Rạng sáng 2/5, tại quán Karaoke H2 Lounge (thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa), lực lượng chức năng kiểm tra hành chính, phát hiện 4 người cùng ngụ Hà Nội có kết quả dương tính với ma túy. Khám xét nơi ở của nhóm đối tượng, công an thu một bình kim loại chứa hơn 2kg khí N2O cùng nhiều tang vật liên quan hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Công an tỉnh sau đó phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và công an các địa phương khám xét khẩn cấp 3 nhà xưởng sản xuất khí N2O tại Hà Nội. Tại những nơi này, lực lượng chức năng thu 850 bình kim loại (trong đó hơn 370 bình chứa khí N2O), gần 140 tấn nguyên liệu dùng để sản xuất khí N2O, cùng 3 dây chuyền máy móc sản xuất khí cười. Theo điều tra ban đầu, từ tháng 3/2025 đến khi bị bắt, các nhà xưởng này đã sản xuất khoảng 65 tấn khí N2O, bán ra thị trường giá 300.000 đồng/kg, thu lợi ước tính khoảng 6,5 tỷ đồng.
Hiện Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố, bắt tạm giam 11 nghi phạm trong đường dây này để điều tra về các hành vi Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, Mua bán trái phép chất ma túy và Sản xuất, buôn bán hàng cấm.
![]() |
Các đối tượng liên quan đến đường dây bị bắt giữ |
Trước đó, Công an tỉnh và cơ quan chức năng Thanh Hóa cũng đã có những động thái quyết liệt trong phòng ngừa ngăn chặn triệt xóa vấn nạn này. Đầu 2024, PLVN nhận được phản ánh của bạn đọc về việc một số nhà hàng, quán bar tại TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và huyện Đông Sơn kinh doanh “bóng cười”, thường xuyên hoạt động quá giờ gây ảnh hưởng an ninh trật tự và đời sống người dân. “Bóng cười” là những quả bóng bay được bơm đầy khí N2O, là hợp chất không màu, không mùi, khi hít loại khí này sẽ khiến cơ thể có cảm giác hưng phấn, vui vẻ cười nói mất kiểm soát, gây ảo giác; ảnh hưởng nghiêm trọng với sức khỏe như: Tê bì chân tay, Tổn thương thần kinh từ não xuống tủy sống, Thiếu oxy máu, đột quỵ….
Sau khi tiếp nhận phản ánh, đi xác minh thực tế, Báo PLVN đã có một số bài viết và Công văn 100/CV-PLVN-BBĐ gửi cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đề nghị xác minh, giải quyết. Ngày 6/2/2024, UBND tỉnh có Văn bản 1896/UBND-VX nêu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh; và ngày 29/2/2024, Ban Nội chính Tỉnh ủy có Văn bản 1019/CV/BNCTU gửi Chủ tịch UBND tỉnh; cùng với quan điểm cơ quan chức năng cần sớm kiểm tra, xác minh, giải quyết theo quy định pháp luật, báo cáo Bí thư Tỉnh ủy.
Thực hiện chỉ đạo, công an địa phương đã kiểm tra, xác minh, tham mưu giải quyết vấn đề. Tại Văn bản 1145/UBND-KT, UBND TP Thanh Hóa cho biết, các cơ sở kinh doanh bị phản ánh đều có tình trạng hoạt động như quán bar, vũ trường; thường xuyên mở cửa đón và phục vụ khách đến quá 12h đêm, gây ảnh hưởng đời sống người dân và an ninh trật tự. Tuy nhiên, việc xử lý, ngăn chặn gặp nhiều vướng mắc như việc hoạt động quá giờ chưa có chế tài xử lý (vì đây không phải là loại hình kinh doanh có điều kiện); việc xử lý kinh doanh khí N2O mới chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe…
Về phía Công an tỉnh Thanh Hóa, Thượng tá Vũ Ngọc Ngũ, Trưởng phòng PX03 cho biết, trước thực trạng này, Công an tỉnh sau đó đã tích cực phối hợp nghiên cứu tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh ra quy định về thời gian được phép hoạt động của dạng cơ sở này trên địa bàn; kiến nghị lên Bộ Công an đề nghị hướng dẫn, ban hành văn bản cụ thể để có phương án giải quyết, xử lý triệt để tình trạng nêu trên.
Từ ý kiến của các cử tri, Bộ, ngành, địa phương (trong đó có Công an tỉnh Thanh Hóa), ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 173/2024/QH15 tại Kỳ họp thứ 8, với nội dung cấm toàn diện việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, chứa chấp, sử dụng “bóng cười” từ 1/1/2025.
Sau khi Nghị quyết 173 có hiệu lực, PLVN đã ghi nhận những tín hiệu tích cực từ cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa. Trung tá Lê Trần Đăng (Đội trưởng Đội Điều tra và Thẩm định hồ sơ tố tụng, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh) cho biết, trước khi có Nghị quyết 173, tình trạng mua bán, sử dụng “bóng cười” vẫn diễn ra tại địa phương. Một số trường hợp sử dụng “bóng cười” phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng về thể chất và tinh thần cho người sử dụng. “Việc nghiêm cấm “bóng cười” là chính sách đúng đắn, cần thiết và kịp thời nhằm hạn chế những hậu quả tiêu cực với sức khỏe con người. Chính sách này cũng cho thấy pháp luật ngày càng được hoàn thiện, đồng hành cùng thực tiễn cuộc sống, góp phần xây dựng xã hội văn minh, an toàn, lành mạnh”, Trung tá Đăng nhận xét.