nhau như lũ lụt, hạn hán. “Nếu chúng ta không có quy trình và giao mạnh về thẩm quyền của địa phương để xử lý các tình huống như vậy thì rất khó. Ví dụ, ở các tỉnh miền núi, các công trình thủy lợi bao gồm từ thủy lợi thấp đến thủy lợi cao. Khi có sự cố lũ lụt thì có hiệu ứng domino, chỉ cần một cái ao 100m2 vỡ kèm theo ao 200, 300m2 từ đó các đập dồn xuống, trở thành trận lũ bùn, lũ cuốn trôi đi cả bản, làng. Như vậy, rõ ràng ở đây phải xác định được thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý và vận hành” – ĐB phân tích.
ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cũng cho rằng thủy điện tuy là một công trình thủy lợi nhỏ nhưng cùng trên một hệ thống kênh rạch thì chỉ cần một công trình thủy lợi nhỏ xảy ra sự cố thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả một hệ thống cũng như hệ thống thủy lợi nói chung. Do đó, ĐB đề nghị cần quy định vai trò quản lý nhà nước trong việc vận hành các công trình thủy lợi nhỏ, đặc biệt là quy trình vận hành các hồ chứa trên các công trình thủy điện nhỏ cùng hệ thống.
Lấy ví dụ đập An Khê - Kanak, mùa hạ điều tiết nước ra các tỉnh phía Bắc của Phú Yên nhưng mùa mưa xả lũ đến 10.000m3/s, tuy nhiên lãnh đạo chính quyền Phú Yên không biết, ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) cho rằng cần phải quy định rõ chế tài ở điểm d trong Điều 28 về vận hành đập của dự thảo Luật.
Chuyển từ “phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi”
Một trong những chủ trương đáng chú ý được nêu trong dự thảo Luật Thủy lợi là việc chuyển từ cơ chế “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi”. Đồng tình với chủ trương này nhưng với việc Việt Nam hiện đang có đến 70% số dân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhiều đại biểu (ĐB) đề nghị cần đánh giá kỹ tác động và có lộ trình thực hiện phù hợp.
Thảo luận tại các diễn đàn của Quốc hội, các đại biểu đều nhất trí với chủ trương chuyển từ cơ chế “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi” như được nêu trong trong dự thảo Luật. ĐB Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cho rằng việc quy định như vậy sẽ giúp bảo đảm hiệu quả khai thác, sử dụng nước, giảm gánh nặng bao cấp từ ngân sách nhà nước cho đầu tư, xây dựng công trình thủy lợi. Việc thay đổi này cũng phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và nền kinh tế thị trường, làm thay đổi nhận thức của xã hội, người dân và chủ thể về công tác thủy lợi, góp phần sử dụng hiệu quả, hợp lý công trình thủy lợi, giúp cho người sử dụng nước từ công trình thủy lợi hiểu rõ bản chất dịch vụ này là hàng hóa, nâng cao ý thức bảo vệ các công trình thủy lợi cũng như sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, ĐB Tuân cho rằng đây là quy định mới, chính sách mới, ảnh hưởng nhiều đến nhân dân bởi bình quân trong cả nước hiện có trên 70% dân số làm nông nghiệp. Trong khi đó, QH vừa ban hành nghị quyết miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Do đó, ĐB đề nghị cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ về tính khả thi của các chính sách cũng như có lộ trình áp dụng phù hợp. Cùng với đó, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tranh thủ sự ủng hộ của người dân khi Luật ban hành.
Chung quan điểm, ĐB Nguyễn Thanh Phương (TP Cần Thơ) bày tỏ băn khoăn về tác động của việc chuyển đổi thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi đến cộng đồng, người sản xuất nông nghiệp. “Hiện nay chi phí trong sản xuất nông nghiệp rất cao, lợi nhuận thấp và biến động, nếu dự luật quy định biến đổi về phí sang giá có thể tạo thêm khó khăn cho nông dân.
Nhằm tránh các khó khăn xảy ra tức thời gây khó khăn cho người sản xuất, tôi đề nghị trong dự luật cần quy định rõ về chủ thể và các loại công trình được thu tiền trong dự án Luật để làm cơ sở cho Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương quy định chi tiết về khung giá, lộ trình cùng các chính sách hỗ trợ hợp lý, đảm bảo tính khả thi và không gây các tác động lớn và gây sốc đến hiệu quả sản xuất, đồng thời tránh phát sinh việc thu phí dịch vụ tràn lan gây tác động xấu trong xã hội” – ĐB đề nghị.