Công tác phòng ngừa, đấu tranh chuyển biến tích cực
Theo báo cáo của phòng Cảnh Sát hình sự, Công an tỉnh Bình Định: Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác tuyên truyền, ý thức cảnh giác của người dân được nâng cao. Các cá nhân, nhóm tổ chức cho nhiều người dân vay với mức lãi suất cao đã được Công an các địa phương kiểm tra, quản lý nên không còn hoạt động công khai. Tuy nhiên, tình trạng đối tượng cho vay là người địa phương lách luật (chuyển hóa việc vay nợ bằng hợp đồng công chứng mua bán thế chấp tài sản, hợp đồng mua đồ dùng, mượn tiền, giấy ủy quyền…) vẫn còn diễn ra nhiều, chúng hướng đến các đối tượng cờ bạc, đối tượng thanh thiếu niên thích tiêu xài hưởng thụ.Tình trạng các đối tượng cho vay thực hiện các hành vi đòi nợ vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự đã giảm nhưng thủ đoạn đòi nợ bằng cách ném chất bẩn, gạch đá vào nơi ở, nơi làm việc và nhà người thân con nợ còn tái diễn ở một số địa phương trong tỉnh. Nổi lên tình trạng gây sức ép đòi nợ từ hoạt động cho vay qua app, website…thường thay đổi thông tin để tránh theo dõi của cơ quan chức năng. Người đi vay chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân viên người thu nhập thấp cần vay một khoản tiền trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Theo Thượng tá Hồ Văn Phước - Phó phòng PC02 Công an tỉnh Bình Định- cho biết: Tín dụng đen là nguồn của các loại tội phạm, liên quan tới một số tội phạm thường xảy ra trong cuộc sống người dân hiện nay, trong đó nổi bật là tội phạm bắt giữ người trái pháp luật, tội phạm xâm phạm chỗ ở người khác, tội phạm gây rối trật tự công cộng, tội phạm cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản… Khi các đối tượng cho vay mà không đòi được nợ, thì sẽ trấn áp, đe dọa, cưỡng bức đối với con nợ, nhằm đòi tiền, qua đó gây ra các hành vi phạm phạm tội. Tín dụng đen ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội và người dân, nhất là những người cần tiền tiếp cận với nguồn vốn vay này, sau khi vay không có khả năng đóng lãi thì sẽ bị rất nhiều áp lực, dẫn đến việc phải bán nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ, đi vay nóng tổ chức, cá nhân tín dụng khác để trả các khoản nợ, cuối cùng đi vào đường cùng, tan cửa nát nhà, có người còn tìm tới cái chết để được giải thoát. Loại tội phạm liên quan đến tín dụng đen còn có các chiêu trò, đăng hình ảnh con nợ lên các trang mạng xã hội, nói xấu, bêu rếu con nợ, để áp lực con nợ và người nhà phải trả tiền. Theo ông, đây là một trong những hành vi phạm tội cần xử lý.
"Hiện không chỉ cơ quan CSĐT, mà Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Công an, các cơ quan của Đảng nhà nước, các cơ quan liên quan đều rất quan tâm đến công tác tăng cường đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm liên quan tới tín dụng đen, cụ thể là Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo việc tăng cường các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa liên quan đến tín dụng đen, Bộ Công an cũng đã xây dựng các kế hoạch, Cục Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, kể cả phòng Cảnh sát hình sự cũng đã xây dựng nhiều kế hoạch chỉ đạo Công an địa phương triển khai các biện pháp giải pháp liên quan đến tín dụng đen.
Đối với các trường hợp cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất tối đa Bộ luật Hình sự quy định, tức 100% năm, thu lợi bất chính trên 30.000.000 đồng thì cơ quan CSĐT tập trung củng cố hồ sơ xử lý hình sự đối với tội danh cho vay nặng lãi, kiên quyết đấu tranh và xử lý tới cùng các trường hợp này, đối với các đối tượng chưa đủ yếu tố khởi tố hình sự thì cơ quan CSĐT sẽ phạt hành chính răn đe các đối tượng. Quan điểm của cơ quan CSĐT về việc các tổ chức, cá nhân cho vay tiền rồi xâm nhập gia cư bất hợp pháp đánh con nợ người gây thương tích, cơ quan CSĐT kiên quyết xử lý, đây là hành vi phạm tội hết sức nghiêm trọng được quy định tại điều 158 Bộ luật Hình sự 2015, loại tội phạm này cơ quan CSĐT sẽ lập hồ sơ và xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật, không bỏ sót tội phạm nguy hiểm này." - Cơ quan chức năng cho biết.
|
Thượng tá Hồ Văn Phước phó phòng CSHS Công an tỉnh trao đổi với phóng viên |
Theo báo cáo của Phòng CSHS, bên cạnh những kết quả tích cực thì vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, hiện nay công tác thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của tội phạm Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (Điều 201 BLHS) rất phức tạp nhưng mức hình phạt rất nhẹ. Công tác phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi cho vay lãi nặng dưới hình thức cho vay trực tuyến, cho vay qua các ứng dụng điện thoại (app) chưa hiệu quả do gặp nhiều khó khăn trong thu thập chứng cứ điện tử.
Số đối tượng đến địa bàn hoạt động cho vay và cấu kết với các đối tượng tại địa phương hoạt động cho vay với nhiều hình thức trá hình ngày càng nhiều, thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi, xảo quyệt như mở công ty bán vé máy bay, mua bán xe máy… gây khó khăn trong công tác phát hiện.
Thêm nữa, nhiều đối tượng vì mục đích không chính đáng như: ăn chơi, đua đòi hoặc để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, cờ bạc, ma túy, kinh doanh phi pháp…tìm đến tín dụng đen vay tiền. Hệ lụy đối tượng đòi nợ đến gia đình, nơi làm việc gây sức ép để trả nợ nhưng không báo cáo cơ quan chức năng, bỏ mặc gia đình chịu hậu quả.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, quản lý các băng nhóm, đối tượng có biểu hiện hoạt động liên quan tín dụng đen, giải quyết các vụ việc, vụ án có nguyên nhân từ tín dụng đen, Phòng PC02 đã tích cực tham mưu UBND các cấp chỉ đạo các ban, ngành có liên quan triển khai các giải pháp tài chính nhằm tháo gỡ, hỗ trợ khó khăn cho người dân có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, dịch vụ tín dụng có gói vay nhỏ nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn chính thống, thủ tục không rườm rà, hỗ trợ kịp thời nhu cầu vay vốn cho người có thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó góp phần hạn chế được hoạt động tín dụng đen len lỏi trong quần chúng.
Tiếp tục xây dựng và củng cố, nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm, các mô hình tự quản để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm. Lập nhiều hòm thư tố giác tội phạm, gửi thư kêu gọi, phát động quần chúng nhân dân tố giác tội phạm.
Bên cạnh đó, phòng PC02 sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên tuyên truyền cho người dân biết về các quy định của Nhà nước về vay và cho vay, các phương thức, thủ đoạn, hậu quả, tác hại của tín dụng đen, các vụ án, kết quả công tác đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” góp phần nâng cao nhận thức, ý thức phòng ngừa và răn đe tội phạm.
Ngoài ra, về biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ sẽ được lực lượng CSHS chủ công đẩy mạnh thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm tình hình địa bàn. Tiến hành thống kê, lên danh sách các đối tượng, nhóm đối tượng có biểu hiện cho vay theo kiểu “tín dụng đen” và “đòi nợ thuê” trên địa bàn tỉnh để chủ động đấu tranh ngăn chặn. Xác lập Chuyên án để tập trung lực lượng, biện pháp và phương tiện để đấu tranh với các băng nhóm đối tượng hoạt động phạm tội liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Thường xuyên tiếp nhận, xử lý đơn thư, tin báo tố giác tội phạm để điều tra mở rộng qua đó phát hiện đối tượng có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”. Cần có sự thống nhất của các cơ quan chức năng trong biện pháp xử lý vi phạm để đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. /.