Tại buổi xin lỗi, Công an tỉnh Đắk Lắk đã nhận trách nhiệm và thành thật xin lỗi ông Nguyễn Lâm Sáu và gia đình, người thân vì Cán bộ công an tỉnh đã để xảy ra một số sai phạm làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Sáu. Đó là tạm giữ ông Sáu quá hạn 7 ngày (từ 18/11/1985 đến 24/11/1985), đồng thời sử dụng sai biểu mẫu Biên bản khám xét và lệnh tạm tha trong quá trình tiến hành các hoạt động điều tra. Sau khi ông Sáu được tạm tha đã không tiếp tục điều tra xác minh, kết luận để giải quyết dứt điểm vụ việc trên theo quy định của Pháp luật. Công an tỉnh rất mong ông Nguyễn Lâm Sáu và gia đình ghi nhận lời xin lỗi chân thành và phối hợp để thực hiện các nội dung liên quan.
“Công an tỉnh Tỉnh Đắk Lắk cam kết thực hiện đúng và đầy đủ việc thỏa thuận, bồi thường về vật chất, tinh thần cho ông Nguyên Lâm Sáu theo đúng quy định của pháp luật do những vi phạm đã gây ra. Đồng thời sẽ tổ chức rút kinh nghiệm và quán triệt sâu rộng trong toàn thể các cán bộ nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm trong công tác để không để xảy ra những sai phạm tương tự, nhằm giữ vững niềm tin của các cáp ủy đảng, chỉnh quyền và quần chúng nhân dân”, Đại tá Nguyễn Thế Lực – Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk thông tin.
Cũng tại buổi xin lỗi, ông Nguyễn Lâm Sáu chia sẻ, trải qua 33 năm liên tục đấu tranh, đòi quyền lợi, hôm nay công lý đã được thực thi. Đến ngày hôm nay, giống như một con người đã được cởi trói, từ một bị can trở thành một người bình thường, giống như mọi công dân khác .
“Việc xin lỗi của Công an tỉnh Đắk Lắk muộn còn hơn không nên tôi không oán trách và tha lỗi cho họ, Trong cuộc sống, ai cũng có những sai lầm, quan trọng là chúng ta biết nhìn nhận những khuyết điểm để hoàn thiện bản thân. Gia đình tôi cũng xin cám ơn Công an tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức buổi lễ công khai trang trọng và thành tâm” - ông Sáu nói.
Ông Nguyễn Lâm Sáu phát biểu sau khi nghe lời xin lỗi từ cơ quan chức năng. |
Dính oan sai vì chống tham nhũng và đi hành trình tìm công lý
Theo hồ sơ vụ án: Từ năm 1977, ông Sáu được điều động vào Đắk Lắk công tác tại nông trường Ea Kao.
Ông nhận thấy bộ máy hoạt động toàn nông trường bắt đầu có dấu hiệu sai phạm, trì trệ, nạn tham nhũng xuất hiện. Trong các cuộc họp toàn đơn vị, ông Sáu liên tục đấu tranh, công bố bằng chứng một số cán bộ nông trường có hành vi tham nhũng, hối lộ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của nông trường.
Trước sự đấu tranh, lên án quyết liệt trong công tác chống tham nhũng của ông Sáu, Ủy ban Thanh tra Nhà nước tỉnh Đắk Lắk thời điểm đó nhanh chóng vào cuộc nhằm xác minh sự việc. Báo cáo của Thanh tra tỉnh ngày 4/6/1985 kết luận nội dung tố cáo của ông là đúng sự thật nhưng ông bị cho nghỉ việc...
Ngày 14/11/1985, ông Sáu bị công an tỉnh bắt tại nhà riêng vì nghi ngờ buôn bán hàng trái phép. Lệnh bắt không có sự phê chuẩn của VKS, khi công an bắt người không có đại diện chính quyền địa phương chứng kiến. Trong biên bản bắt, công an thu giữ... một chai 65 ml dầu cam đã hư hỏng để làm vật chứng. Đáng chú ý, quá trình bắt và khám xét nhà ông Sáu không có sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát.
Ngày 21/11/1985, ông Sáu được thả bằng “Lệnh tạm tha” của công an tỉnh với nội dung: “Bị can Nguyễn Lâm Sáu về địa phương và khi nào cơ quan pháp luật có giấy gọi, bị can phải đến đúng ngày, đúng giờ”... Tuy nhiên, sau đó ông Sáu không hề thấy tờ giấy gọi nào của cơ quan pháp luật. Cũng từ đó ông Sáu và người con trai gửi đơn đi khiếu nại, kêu cứu khắp nơi.
Năm 2008 và 2010, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng có văn bản chỉ đạo, yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk giải quyết dứt điểm vụ việc của ông. Phản hồi, UBND tỉnh có Công văn 398, thừa nhận, Công an Đắk Lắk đã có những sai sót trong việc bắt ông Sáu. UBND tỉnh chỉ đạo: “Công an tỉnh phải có văn bản chính thức công khai xin lỗi ông Sáu”...
Đến tháng 7/2009, Văn phòng Chủ tịch nước đã chuyển đơn của ông đến VKSND Tối cao xem xét, giải quyết. Ba tháng sau, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng chuyển đơn của ông đến Bộ Công an, VKSND Tối cao. Sau đó có nhiều cơ quan khác yêu cầu xử lý dứt điểm vụ việc.
Đến năm 2013, Công an tỉnh Đắk Lắk mới ra quyết định về việc giải quyết đơn khiếu kiện lần đầu đối với trường hợp của ông Nguyễn Lâm Sáu. Theo đó, Cơ quan An ninh điều tra thừa nhận: “Việc tạm giữa ông Nguyễn Lâm Sáu trong 7 ngày (18.11-24.11.1985), đồng thời việc sử dụng sai mẫu Biên bản khám xét và Lệnh tạm tha trong quá trình tiến hành các hoạt động điều tra đối với ông Sáu, dẫn đến ảnh hưởng về mặt vật chất và tinh thần đối với ông Sáu. Công an tỉnh Đắk Lắk phân tích, khi Bộ luật Hình sự năm 1985 còn hiệu lực thi hành, trách nhiệm thuộc về ông Bùi Văn Nhị - nguyên Quyền trưởng Phòng An ninh kinh tế - văn hóa, Công an tỉnh Đắk Lắk (nay đã nghỉ hưu) và cán bộ trực tiếp thực hiện là ông Bùi Văn Cường.
Ngày 15/1/2018, Công an tỉnh Đắk Lắk đã làm việc với ông Nguyễn Lâm Sáu, thông qua thỏa thuận giữa các bên, Công an tỉnh Đắk Lắk và gia đình ông Sáu chính thức thống nhất thời gian, địa điểm tổ chức buổi xin lỗi công khai ông Nguyễn Lâm Sáu về vi phạm trong hoạt động tố tụng hình sự xảy ra vào năm 1985 dẫn đến oan sai.