Theo thống kê, từ ngày 1/5 - 10/9 tỉnh Điện Biên đã ghi nhận 3 ổ dịch bạch hầu với 6 ca mắc. Trong đó có 1 trường hợp tử vong tại xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông.
Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xuống địa bàn khẩn trương dập dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch lây lan.
Sau gần 1 tháng tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đến ngày 19/9, UBND tỉnh Điện Biên đã ký Quyết định công bố hết dịch bạch hầu tại xã Huổi Mí, huyện Mường Chà.
Bệnh bạch hầu lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc hít phải các chất tiết đường hô hấp của người bệnh bắn ra khi ho, hắt hơi hoặc có thể lây qua tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm các chất tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2 - 5 ngày. Người mắc bạch hầu có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó nuốt, hạch góc hàm sưng đau, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidal hoặc thành sau họng, khó thở hoặc thở nhanh, chảy nước mũi. Độc tố bạch hầu có thể gây viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong nếu không phát hiện sớm và chữa trị kịp thời. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thuộc nhóm B, do vi khuẩn bạch hầu gây ra, có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch.
Mặc dù đã được công bố hết dịch, nhưng các phòng chức năng liên quan trên địa bàn huyện Mường Chà vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống dịch bạch hầu tại cộng đồng, nhất là các khuyến cáo của ngành Y tế về phòng, chống dịch bệnh bạch hầu và truyền thông về tác dụng, lợi ích tiêm chủng, đối tượng và lịch tiêm để người dân biết, chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td đầy đủ, đúng lịch.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Lịch tiêm chủng vắc xin SII hoặc ComBe Five trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:
Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi
Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng
Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng
Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.