Công an Quảng Bình: Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thời gian gần đây tại Quảng Bình xuất hiện các đối tượng hack Facebook để nhắn tin cho người thân, bạn bè để lừa đảo.
Công an Quảng Bình: Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng

Điển hình là trường hợp của một phụ nữ (ngụ TP Đồng Hới) có chồng đang lao động tại Hàn Quốc. Chị này nhận được tin nhắn Messenger từ tài khoản mạng xã hội của chồng nhờ chuyển tiền giúp cho bạn ở Việt Nam để lo chi phí phẫu thuật bị tai nạn.

Người phụ nữ nhắn tin cho chồng và gọi điện thoại với “bạn của chồng” để xác minh. Tin đúng là chồng mình nhắn tin, chị chuyển tiền theo hướng dẫn đến một số tài khoản 4 lần với tổng số tiền 200 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền, chị mới biết tài khoản Facebook của chồng đã bị hack trước đó, người nhắn tin nhờ chuyển tiền là một đối tượng khác.

Hay trường hợp người đàn ông (ngụ phường Đồng Phú, TP Đồng Hới), ngày 13/1/2023 nhận được tin nhắn messenger từ tài khoản Facebook người bạn với nội dung mượn tiền. Vì tin tưởng, anh đã chuyển tiền vào một số tài 39,5 triệu đồng. Đến lần thứ 3, anh mới phát hiện tài khoản Facebook của bạn đã bị kẻ xấu hack rồi nhắn tin mượn tiền.

Theo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Bình, thủ đoạn của các đối tượng được chia thành 3 nhóm. Thứ nhất, giả mạo thương hiệu (ngân hàng, cơ quan nhà nước, Cty tài chính, chứng khoán) gửi SMS lừa đảo cho nạn nhân. Giả mạo các trang web chính thống (giao diện, địa chỉ tên miền/đường dẫn) tạo uy tín để lừa nạn nhân, thu thập thông tin cá nhân.

Thứ hai, chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…) để gửi tin nhắn lừa đảo cho bạn bè, người thân nhằm lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín, tống tiền…

Thứ ba, các hình thức kết hợp, sử dụng số điện thoại giả danh cơ quan chức năng, công an, nhà mạng viễn thông… để gọi điện cho nạn nhân thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển tiền. Giả mạo trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, nước ngoài để lừa nạn nhân làm cộng tác viên. Dẫn dụ nạn nhân thực hiện chạy quảng cáo lừa đảo trên Facebook hay gửi tin nhắn quảng cáo spam qua SMS; mục đích lan truyền tin giả đánh vào tâm lý hiếu kỳ, sự thương người để “câu view, câu like” và sau đó là lừa gạt chiếm đoạt tài sản qua hình thức từ thiện, kêu gọi đóng góp…

Còn có các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua quảng bá bán hàng online trên Facebook; giả mạo trang cá nhân, tài khoản người dùng trên Facebook, Telegram, Zalo để tạo uy tín và lừa nạn nhân sử dụng dịch vụ hoặc đầu tư; “bẫy tình”, lợi dụng tình cảm lòng tin và sự thương hại để lừa đảo qua các nền tảng Facebook, Zalo, Tinder, Telegram; cài cắm mã độc thông qua đường dẫn, phần mềm độc hại.

Thông báo trúng thưởng, quà tặng, khuyến mại để đánh cắp thông tin tài khoản và tài sản thông qua các trang web giả mạo; lừa nâng cấp lên SIM 4G hay 5G để lừa lấy số điện thoại nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản và tài sản; giả mạo email ngân hàng, ví điện tử, tổ chức uy tín để uy hiếp, đe dọa lừa tiền nạn nhân; lập sàn đầu tư tiền ảo crypto, đầu tư đa cấp, đầu tư nhị phân, đầu tư Forex...

Đọc thêm