Trong thư gửi tới Báo Pháp luật Việt Nam điện tử mới đây, bạn Trần Hoài An (trú tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) thắc mắc: Ông X có vợ là bà Y và hai người con gái lần lượt là A và B. Đầu tháng 3/2002, ông X có quan hệ "ngoài luồng" với bà Z và sinh ra một người con trai là D; trong thời gian này giữa ông X và bà Z không phát sinh tài sản chung.
Mối quan hệ này tiếp diễn trong khoảng thời gian ông X và bà Y vẫn có quan hệ vợ chồng theo Giấy chứng nhận kết hôn; đồng thời bà Y và hai người con gái không hề biết đến sự tồn tại của mẹ con bà Z.
Ngày 20/10/2019, ông X đột ngột qua đời do nhồi máu cơ tim.
Sau khi lo liệu xong xuôi tang lễ cho ông X, vào ngày 28/10/2019, toàn bộ di sản của ông X (12 tỉ đồng tiền mặt) được Toà án nhân dân cấp huyện chia đều cho bà Y và hai người con gái A và B, cụ thể: Y = A = B = 4 tỉ đồng.
Ngày 01/11/2019, D gửi đơn khởi kiện và các tài liệu đi kèm lên Toà án yêu cầu mẹ con bà Y chia một phần di sản cho mình vì anh cho rằng mình là con trai ruột của ông X nên cũng có quyền được hưởng di sản mà bố để lại.
Trước tình huống trên, Luật sư Trịnh Lê Ngọc Quỳnh - Văn phòng luật sư Hoàng Huy (Đoàn luật sư TP. Hà nội) - cho biết: Trong trường hợp này, nếu anh D cung cấp được đầy đủ tài liệu và chứng cứ chứng minh mình là con đẻ của ông X cũng như Toà án xác nhận tính chính xác và hợp pháp của những tài liệu, chứng cứ đó thì D thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông X (căn cứ điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015). Đồng nghĩa với việc D được hưởng phần di sản ngang bằng với A và B khi chia thừa kế theo pháp luật.
|
Luật sư Trịnh Lê Ngọc Quỳnh - Văn phòng luật sư Hoàng Huy (Đoàn luật sư TP. Hà Nội). |
Tuy nhiên do việc chia tài sản trước đó đã được giải quyết bằng quyết định có hiệu lực của Toà án nên theo điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015, đơn khởi kiện của anh D sẽ bị Toà án trả lại. Vì vậy để được giải quyết quyền lợi, D có thể làm đơn đề nghị lên Chánh án TANDCC hoặc VKSNDCC để các chủ thể này thực hiện quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm (theo căn cứ tại khoản 1 Điều 352 BLTTDS 2015: “Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án”) đối với quyết định chia di sản đã có hiệu lực của TAND cấp huyện.
Điều 662 quy định về việc phân chia di sản trong trường hợp xuất hiện người thừa kế mới như sau: “Trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác”. Theo đó, mẹ con bà Y phải trích một khoản từ phần di sản đã được chia để thanh toán cho D và khoản này được tính như sau:
Căn cứ vào tổng tài sản của ông X trước khi chia, A, B, D và bà Y cùng thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên di sản được chia như sau: A = B = D = Y = 3 tỉ đồng.
Theo đó, để D được hưởng khoản di sản như trên thì A, B và Y trích 1 tỉ đồng/người để thanh toán cho D theo quy định pháp luật hiện hành.