Đây là lần đầu tiên những hình ảnh về đáy biển tại khu vực hẻo lánh nhất thế giới được công bố. Cho đến nay, việc tìm kiếm bản đồ Sao Hỏa được xem là còn dễ dàng hơn tìm kiếm bản đồ về vùng biển này.
Trước đó chuyến bay MH370 của Malaysia đã biến mất hôm 8/3 với 239 người trên khoang mà không để lại dấu vết. 26 quốc gia đã cùng tham gia tìm kiếm chiếc Boeing 777 nhưng chưa thể thu được bất kỳ mảnh vỡ nào.
Đội tìm kiếm tại Ban an toàn giao thông của Úc, hiện đang chủ trì chiến dịch tìm kiếm, đang sử dụng thiết bị dò sóng âm để lập bản đồ đáy biển tại vùng tìm kiếm “ưu tiên”, tại khu vực phía Nam Ấn Độ Dương.
Một khu vực trên đáy Ấn Độ Dương có địa hình phức tạp vừa được lập bản đồ |
Sau khi lập được bản đồ đáy biển, một số thiết bị tìm kiếm dưới biển sâu sẽ được triển khai để rà soát từng ngóc ngách với hy vọng tìm thấy mảnh vỡ.
Vùng “ưu tiên” được xác định dựa trên một manh mối rất nhỏ mà các nhà điều tra có được, đó là một loạt những tín hiệu xung điện được truyền và nhận giữa chiếc máy bay và một vệ tinh.
Simon Boxall, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm hải dương học quốc gia cho biết việc lập bản đồ giúp đem đến cái nhìn chi tiết về đáy biển.
“Những chỗ gồ lên trên đáy biển phẳng, không có đặc điểm gì đặc biệt ở phía Nam Broken Ridge đó còn lớn hơn cả ngọn núi Ben Nevis (Scotland). Nó có chiều ngang 5km và thường nhô lên khỏi đáy biển 1,5km. Còn địa hình của của khu vực quanh Broken Ridge khiến dãy núi Alps của châu Âu chỉ còn như những chỏm đồi”, Boxall nói.
Việc lập bản đồ sóng âm có vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo nhóm tìm kiếm không đưa thiết bị lặn vào những vùng nước sâu, hay lao vào các rặng núi và núi lửa.
Đến nay chiến dịch tìm kiếm MH370 là phức tạp nhất lịch sử. Có thể trong vòng vài tháng đội tìm kiếm sẽ thấy tung tích của chiếc Boeing 777, nhưng cũng có thể là không bao giờ cả./.