Chiều ngày 22/11, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về mở chiến dịch tuyên truyền, cảm hóa giáo dục đối tượng, phòng ngừa tội phạm, cố ý gây thương tích, giết người.
Tại hội nghị, các đơn vị đã thảo luận về những kết quả thực hiện kế hoạch phòng ngừa đấu tranh trấn áp tội phạm cố ý gây thương tích, giết người trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua; chỉ rõ những tồn tại và nguyên nhân. Đồng thời bàn kĩ các giải pháp tuyên truyền, cảm hóa giáo dục đối tượng, phòng ngừa tội phạm, cố ý gây thương tích, giết người.
Theo số liệu thống kê, chỉ tính từ ngày 01/9/2022 đến ngày 20/11/2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 162 vụ việc có dấu hiệu tội phạm cố ý gây thương tích và giết người. Trong đó có 145 vụ cố ý gây thương tích và 17 vụ có dấu hiệu tội phạm giết người, trong đó làm 3 người chết và 202 người bị thương.
Theo đánh giá, hầu hết các vụ án giết người và cố ý gây thương tích xảy ra chủ yếu là xuất phát từ những mâu thuẫn xã hội thuần túy nhưng không được giải quyết kịp thời. Trong đó, số vụ án giết người và cố ý gây thương tích xuất phát từ những xích mích, va chạm và những mâu thuẫn bột phát, nhất thời xảy ra trong cuộc sống và sinh hoạt gia đình, trong quan hệ xã hội chiếm tới 94,33% tổng số vụ việc xảy ra. Đối tượng gây án chủ yếu là nam giới, chủ yếu từ 18 đến dưới 35 tuổi (chiếm trên 90%).
Tại hội nghị, Đại tá Dương Văn Tiến, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa yêu cầu thủ trưởng các đơn vị cần tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để làm rõ những nguyên nhân phát sinh tội phạm cố ý gây thương tích, giết người. Từ đó, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương mở chiến dịch tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư để phòng ngừa loại tội phạm này.
Mục tiêu cốt lõi của chiến dịch này là thông qua công tác tuyên truyền phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể xã hội về các tầng lớp Nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, đề cao cảnh giác, tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải, tích cực tham gia cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi, quản lý con em, người thân mình; có các biện pháp để phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn, vướng mắc nảy sinh trong đời sống xã hội, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các mâu thuẫn phát sinh tội phạm nói chung, tội phạm giết người, cố ý gây thương tích nói riêng.
Đại tá Dương Văn Tiến cũng đề nghị các đơn vị Công an trong tỉnh cần tập trung rà soát, lập danh sách quản lý chặt chẽ các đối tượng có nguy cơ cao gây ra các vụ án giết người, gây thương tích tại địa bàn cơ sở; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, trọng tâm là quản lý cư trú, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, không để tội phạm có điều kiện lợi dụng để gây án. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự đối với các đối tượng phạm tội giết người và phạm tội cố ý gây thương tích nhanh chóng, kịp thời đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Theo số liệu, trong tổng số 162 vụ việc có dấu hiệu tội phạm cố ý gây thương tích và giết người đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, TP.Thanh Hóa là địa bàn xảy ra nhiều nhất với 36 vụ; tiếp đó là thị xã Nghi Sơn 16 vụ; Triệu Sơn 11 vụ; TP. Sầm Sơn và huyện Yên Định mỗi địa phương 9 vụ; huyện Nông Cống 8 vụ; huyện Hà Trung, Thạch Thành mỗi huyện 7 vụ; Lang Chánh, Nga Sơn, Thọ Xuân mỗi huyện xảy ra 6 vụ; Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Ngọc Lặc mỗi huyện 5 vụ.