Theo đó, công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an.
Thủ trưởng cơ quan quản lý CSDLQG về dân cư Bộ Công an có thẩm quyền cho phép cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp Trung ương; tổ chức tín dụng; tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động; tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, định danh điện tử khai thác thông tin trong CSDLQG về dân cư.
Giám đốc Công an cấp tỉnh có thẩm quyền cho phép cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh; tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện các dịch vụ công trên địa bàn quản lý khai thác thông tin trong CSDLQG về dân cư…
Trưởng Công an cấp xã có thẩm quyền cho phép cá nhân đăng ký thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn quản lý quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 8 Nghị định này khai thác thông tin trong CSDLQG về dân cư.
Văn bản đề nghị cung cấp thông tin phải nêu rõ lý do cần khai thác, sử dụng thông tin trong CSDLQG về dân cư; thời gian khai thác, thông tin cần khai thác và cam đoan về việc chịu trách nhiệm trong sử dụng thông tin khi được cung cấp. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu cung cấp thông tin trong CSDLQG về dân cư của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì người có thẩm quyền xem xét, quyết định cho phép khai thác thông tin trong CSDLQG về dân cư. Trường hợp đồng ý cho phép khai thác thông tin thì có văn bản trả lời và cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trường hợp không đồng ý cho phép khai thác thông tin thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.