Vào buổi sáng cùng ngày, Hội đồng chuyên môn bao gồm đại diện Sở Y tế cùng 11 chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai (khoa Thận nhân tạo, khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm chống độc; khoa Cấp cứu A9) và các chuyên gia của bệnh viện Đa khoa tỉnh, đã tiến hành họp nhằm đánh giá lại quá trình khám, chăm sóc và điều trị đối với các bệnh nhân trong sự cố y khoa ngày 29/5/2017 tại Đơn nguyên thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình và định hướng tìm nguyên nhân sự cố.
Tại cuộc họp, Hội đồng chuyên môn đã tập trung đánh giá quá trình khám, chăm sóc và điều trị đối với các bệnh nhân và định hướng tìm nguyên nhân sự cố. Việc đánh giá dựa trên cơ sở nghiên cứu Hồ sơ bệnh án, các tài liệu liên quan và bản tường trình của các cá nhân liên quan. Trên cơ sở các văn bản Hội đồng đã thảo luận và khẳng định đây là một thảm họa, các bệnh nhân trong tình trạng diễn biến hết sức phức tạp.
Quá trình nghiên cứu, xem xét, đánh giá các thành viên Hội đồng đã khẳng định: Quy trình tiếp nhận, khám, nhận định, đánh giá và thiết lập vòng tuần hoàn ngoài cơ thể cho bệnh nhân trước khi lọc máu là phù hợp với quy trình; Khi phát hiện bệnh nhân trong quá trình lọc máu có dấu hiệu bất thường các nhân viên y tế đã thực hiện ngay các biện pháp xử lý như:
Dừng lọc máu, cho thở oxy, sử dụng các thuốc cấp cứu và các biện pháp hồi sức tích cực là phù hợp với diễn biến và tình trạng cấp cứu của người bệnh; Các bệnh nhân có diễn biến nguy kịch như: suy hô hấp, ngừng tuần hoàn, trụy mạch...đã được xử trí cấp cứu tại chỗ và vận chuyển đến khoa Hồi sức tích cực là phù hợp với quy trình chuyên môn kỹ thuật; Khi xuất hiện một số lượng lớn bệnh nhân cần cấp cứu, đơn nguyên Thận nhân tạo đã báo cáo với Lãnh đạo bệnh viện xin hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện tuyến trên (Bệnh viện Bạch Mai) là phù hợp với quy chế hội chẩn bệnh nhân nặng của Quy chế bệnh viện (ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
Hội đồng y khoa cũng đã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế và khẳng định đây là một thảm họa lớn do vậy BVĐK tỉnh Hoà Bình còn thiếu kinh nghiệm, phương tiện, nhân lực, kiến thức xử trí tình trạng thảm họa.
Về chẩn đoán, trên cơ sở biểu hiện của 18 bệnh nhân với các biểu hiện giống nhau trong cùng một thời điểm. Hội đồng chuyên môn đã xác định đây là Hội chứng ngộ độc cấp qua đường máu do cùng một nguyên nhân gây ra với các biểu hiện tổn thương đa cơ quan (hô hấp, tuần hoàn, gan, thận, máu...).
Về nguyên nhân, tính đến thời điểm hiện tại, Hội đồng chuyên môn chưa đủ căn cứ, cơ sở và bằng chứng khoa học để kết luận khẳng định chắc chắn nguyên nhân của sự cố trên (do chưa có kết quả xét nghiệm, phân tích nguồn nước RO và kết quả khám nghiệm tử thi...). Tuy nhiên Hội đồng chuyên môn cũng tính đến có sự bất thường của nguồn nước RO (nước tinh khiết) sử dụng trong quá trình lọc máu cho bệnh nhân tại Đơn nguyên Thận nhân tạo của BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Tại cuộc họp báo, ông Trần Quang Khánh (Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hoà Bình cũng cho biết thêm: Ngày 28/5, công ty Thiên Sơn bảo trì bảo dưỡng lọc nước RO, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa có ký kết hợp đồng bảo trì. Sau khi bảo trì chưa test nước đầu ra, chưa đưa nguồn nước đi kiểm định đã sử dụng cho bệnh nhân. Do vậy, đây có thể là nguyên nhân dẫn đến sự cố nói trên.
Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho hay, vào sáng ngày 08/6, 10 bệnh nhân trong sự cố y khoa đã làm thủ tục xuất viện. Toàn bộ các bệnh nhân này đã được Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đón tại Bệnh viện và đưa về tận nhà với tình trạng sức khoẻ đã ổn định./.