Anh G.Q.T (sinh năm 1981, ngụ xã Long Điền, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), là nạn nhân của đường dây đưa lao động Việt Nam sang Myamar trái phép. |
Theo kết quả điều tra, khoảng giữa tháng 7/2023, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh T. đi tìm việc làm ở nhiều nơi và được bạn bè giới thiệu làm quen với một người phụ nữ Myanmar tên Elly Sung, hứa sẽ lo toàn bộ chi phí để anh xuất cảnh sang Myanmar làm việc tại công ty game với mức lương 30 triệu/tháng. Đến ngày 24/7/2023, theo lời hướng dẫn của Elly Sung, anh T. đã ra Hà Nội và tiếp tục được một người phụ nữ khác đưa sang Lào thông qua Cửa khẩu quốc tế Tây Trang (tỉnh Điện Biên), sau đó nhập cảnh trái phép vào Myanmar.
Tuy nhiên, không phải làm việc tại công ty như thỏa thuận ban đầu, các đối tượng đã giam giữ anh T. tại một tòa nhà cao tầng chung với hàng chục lao động Việt Nam khác và ép buộc phải thực hiện công việc là tạo các tài khoản game ảo để lừa đảo tiền của người khác. Thấy việc làm trái pháp luật, anh T. không đồng ý thì bị chúng nhốt lại và đánh đập, bỏ đói trong nhiều ngày liền. Sau nhiều ngày bị giam giữ, anh T. đã bỏ trốn và liên hệ với gia đình để đến Công an tỉnh Bạc Liêu trình báo.
Nhận được tin báo, ngày 25/8/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu nhanh chóng phối hợp với Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh để tiến hành giải cứu anh T. đưa trở về tỉnh Bạc Liêu an toàn vào ngày 7/9/2023.
Hiện nay, tội phạm mua bán người, lừa đảo đưa lao động Việt Nam sang nước ngoài trái phép diễn biến hết sức phức tạp với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”. Do đó, Công an tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo người dân không nên tin theo những lời mời gọi hào nhoáng từ các trang mạng xã hội và những người không quen biết. Đồng thời, khi người dân,… khi phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến tội phạm đường dây đưa lao động Việt Nam sang nước ngoài trái phép thì nhanh chóng trình báo cơ quan Công an gần nhất để kịp thời điều tra, xử lý./.