Theo đồ án được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký Quyết định số 2905, ngày 27/12/2023 về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa giới hành chính huyện Yên Lạc bao gồm 17 xã, thị trấn với tổng diện tích 10.765,18ha.
Dựa vào đặc điểm, không gian tự nhiên, hệ thống giao thông và dự kiến quy hoạch phát triển các khu chức năng trong vùng, Yên Lạc được quy hoạch phát triển theo mô hình 2 trục và 2 hành lang phát triển.
Hai trục phát triển gồm: Trục Bắc - Nam, kết nối thành phố Vĩnh Yên, qua vùng Yên Lạc đến thành phố Hà Nội, tập trung cải tạo đô thị hiện hữu, phát triển đô thị, dịch vụ thương mại; trục Đồng - Tây kết nối vùng Yên Lạc với các vùng phía Nam của tỉnh, tập trung phát triển đô thị và công nghiệp.
Hai hành lang phát triển gồm: Hành lang phía Bắc, phát triển dọc theo quốc lộ 2, trục Đông - Tây của vùng Yên Lạc, định hướng phát triển đô thị, cụm công nghiệp xen kẽ cây xanh mặt nước sinh thái; hành lang phía Nam tập trung phát triển theo đê tả sông Hồng, định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông thôn, du lịch trải nghiệm, hành lang cây xanh ven sông Hồng.
Đồ án có định hướng phát triển không gian vùng huyện với 3 vùng phát triển, gồm: Vùng 1 thuộc khu vực phía Bắc bao gồm 6 đơn vị hành chính cấp xã: Đồng Văn, Đồng Cương, Trung Nguyên, Tề Lỗ, Bình Định, thị trấn Yên Lạc. Vùng này có định hướng phát triển Trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa thể thao và Y tế, phát triển đô thị, dịch vụ thương mại, cụm công nghiệp, kết hợp du lịch văn hóa tâm linh.
Vùng 2 thuộc trung tâm huyện với 5 xã: Yên Đồng, Yên Phương, Nguyệt Đức, Văn Tiến, Thị trấn Tam Hồng, vùng này định hướng phát triển đô thị, công nghiệp và thương mại dịch vụ.
Vùng thứ 3 thuộc khu vực phía Nam bao gồm 6 đơn vị hành chính cấp xã: Đại Tự, Liên Châu, Hồng Châu, Hồng Phương, Trung Kiên, Trung Hà, vùng này định hướng phát triển đô thị nông nghiệp công nghệ cao (vùng trong đê tả Sông Hồng); phát triển nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao, du lịch trải nghiệm (vùng ngoài đê tả Sông Hồng).
Đồ án cũng phân bổ và xác định quy mô các không gian phát triển về công nghiệp, nông lâm, ngư nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, trồng cây lâu năm; phát triển đô thị và nông thôn; phân bố và xác định hệ thống công trình hạ tầng xã hội; các khu vực bảo vệ cảnh quan thiên nhiên trong vùng; định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật; quy hoạch giao thông; quy hoạch hệ thống điện, cung cấp năng lượng; Bảo vệ môi trường…
Đồ án quy hoạch vùng huyện đến năm 2050 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở pháp lý để xây dựng phát triển kinh tế, xã hội huyện Yên Lạc phù hợp với định hướng của tỉnh, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Yên Lạc trở thành đô thị loại IV trực thuộc tỉnh, đến năm 2050 trở thành khu vực nội thị của thành phố Vĩnh Phúc.