Công an cảnh báo 'bẫy lừa' giả danh bác sĩ bán thuốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Công an thành phố Hà Nội cảnh báo, vấn nạn mạo danh các bác sĩ bệnh viện lớn để lừa đảo khám chữa bệnh, bán thuốc không nguồn gốc xuất xứ hiện vẫn tiếp tục diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.
Lực lượng chức năng lấy lời khai bị can trong vụ án. Ảnh: CACC
Lực lượng chức năng lấy lời khai bị can trong vụ án. Ảnh: CACC

Ngày 11/12, Công an huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh cho biết đã khởi tố 26 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở đường dây giả danh các bác sĩ bệnh viện lớn để bán thuốc giả. Với thủ đoạn giả các bác sĩ các Bệnh viện Quân y 103, 108, đối tượng Phạm Viết Trung (sinh năm 1995, trú ở Xuân Thành, Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình) cùng 25 đồng phạm đã lừa bán thuốc cho 8.000 người để chiếm đoạt hơn 30 tỷ đồng.

Được biết, nhóm này thành lập Công ty Cổ phần Dược phẩm SPARTA do Trung làm Giám đốc, trụ sở hoạt động tại tầng 7 tòa nhà số 251 Vũ Tông Phan, phường Khương Đình. Các đối tượng này đã viết kịch bản giả danh bác sĩ của các bệnh viện lớn như Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, rồi chạy quảng cáo để bán thuốc qua mạng cho người bệnh.

Với số tiền 100 triệu đồng ban đầu, các đối tượng nghĩ ra mẫu mã các loại thuốc, bao bì rồi đặt hàng một nhà thuốc gia truyền sản xuất với các sản phẩm như: Hạ đường QY, Thanh mạch QY, Mộc gan QY... Chuẩn bị xong các điều kiện, từ kịch bản đến trụ sở, thành lập công ty, các đối tượng tiến hành tuyển nhân viên, thành lập các nhóm kinh doanh có mô hình hoạt động giống nhau do Trung trực tiếp điều hành. Theo đó, mỗi nhóm kinh doanh gồm 2 đối tượng, 1 đối tượng có nhiệm vụ lập fanpage trên mạng xã hội rồi chạy quảng cáo, mời chào bệnh nhân; đối tượng còn lại làm sale có nhiệm vụ giả danh bác sĩ để tư vấn, bán thuốc.

Các đối tượng lập các fanpage có tên “Bệnh viện Quân đội 108 - Chuyên khoa Nội tiết” hoặc “Bệnh viện Quân y 103” - đăng tải các hình ảnh, logo của các bệnh viện kể trên. Các trang này có tiêu đề, nội dung, hình ảnh có liên quan đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Quân y 103 để thu hút những người bệnh có nhu cầu tìm hiểu, chữa bệnh.

Khi người dân kích vào các fanpage trên, chúng mời chào để lại thông tin, số điện thoại để “bác sĩ” gọi điện lại tư vấn. Có thông tin, số điện thoại của người bệnh, đối tượng bán hàng sẽ giả danh bác sĩ bệnh viện gọi lại cho bệnh nhân tư vấn, mời chào mua liệu trình điều trị tiểu đường, huyết áp. Mỗi hộp thuốc có chi phí sản xuất là 25 nghìn đồng, được bán với giá 2 triệu đồng; “ưu đãi” cho người già, người có công; thương bệnh binh… với giá 700.000 - 1 triệu đồng/sản phẩm.

Sau khi bán 1 loại thuốc, chúng tiếp tục lôi kéo, lừa đảo bệnh nhân bằng cách mời chào họ mua sản phẩm tốt hơn, giá tiền cao hơn để tiếp tục bán sản phẩm khác. Với thủ đoạn trên, từ tháng 5-2022 đến 10-2023, Trung và đồng phạm đã bán thành công 12.800 đơn hàng cho hơn 8.000 bị hại ở các tỉnh thành trên cả nước, thu về hơn 30 tỷ đồng.

Hành vi của các đối tượng lừa đảo, mạo danh nói trên đã làm ảnh hưởng lớn đến thương hiệu, uy tín của bệnh viện, gây hoang mang trong cộng đồng nói chung và đối tác, người bệnh, người nhà người bệnh nói riêng. Hơn nữa, hành vi của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, khó phát hiện khiến các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.

Công an thành phố khuyến cáo, các hành vi lừa đảo trên mạng xã hội ngày càng tinh vi và nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng khẳng định việc lợi dụng quảng cáo trên mạng xã hội là hành vi mới phát sinh, gây nhiều hệ quả nghiêm trọng. Chính vì vậy, người dân khi có bệnh thì cần phải đến các cơ sở y tế đã được cấp phép để chuyên gia y tế khám và hướng dẫn chữa trị. Cùng với đó, người dân cũng nên tìm hiểu kỹ thông tin, khám chữa bệnh và mua thuốc tại các cơ sở y tế uy tín, được Nhà nước cấp phép theo đúng quy định, để tránh tình trạng tiền mất, tật mang.

Đọc thêm