Thông tư quy định rõ, về ứng xử với nhân dân, công an nhân dân phải: Kính trọng, lễ phép với nhân dân; gắn bó mật thiết với nhân dân; tận tình, trách nhiệm giải quyết công việc, yêu cầu chính đáng của nhân dân.
Công an nhân dân phải giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm; xưng hô đúng mực, thái độ lịch sự, hòa nhã, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp đúng đắn; ưu tiên giải quyết công việc với người già, yếu, người khuyết tật, đau ốm, phụ nữ mang thai.
Công an nhân dân không được có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, thái độ thờ ơ, vô cảm trước yêu cầu hợp pháp của người dân; không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân; không hẹn gặp người dân giải quyết công việc bên ngoài cơ quan và ngoài giờ làm việc.
Trong ứng xử với người vi phạm pháp luật, Công an nhân dân phải thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành Công an trong đấu tranh, xử lý đối với người phạm tội và người có hành vi vi phạm pháp luật khác. Kiên quyết, mưu trí, dũng cảm, khôn khéo trong thực hiện nhiệm vụ; xử lý vi phạm phải khách quan, trung thực đảm bảo các yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ.
Khi tiếp xúc với người vi phạm pháp luật, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; có thái độ ứng xử đúng mực, không có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối với người vi phạm. Không lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao làm sai lệch hồ sơ vụ việc, vụ án dẫn đến bỏ lọt, oan, sai hoặc nhằm mục đích khác.
Về ứng xử, giao tiếp qua điện thoại và phương tiện điện tử khác, Thông tư nêu rõ, khi giao tiếp qua điện thoại, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải xưng tên, chức danh, đơn vị công tác, nội dung trao đổi đầy đủ, rõ ràng; ngôn ngữ giao tiếp văn minh, lịch sự, ngắn gọn, dễ hiểu; không trao đổi nội dung bí mật qua điện thoại.